Vùng đất một thời bom đạn tơi bời, nay trồng sầu riêng ra lắm quả, trồng bơ tứ quý trái trĩu cành

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trong chiến tranh, vùng đất dưới chân đồi Sạc Ly (xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) từng bị bom đạn cày xới, bây giờ bạt ngàn cao su, vườn trái cây sum sê xanh tốt. Trong đó nổi bật là trang trại trồng trái cây cây đặc sản của ông Nguyễn Duy Lơ, Giám đốc HTX Nông - lâm nghiệp và Dịch vụ Thái Thanh.
Từ “Phố 500” đến giám đốc
Đến “Phố 500” – biệt hiệu của thôn Đăk Tang một thời, tôi và A Việt – Chủ tịch Hội Nông dân xã Rờ Kơi vào căn nhà rộng rãi khang trang - cổng nhà mở toang. Tuy nhiên, trong nhà không thấy chủ. Sau cuộc gọi điện thoại của A Việt, khoảng gần 10 phút sau chủ nhà từ trang trại trở về.
 
Sầu riêng trồng xen trong vườn cà phê của gia đình ông Lơ, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.
Sầu riêng trồng xen trong vườn cà phê của gia đình ông Lơ, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.
“Để nhà báo phải đợi rồi!” – ông Nguyễn Duy Lơ cười, giọng ấm và vang. Nghe tôi nói đi làm quên đóng cổng, ông lại bật cười: Nhà cửa mở vậy, nhưng hàng ngày, gia đình tôi chủ yếu ăn ở và làm việc trong vườn cao su, vườn cây ăn quả trong trang  trại....
Ở đây, tuy là dân tứ xứ, nhưng từ nhiều năm nay, không ai lấy của ai thứ gì. Dân trong thôn không có tính gian tham, ai làm nấy ăn. Không ai làm giàu bằng ăn trộm, nếu anh gian tham sẽ bị cộng đồng cô lập. Sống ở đây 20 năm rồi, tôi làm thôn trưởng và hiểu tính cách của người dân.
Lau vội giọt mồ hôi lăn dài trên má, ông vừa pha trà mời khách, vừa trò chuyện: Thôn làng bây giờ trù phú, cây cối xanh tươi, đường sá được bê tông, nhưng ngày trước đây là vùng đất cỏ tranh, lau lách hoang vu. 
Khi mới bắt đầu hình thành, người Tày, Nùng, Mường, Thái, Kinh... từ nhiều tỉnh miền Bắc vào đây lập nghiệp. Nhà cửa rất sơ sài: chỉ mấy cây gỗ dựng lên, trên che vài tấm tôn. Trị giá mỗi ngôi nhà khoảng 500 nghìn đồng. Vì thế, mới có biệt danh là “Phố 500”, nhà tôi lúc đó cũng vậy
Qua câu chuyện, tôi được biết khi mới vào đây lập nghiệp, ông Lơ ươm cây trồng rừng cho Công ty Nguyên liệu giấy Miền Nam (nay là Công ty TNHH MTV Nguyên liệu giấy Miền Nam). Chịu khó lao động và về quê (quê ông ở tỉnh Thái Bình) gọi người vào nhận khoán trồng và chăm sóc rừng cho Công ty Nguyên liệu giấy Miền Nam, ông dần dần tích lũy được ít vốn. 
Từ đó, ông từng bước khai hoang cỏ tranh, lau lách mở rộng đất sản xuất. Đến bây giờ, gia đình ông xây dựng được trang trại 18 ha cây trồng các loại, trong đó có 10 ha cao su (đã đưa vào khai thác cách đây 10 năm), 2 ha cà phê, 2 ha điều và 4 ha cây ăn quả (sầu riêng, mít Thái, bơ tứ quý) cho thu hoạch. Các loại cây ăn quả ông trồng theo mô hình VietGAP bảo đảm an toàn cho người sử dụng.
Từ yêu cầu sản xuất, đầu năm 2020, ông cùng với một số hộ chuyên canh cây ăn quả trong thôn thành lập Hợp tác xã Nông - lâm nghiệp và dịch vụ Thái Thanh. 
Hợp tác xã có 32 thành viên do ông làm giám đốc. Ngoài việc trồng cây ăn quả, Hợp tác xã còn làm dịch vụ hỗ trợ phân bón, chuyển giao kỹ thuật trồng cây theo hướng VietGAP và thu mua nông sản cho người dân trong vùng. 
Mở hướng giúp nông dân làm giàu
Vào thăm trang trại, trong đó có trồng cây ăn trái đặc sản của ông dưới chân đồi Sạc Ly, tôi như lạc vào một mê cung. Trong trang trại, một bên là rừng cao su xanh ngút ngàn không thấy điểm dừng; một bên là vườn cây ăn quả xanh tốt, quả trĩu cành, chủ yếu là sầu riêng, mít và bơ tứ quý. 
“Gia đình điều chỉnh cho cây ăn quả ra trái vụ, vì vậy, vườn cây của gia đình cho giá trị kinh tế cao hơn. Tôi còn gửi cho các con tôi ở thành phố Hà Nội và Hạ Long (Quảng Ninh) làm đầu mối tiêu thụ. Mặc dù trong thời điểm còn tác động dịch bệnh Covid-19, nhưng hàng gửi ra đến đâu được tiêu thụ đến đó. Như sầu riêng được bán sỉ với giá 55 nghìn đồng/kg nhưng cung không đủ cầu. Trái cây đưa ra Bắc bán có giá cao hơn ở các nơi khác”- ông Lơ bộc bạch.
 
Giống bơ tứ quý ông Lơn trồng trong vườn đang độ ra sai quả. Ảnh: VN
Giống bơ tứ quý ông Lơn trồng trong vườn đang độ ra sai quả. Ảnh: VN
Thăm vườn cây ăn quả của ông Lơ, tôi cứ “mắt tròn mắt dẹt”, ngắm mãi không biết chán. Bên ngoài trời nắng chang chang, nhưng vào vườn cây mát rười rượi. Trong trang trại, ông còn dựng một ngôi nhà để ăn, nghỉ và quản lý trang trại. 
Dưới các vườn cao su, ông nuôi gà, vịt, vịt xiêm lấy thịt và lấy trứng; tận dụng các khe ở giữa các quả đồi, ông đào ao nuôi cá, không chỉ cung cấp cho bữa ăn gia đình mà còn bán ra thị trường. 
Đất đai nhiều, nhưng đều được ông khai thác triệt để, không bỏ sót một khoảng đất trống nhỏ nào. Giữa các hàng cà phê ông trồng cây ăn quả; giữa các hàng cây điều và mít chưa khép tán, ông trồng mì. Năm 2019, gia đình ông thu tới 180 tấn mì tươi từ việc trồng xen này.
Vốn không thích khoe khoang, nhưng khi được nghe hỏi về thu nhập, ông bảo: Năm vừa qua, trang trại gia đình thu khoảng 800 triệu đồng. Đó là ông khiêm tốn nói vậy, nhưng tôi biết con số thực tế còn lớn hơn.
Không chỉ làm giàu cho mình, điều mong ước của ông khi thành lập Hợp tác xã Nông - lâm nghiệp và Dịch vụ Thái Thanh là xây dựng thương hiệu sản phẩm tiêu chuẩn VietGAP và OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) để bảo đảm sản phẩm an toàn cho người sử dụng. 
Đồng thời, Hợp tác xã đang giúp bà con trong vùng trồng cây ăn quả theo hướng sản xuất hữu cơ để cải tạo lại đất, bảo đảm canh tác bền vững; giúp bà con tiêu thụ sản phẩm và cùng nhau làm giàu.
Trên thực tế, trước khi hướng các hộ dân canh tác hữu cơ từ nguồn phân của Nhật, ông trực tiếp khảo nghiệm sản xuất từ các vườn cây ăn quả gia đình và thấy thực sự hiệu quả mới khuyến cáo nông dân cùng thực hiện. 
Vườn cây ăn quả trong trang trại của gia đình ông xanh tốt và cho nhiều quả cũng nhờ sử dụng loại phân bón này. Bên cạnh đó, ông còn thế chấp bìa đỏ vay vốn ngân hàng cho bà con mượn vốn (không tính lãi) mua các cây giống quả sầu riêng, bơ, mít... có chất lượng để sản xuất và cùng nhau xây dựng thương hiệu sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP.
Là người được ông Lơ giúp đỡ về kỹ thuật và vốn sản xuất, anh Đinh Văn Hiển –Bí thư Chi đoàn thôn Đăk Tang chân thành kể: Khi mới vào thôn Đăk Tang (năm 2011), tôi chỉ có hai bàn tay trắng. Được bác Lơ hướng dẫn kỹ thuật và truyền đạt kinh nghiệm sản xuất, đến nay, gia đình tôi có 1,5 ha cà phê (đã cho thu hoạch), 1 ha cao su, 1 ha mì...
Các loại giống cây ăn quả như sầu riêng, mít, bơ trồng xen trong vườn cà phê được bác Lơ “bán nợ” đem về trồng đều xanh tốt. Những năm gần đây, bình quân gia đình thu 200 triệu đồng/năm. Khi cây cao su đi vào khai thác, thu nhập gia đình sẽ cao hơn nhiều. Tôi mang ơn bác Lơ nhiều lắm! 
Ông A Việt – Chủ tịch Hội Nông dân xã xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum đánh giá cao về mô hình sản xuất và đóng góp của ông Lơ cho sự phát triển kinh tế ở thôn Đăk Tang nói riêng và xã Rờ Kơi nói chung. 
“Ông Lơ là đảng viên, thôn trưởng, là người đi đầu trong phát triển kinh tế và giúp nhiều hộ trong thôn thoát nghèo. Năm 2015, thôn có 50% hộ nghèo, nay còn 15% hộ nghèo và có nhiều hộ khá, giàu. Trong thôn xóa nhà tạm, hoàn thành nhiều chỉ tiêu về nông thôn mới và phấn đấu đến cuối năm nay đạt thôn nông thôn mới”- ông Việt cho hay.
Trước yêu cầu đòi hỏi của sự phát triển và trên hành trình xây dựng thương hiệu, ông Nguyễn Duy Lơ mong UBND xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) quan tâm giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi giúp Hợp tác xã Nông - lâm nghiệp và Dịch vụ Thái Thanh xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP và OCOP để sản phẩm nông nghiệp dưới chân đồi Sạc Ly của Hợp tác xã có điều kiện vươn xa và giúp bà con nông dân ở địa phương làm giàu.
Văn Nhiên (Báo Kon Tum/Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.