Vùng đất của những cần thủ câu cá ngát không cần mồi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tiếng tăm của Bảy Lào (ấp Cái Cám, xã Tân Hải, huyện Phú Tân , tỉnh Cà Mau) đã khiến nhiều người cả nể. Rồi một lần nữa, họ bái phục Bảy Lào với chuyện câu kiều
20 năm trước, nói câu cá đuối, cá ngát xứ Cái Cám, xã Tân Hải, huyện Phú Tân , tỉnh Cà Mau chỉ mỗi mình ông Phạm Văn Kiệt hành nghề. Nhưng là câu mồi, mỗi thuyền câu được trang bị nẹp sắt hai bên be. Lưỡi câu sau khi móc mồi thì máng lên be.
Người đầu tiên nghĩ ra cách câu không cần mồi
Ra tới biển thì thả câu (giống như câu giềng), mỗi giềng câu dài cả trăm mét. Đánh kiểu này nguy hiểm, khi thả câu không may vướng vào người là phải nhanh trí cắt câu. Nếu không cắt kịp thời, câu vướng vào, chìm xuống biển thì khó mong ngoi lên được. Vì vậy nên hành nghề này, ai cũng có một con dao đeo lòng thòng trên cổ.
 
Ông Bảy Lào bên “chiến lợi phẩm” sau chuyến câu kiều.  Ảnh: Lê Khoa
Chuyện đến tai Bảy Lào, ông tìm tòi rồi cải tiến thành những gắp câu riêng biệt. Lưỡi câu sử dụng lâu ngày không còn sắc bén thì mài, giũa. Để bắt được cá đuối, cá ngát mà không cần móc mồi nhử, ông bắt đầu tóm các lưỡi câu với khoảng cách nhỏ dần. Sau mỗi chuyến biển, ông lại tiếp tục cải tiến.
Sau năm ba chuyến, Bảy Lào tuyên bố thành công với những gắp câu kiều, bắt cá đuối, cá ngát mà không cần móc mồi nhử như cách câu truyền thống. Vậy là Bảy Lào lại phất lên với nghề câu kiều.
“Đầu tiên tui làm thử mấy chục gắp cho thằng con trai lớn. Cũng như mọi người, sáng sớm ra biển đánh câu, trưa về nhà. Nhưng xuồng câu của con tui lúc nào cũng khẳm mẹp vì cá đuối, cá ngát. Vậy là tui bắt đầu triển khai ngư cụ câu kiều cho bà con”, ông Bảy nhớ lại.
Mỗi gắp câu kiều, Bảy Lào cải tiến lại còn 20 m, móc 140 lưỡi câu. Chúng được nẹp cố định vào gắp tre. Đánh kiểu này không cần móc mồi vào lưỡi câu mà khi giềng câu chìm xuống, cá da trơn đi qua là quấn. Các giềng câu được nối với nhau bằng phao… Tất cả qua sự cải tiến của Bảy Lào đều hoàn hảo.
Hàng trăm bà con ở Cái Cám mua câu kiều, hành nghề câu kiều. Bảy Lào thêm nghề buôn vật tư làm câu kiều cung ứng cho bà con. Tất cả cá đuối, cá ngát bà con bắt được đem về bán lại cho Bảy Lào. Nguồn hàng nhiều, Bảy Lào bắt đầu kết nối các vựa cá lớn ở Cà Mau, rồi ngược lên Sài Gòn để cung hàng.
Có tháng, ông thu mua cả trăm tấn cá. Nhưng với triết lý sống của mình, xưa nay ông chỉ cho phép vợ và các con thu mua chênh lệch giá 5 ngàn đồng mỗi ký. “Với khoản lời này, mỗi ngày mua được 1 tấn thì mình cũng bỏ túi bạc triệu”, ông Bảy nhẩm tính.
Trước cơn bão số 5 năm 1997, cả xứ Cái Cám bắt đầu dịch chuyển sang nghề câu kiều. Rồi tiếng lành đồn xa, nghề câu dân dà được phát triển nhiều ở vùng biển Mỹ Bình, Cái Đôi Vàm…
Phó chủ tịch UBND xã Tân Hải Hồ Toại Nguyện cho biết: "Ấp Cái Cám có 285 hộ dân thì đã có hơn 160 phương tiện đánh bắt thuỷ sản. Giờ họ vẫn theo nghề câu kiều của chú Bảy Lào truyền lại. Năm kia, ở ấp đã thành lập Tổ hợp tác câu kiều, có 20 tổ viên tham gia. Mấy năm nay, công việc làm ăn luôn sôi động, ai cũng khấm khá. Từ cửa biển nghèo, đến nay cả ấp chỉ còn 8 hộ nghèo".

Phó trưởng ấp Cái Cám Lâm Văn Nhanh cho biết: "Giờ ít ai ở Cái Cám này rỗi chuyện. Chồng đi biển câu kiều thì vợ ở nhà cũng có chuyện làm. Chuẩn bị ngư cụ cho nhà mình xong thì nhận hàng của Tổ hợp tác về gia công. Từ khâu tóm lưỡi, bắt giềng cho đến vô nẹp… ai cũng làm được. Mỗi ngày mỗi chị cũng kiếm cả trăm ngàn đồng".


Nghề ổn định, khi khu tái định cư Cái Cám đưa vào sử dụng, bà con ai cũng phấn khởi chấp hành. Không còn hộ nào than khó mà bám lại ngoài đê biển Tây sinh sống. Về khu tái định cư, họ bắt đầu nghĩ đến chuyện xây nhà để an cư.
Mở ra hướng làm ăn mới cho bà con, nhưng khi thành lập Tổ hợp tác câu kiều, ông Bảy Lào lại từ chối chuyện “lãnh đạo” tổ. Không tham gia vào “lãnh đạo” tổ hợp tác nhưng ông Bảy vẫn liên tục nhận các đơn đặt hàng làm câu kiều cho tổ.
Mỗi tháng, hàng ngàn gắp câu được xuất bán đi Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá qua đơn hàng của ông Bảy Lào. Năm ngoái, có khách hàng đặt đơn hàng câu kiều để xuất sang Nhật Bản nhưng ông Bảy Lào chưa nhận lời.
Từ chỗ không tấc đất cắm dùi, về Cái Cám mấy chục năm, nay Bảy Lào đã có cơ ngơi khang trang. Ông khoe: "Hai thằng con trai, tui mua cho tụi nó 2 chiếc ghe hành nghề câu kiều. Cộng với công việc ra biển, tụi nó thu mua rồi tải hàng về". Còn trên bờ, mấy năm trước Bảy Lào đã bày cho người quen hành nghề vận tải hàng hoá.
Anh bạn không đủ vốn mua xe, Bảy Lào cho mượn tiền rồi mỗi tháng chia đều ra trả lại tiền vốn cho ông. Tiền bạc trăm triệu cho mượn không tính lãi, xe chở hàng của Bảy Lào đi Cà Mau, Sài Gòn, Bảy Lào vẫn trả tiền cước bằng với các chủ xe khác. Anh bạn của Bảy Lào chỉ cần đảm bảo hàng của Bảy Lào lúc nào cũng phải đúng hẹn và ưu tiên. Bây giờ, ngoài các mặt hàng mực ống, cá đuối, ông còn xuất bán cá ngát sống lên Sài Gòn.
Hỏi về tài sản tích góp sau mấy mươi năm phất lên ở Cái Cám, ông Bảy Lào cười: “Mình mần ăn được, có định hướng đầu tư hẳn hoi thì ngại gì. Ngoài đầu tư phát triển nghề biển, cha con tui còn đầu tư mua thêm đất ở Sài Gòn, Cần Thơ. Nông dân mà, đất là máu, là ước muốn cần bao nhiêu cho đủ”.
Danh ông Bảy Lào còn được bà con xứ Cái Cám biết rõ hơn qua những hoạt động thiện nguyện. Mỗi năm học, ông tặng học sinh vài ngàn quyển tập; Mùa lễ, tết ông liên hệ tặng quà cho gia đình chính sách ở xã… Công việc thiện nguyện ấy đã theo Bảy Lào từ khi thành danh ở xứ Cái Cám. Giờ về Cái Cám, hỏi chuyện ông Bảy Lào ai cũng biết và thán nể mười phần với triết lý sống vì mình, vì người của ông.
Cái tiếng "Bảy Lào câu kiều"
Năm nay ông Bảy Lào 57 tuổi, người gốc ở vàm Đá Bạc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Ông từng tốt nghiệp Đại học Cảnh sát, phục vụ trong ngành khoảng chục năm. Năm 1983, sau khi lấy vợ, ông Bảy Lào xin tổ chức cho phục viên để quay về bám biển mưu sinh mong đổi vận nghèo khó.
Sau khi lấy vợ, gánh nặng mưu sinh và trách nhiệm trụ cột chính gia đình không cho phép ông một ngày ngơi nghỉ. Ngày nào cũng vậy, cứ 3 giờ sáng là Bảy Lào đã thức. Căn nhà nhỏ của ông nằm ở bên kia bờ sông Cái Cám, hướng ra biển. Đó là căn nhà khởi nghiệp của Bảy Lào.
Chuyện bên trong căn nhà nhỏ ấy, giờ nghe ra y như truyện cổ tích thời hiện đại. Nơi đó không chỉ giúp Bảy Lào thoát khỏi cảnh nghèo mà còn tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm hộ dân cửa biển Cái Cám.
Bảy Lào nhớ lại, trước năm 1990 ông ở Đá Bạc, rồi ngược qua Kiên Giang tìm kế mưu sinh. Bảy Lào từng nghĩ, đã sinh ra trong vùng biển, hiểu biển nên phải quyết tâm chinh phục biển để vươn lên. Mấy năm ròng rã ngược xuôi cũng chẳng thể trụ lại được ở mấy cửa biển lớn. Rốt cùng, hai vợ chồng dắt tay nhau về dựng chòi ở Cái Cám. Thời điểm đó, cá đuối, cá ngát ở xứ Cái Cám con nào con nấy bự chảng, nặng mấy ký lô, dân đi biển bắt về ăn không hết xẻ khô đem bán, không bán được thì bỏ đi.
Xót của, ban đầu Bảy Lào học nghề thu mua. Không đủ vốn, Bảy Lào thương lượng với chủ ghe mua thiếu rồi trả gối đầu. Hàng hoá ở Cái Cám được Bảy Lào thu mua chở qua Khánh Hội, ra Phố (Cái Đôi) để bán. Năm tháng trôi qua, Bảy Lào đã tìm được cách đưa hàng hoá xứ Cái Cám ra tận chợ Cà Mau, nghĩa là công việc làm ăn của ông bắt đầu phất lên.
Ông Phạm Văn Kiệt là người ở xứ Rạch Giá cũng về Cái Cám định cư nhưng sau Bảy Lào mấy năm, kể lại: “Hồi đó, tụi tôi đánh bắt được cá đuối nhiều đến nỗi không biết bán đâu, bỏ đâu. May mà có anh Bảy đi thu mua. Một ký cá tươi bán chỉ 3 ngàn rưỡi, vậy mà có chuyến ngư dân lời cả vài triệu bạc”.
 
Ông Bảy Lào (bên trái) và ông Kiệt tả lại quá trình cải tiến câu kiều.
Khoảng năm 1993, dân Cái Cám bắt đầu những chuyến biển phá huề. Vì ghe nhỏ khó cạnh tranh đánh bắt với ghe cào loại lớn đến từ vùng biển Rạch Giá, nhiều hộ phải bỏ nghề biển, nhưng cũng chẳng kiếm được nghề khác. Ngư dân Cái Cám gặp khó, chuyện thu mua của Bảy Lào đâu thể thoát khỏi cảnh khó!
Bỏ nghề? Bỏ xứ Cái Cám? Bảy Lào từng nghĩ quẩn vậy nhưng không cam tâm. “Lúc đó mà bỏ nghề con cái sống sao? Mà bỏ xứ Cái Cám thì phải về đâu?”, ông Bảy Lào khề khà kể lại. Rồi ông bắt đầu nghĩ và bày cách đánh bắt hiệu quả cho bà con - nghề đánh mực. Chuyện đánh mực, bắt ghẹ bằng lưới rê không lạ lẫm mấy với ngư dân Cái Cám, nhưng khổ nỗi ngư trường cũng chỉ vậy mà tàu thuyền ngày một đông, kỹ thuật đánh bắt ngày càng tinh xảo. Nếu không thay đổi phương pháp đánh mực thì không cạnh tranh được với những đội ghe cào.
Nhớ lại thời lăn lộn ở Rạch Giá, Hà Tiên, ông Bảy Lào bày cho bà con ở Cái Cám dùng đèn măng sông bắt mực. Đốt đèn lên, chong ngoài biển rồi dẫn dụ mực gom lại, sau đó kéo lưới bao quanh. Cách làm này bắt đầu mở ra cơ hội mới, nghề đánh mực cho ngư dân, cả nghề thu mua mực của Bảy Lào. “Mình sống bằng nghề thu mua, ngư dân đi biển thất bát hoài mình cũng khó sống. Vậy, nghĩ cách cứu mình thì trước mắt mình cứu họ”, ông Bảy Lào nói như khẳng định triết lý sống của mình.
Nghề đánh mực phất lên, xứ Cái Cám đón thêm nhiều lượt ngư dân di cư về sinh sống. Ai muốn đánh bắt mực mà thiếu tiền đầu tư ngư cụ thì tìm đến ông Bảy Lào. Không phải tìm đến ông để vay nóng, vay bạc tháng, bạc ngày mà tìm đến để ông cho mượn. Cách hỗ trợ của ông cũng khác người: Cho mượn không lấy lãi mà trả bằng cách trừ dần sau mỗi chuyến biển.
Hôm bữa về Cái Cám, Phó trưởng ấp Lâm Văn Nhanh nói về chuyện ông Bảy Lào mà chưa thể tin vội. Tìm gặp ông Dương Thành Quang (Bảy Quang), năm nay đã ngót nghét tuổi 60, nghề đi biển cũng đã truyền lại cho thế hệ con, cháu. Ông Bảy Quang kể: "Bảy Lào vậy mà tốt. Hồi nó về đây chỉ hai bàn tay trắng, không bà con thân thuộc, khi làm ăn được thì không ngần ngại chuyện giúp người. Ai cần vốn để làm ăn là tìm đến nó, nó giúp. Như tui, thiếu tiền mua lưới, mua câu cũng chạy qua nó".
Dân Việt/Theo Phong Phú (Báo Cà Mau)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.