Vụ vỡ mộng dự án du lịch lớn nhất Quảng Ngãi: Nhiều sai phạm về đất đai, xây dựng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Thi công khi chưa được giao đất, chưa có giấy phép xây dựng, chưa có hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công đã được thẩm định. Thậm chí, khi dự án được giao đất (năm 2008), lại được cấp giấy chứng nhận thành đất công nghiệp, trong khi theo quy hoạch đây là đất thương mại... Đó là những sai phạm xảy ra tại dự án khu du lịch (KDL) Thiên Đàng, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. 
 
Sau 17 năm kể từ khi cấp chủ trương đầu tư, dự án KDL Thiên Đàng đang trở nên hoang hóa. Ảnh: B.M
Sau 17 năm kể từ khi cấp chủ trương đầu tư, dự án KDL Thiên Đàng đang trở nên hoang hóa. Ảnh: B.M
Xây dựng công trình du lịch nhiều cái không
Trước thực trạng dự án KDL Thiên Đàng, được Ban Quản lý Khu kinh tế (BQL KKT) Dung Quất cấp chủ trương đầu tư vào năm 2005 và giao đất từ năm 2008, nhưng đến nay dự án có tổng vốn đầu tư gần 1.900 tỉ đồng bỏ hoang và xuống cấp khiến dư luận bức xúc, Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi đã vào cuộc kiểm tra và chỉ ra hàng loạt sai phạm của dự án.
Theo kết luận thanh tra tỉnh Quảng Ngãi ban hành do ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh ký cho thấy, trong quá trình thực hiện dự án, trình các hồ sơ điều chỉnh quy hoạch 1/500, công tác phối hợp trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, Cty CP Thiên Đàng không lập thủ tục trình BQL KKT Dung Quất để điều chỉnh chủ trương đầu tư cho đến năm 2018 dù đã nhiều lần xin điều chỉnh tiến độ. Đồng thời, trong quá trình thực hiện, nhà đầu tư không xây dựng các hạng mục theo tiến độ trong giấy chứng nhận đầu tư được điều chỉnh.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư xây dựng dự án khi chưa có giấy phép xây dựng dù đã triển khai thi công nhiều công trình có quy mô lớn nhưng chính quyền địa phương, BQL KKT Dung Quất lại không hề có phản ứng để ngăn chặn.
Theo kết luận thanh tra, đối với dự án KDL Thiên Đàng, căn cứ theo Khoản 1, điều 62, Luật Xây dựng năm 2003 (nay là điều 107, Luật Xây dựng năm 2013), các hạng mục của KDL sinh thái 4 Mùa không thuộc trường hợp miễn giấy phép xây dựng. Do đó, việc Cty CP Thiên Đàng không có đơn và BQL KKT Dung Quất không cấp giấy phép xây dựng nhưng để nhà đầu tư triển khai thi công dự án trên quy mô lớn là trái quy định. Đồng thời, BQL KKT Dung Quất phát hiện hành vi vi phạm của nhà đầu tư nhưng không chuyển thông tin, hồ sơ vi phạm để đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý.
“Đối với giai đoạn 2 của dự án gồm Thiên Đàng 2 và 3 có diện tích hơn 74ha, sau khi điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 vào năm 2018, BQL KKT Dung Quất đã kiểm tra hiện trường, phát hiện nhà đầu tư triển khai thi công các hạng mục công trình gồm 8 căn nhà liền kề tại khu Thiên Đàng 2 và 11 căn tại khu Thiên Đàng 3 khi chưa được cấp giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, qua thanh tra còn cho thấy nhà đầu tư thi công dự án khi chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa có giấy phép xây dựng, chưa có hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công nhưng BQL KKT Dung Quất lại thiếu kiểm tra, đề xuất cơ quan có thẩm quyền phương án xử lý” - kết luận nêu.
Cấp "sổ đỏ"... đất khu công nghiệp
Trước đây khi Cty CP Thiên Đàng đề xuất đầu tư dự án có diện tích lên đến 286,26ha, bao gồm 113,99ha đất liền và 172,2ha đất mặt biển và đảo Hòn Ông với tổng vốn đầu tư gần 200 tỉ đồng. Sau đó, BQL KKT Dung Quất đã ban hành Quyết định số 01-2005 cấp giấy phép đầu tư. Ngày 6.6.2006, BQL KKT Dung Quất tiếp tục ban hành giấy chứng nhận đầu tư ưu đãi số 17 để nhà đầu thực hiện dự án. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên sau đó dự án này được điều chỉnh về quy mô xuống còn 106,57ha và qua các lần điều chỉnh đã nâng tổng mức đầu tư lên 1.825 tỉ đồng.
Dự án được BQL KKT Dung Quất giao đất có thu tiền sử dụng đất tại 5 quyết định với thời gian sử dụng đất là 69 năm. Sau đó, Sở TNMT tỉnh Quảng Ngãi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AI 776637, đối với giai đoạn 1 diện tích hơn 32,4ha, thửa đất số 111, tờ bản đồ số 3, KKT Dung Quất, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn. Mục đích sử dụng đất là… đất khu công nghiệp. Đối với phần diện tích hơn 74ha, nhà đầu tư tự chủ động làm việc với các chủ thể sử dụng đất để chi trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng và đến nay còn vướng khoảng 19ha nên chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Song, nhà đầu tư đã nộp lệ phí trước bạ.
Trong khi dự án KDL Thiên Đàng trong giấy chứng nhận đầu tư được cấp lần đầu cũng như qua các lần điều chỉnh điều cho thấy mục đích thực hiện dự án là phát triển du lịch dịch vụ. Đồng thời, trong 5 quyết định giao đất của BQL KKT Dung Quất cho thấy mục đích sử dụng đất là đất sản xuất kinh doanh. Do đó, thanh tra tỉnh Quảng Ngãi kết luận: Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đất khu công nghiệp là không đảm bảo các quy định của pháp luật.
Một điểm đáng lưu ý là việc BQL KKT Dung Quất lại “cầm đèn chạy trước ôtô” khi ban hành các quyết định giao đất, bàn giao cọc mốc ranh giới dự án ở thực địa khi chưa thực hiện xong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Theo lý giải của BQL KKT Dung Quất là việc giao đất cho nhà đầu tư trước khi có mặt bằng sạch là do thời điểm đó BQL KKT Dung Quất không đủ tiền để thực hiện bồi thường. Do đó, việc giao đất trước là nhằm… ràng buộc nghĩa vụ của nhà đầu tư.
Phạt chậm nộp phí trước bạ hơn 900 triệu đồng Dự án KDL Thiên Đàng được BQL KKT Dung Quất cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư nên được miễn tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, việc nộp phí trước bạ phải nộp với số tiền hơn 1,3 tỉ đồng. Thế nhưng, do chậm nộp nên Chi Cục thuế huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành 4 thông báo, 1 công văn và ra quyết định phạt số tiền hơn 980 triệu đồng.
Theo Lê Đức (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.