Chiếc estate với đuôi xe kéo dài tạo khoang hành lý lớn, dành cho những chuyến đi xa vốn được ưa chuộng tại những nước Âu Mỹ.
Các tên gọi "Estate, wagon, station-wagon, brake" đều là tên gọi để chỉ dòng xe kéo dài hơn bình thường, có phần đuôi rộng để chở hành lý phía sau. Về cơ bản, đó là một chiếc sedan được nâng phần đuôi rồi kéo dài.
Đầu những năm 1900, ở Mỹ xuất hiện loại xe để vận chuyển hành khách và đồ đạc của họ từ khách sạn tới nhà ga (station) và ngược lại, vì vậy ở Mỹ thường gọi là station wagon. Một số nơi là dùng từ shooting-brake, xuất phát bởi trước đây giới đi săn thường sử dụng để đựng súng, giỏ dự trữ, chiến lợi phẩm. Dù hiện nay, shooting-brake thường chỉ chiếc crossover có thiết kế coupe và không gian rộng như wagon.
Trong khi tại Anh, xe dùng cho những người giàu có, nhiều bất động sản (estate) để vận chuyển khách hàng, hành lý, đồ dùng nên gọi là dòng estate. Một số nước khác ở châu Âu cũng dùng khái niệm này, trong đó có Volvo ở Thụy Điển.
|
Mẫu estate Volvo V90 của một khách hàng Hà Nội. |
Volvo là một trong những hãng thành công với dòng xe này nhất. Từ khi sản xuất chiếc estate đầu tiên năm 1953, đến nay hãng bán 6 triệu xe estate, bằng khoảng một phần ba số xe mà Volvo sản xuất trong 90 năm lịch sử.
Rất phổ biến ở Âu, Mỹ nhưng tại Việt Nam, estate hay station wagon vẫn là khái niệm mới mẻ. Xã hội mới bắt đầu dùng ôtô phổ biến khoảng hai chục năm nên ý niệm về các dòng xe còn bó hẹp. Trước đây, ôtô chỉ gói gọn ở sedan, sau đó dần mở ra MPV, SUV rồi hatchback và crossover. Tuy vậy, khi mà trào lưu xã hội đang chạy theo xe gầm cao, lượng khách hàng hướng tới các dòng xe lạ như estate còn là số ít.
Volvo vẫn giới thiệu chiếc V90 tại Việt Nam, dù đong đếm thị trường là không đủ để đạt hiệu quả kinh doanh. Đại diện hãng cho rằng muốn thay đổi quan điểm của người tiêu dùng về những dòng xe mới, tiện dụng hơn nhưng ít người thử. Tất nhiên, để chấp nhận làm quen với những thứ mới mẻ, xe không dành cho khách hàng bình dân.
Thiết kế V90 dễ làm quen bởi phần đầu tương tự sedan S90, trong khi đuôi xe giống XC60 mới. Điểm cần lưu lại lâu nhất khi ngắm nhìn ngoại thất là ngang xe, vì thân khá dài. Thông thường khi thân xe dài như vậy, ở Việt Nam thường là các mẫu sedan hạng sang cỡ lớn bản kéo dài, đầu và đuôi thấp. Kiểu đuôi cao sẽ mất một thời gian để quen mắt.
Khách hàng trẻ sẽ sẵn sàng chấp nhận những mới lạ của dạng xe station wagon hơn so với người trung niên. Thực tế hầu hết khách hàng hiện nay của V90 ở Việt Nam đều là người trẻ. Chủ nhân xe trong bài viết mới khoảng 30 tuổi. Thậm chí, có những khách 9X.
|
Thân xe dài như sedan cỡ lớn. |
Nội thất cùng một phong cách với các mẫu xe khác nhà Volvo, màn hình cảm ứng dựng dọc chính giữa bảng điều khiển trung tâm, nơi tài xế có thể kiểm soát mọi thứ, đầy công nghệ. Ghế, táp-pi cửa bọc da, táp-lô ốp gỗ sần chứ không dùng dạng gỗ bóng, kiểu ấm áp đậm chất Bắc Âu. Ghế trước nhớ hai vị trí, trong khi hàng ghế sau có nút bấm điện để hạ, tăng không gian chứa đồ.
Kích thước tương tự S90 nhưng cao hơn khoảng 100 mm nên V90 có khoang hành khách thoải mái hơn. Ngay cả những người cao lớn cũng thoải mái để chân và đầu không chạm trần. Khoang hành lý xe là 560 lít và mở rộng lên 1.525 lít nếu gập hành ghế thứ hai. Ưu điểm của dòng wagon là khoang sau dài, bởi vậy việc vận chuyển những đồ đạc như xe đạp, gậy golf, đồ câu hay lều trại là khá dễ dàng.
Trang bị chăm sóc có hệ thống loa cao cấp Bowers & Wilkins, điều hòa tự động 4 vùng và rèm che nắng, cửa kính tối màu cho hàng sau. Đón ánh sáng qua cửa sổ trời panaroma. Hệ thống treo sử dụng khí nén cho phía sau, những tiện ích còn nhiều hơn sedan cỡ lớn S90.
Cấu trúc kéo dài và nâng cao đuôi không có nghĩa V90 chỉ quan tâm tới tính thực dụng. Vận hành chiếc estate vẫn khá mới lạ. Nhiều người e ngại khó căn khoảng cách khi đi đường phố. Ngược lại, chiều dài xe tương tự các mẫu S90, chưa tới 5m, tức ngắn hơn những chiếc Mercedes S-class (khoảng 5,2 m). Đuôi xe cao cũng dễ định vị hơn khi nhìn qua gương chiếu hậu. Nhưng tài xế cũng không cần phải lo lắng nhiều, bởi V90 có camera 360 độ xung quanh xe.
Động cơ trên V90 là loại 2 lít 4 xi-lanh, cỗ máy đặc trưng của Volvo được tạo ra nhiều biến thể trên các sản phẩm của hãng. Ở V90 là mã T6, với các công nghệ kết hợp tăng áp (turbo) và siêu nạp (supercharged), giúp xe có công suất 320 mã lực tại vòng tua máy 5.700 vòng/phút, mô-men xoắn cực đại 400 Nm tại 2.200-5.400 vòng/phút. Con số này tương đương trên XC90. Công nghệ siêu nạp làm tăng sức mạnh ngay ở vòng tua thấp, giải quyết vấn đề mà tăng áp không làm được, cũng như giúp khắc phục nhược điểm trễ của tăng áp, trong khi tăng áp lại kích hoạt ở tua máy cao, giúp việc tăng tốc liền lạc dù đang chạy ở tốc độ nào.
Bất cứ một cú nhấn ga với V90 ở trong hay ngoài đô thị đều được phản ứng ngay lập tức. Để khống chế kiểu vận hành cho phù hợp, xe có 4 chế độ chạy gồm Eco, Comfort, Sport tới Individual. Ở Eco và Comfort, chân ga được triệt tiêu hết những cú sốc dù tài xế có to chân, đảm bảo di chuyển êm ái nhất. Vô-lăng nhẹ và nhàn tênh, lái xe trong phố không áp lực.
|
Khoang hành lý rộng. |
Sport sẽ thể hiện một phong cách khác của chiếc estate. Sức mạnh 320 mã lực và 400 Nm tương đương các mẫu xe thể thao. Đạp, lên, đạp, lên. Không chút độ trễ. Trên cao tốc, giữ ở tốc độ 120 km/h, chỉ hơi khẽ lệch làn, xe sẽ rung vô-lăng và tự kéo về nhờ công nghệ hỗ trợ giữ làn. Hãng xe Thụy Điển hướng người dùng tới việc cảm giác lái an toàn nhất dù chạy kiểu tốc độ cao. Vì vậy, dù tăng tốc nhanh, Volvo cũng không gây cảm hứng kiểu phấn khích như Porsche.
Trên màn hình kiểu iPad dựng dọc giữa xe, tài xế phải mất một lúc để tìm kiếm kích hoạt/bỏ kích hoạt công nghệ nào, ở đâu. Bởi lẽ, chi chít trên đó là kiểm soát hành trình thích ứng, cảnh báo điểm mù, cảnh báo khoảng cách và hỗ trợ phanh, hỗ trợ đỗ xe, khởi hành ngang dốc, hỗ trợ xuống dốc, cảnh báo giao thông cắt ngang phía sau... Tài xế có thể phải mất cả tháng, để nhớ hết những công nghệ trên xe của mình.
Sự mới lạ của V90 cần khách Việt tốn 3,09 tỷ để khám phá, mức giá tương đương một số dòng crossover hạng như Range Rover Evoque hay Lexus RX200t. Chất Bắc Âu của Volvo cần thời gian để khách hàng làm quen, khi những "thượng đế" có hết những trải nghiệm với các dòng xe sang phổ biến khác.
Đức Huy (VNE)