Vỡ mộng dự án du lịch lớn nhất Quảng Ngãi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Dự án Khu du lịch Thiên Đàng tại xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có diện tích hơn 100ha tại KKT Dung Quất từng được kỳ vọng sẽ là cú huých trong phát triển du lịch ven biển của tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và khu vực miền Trung nói chung. Song, sau 17 năm đầu tư xây dựng, nay dự án có tổng mức đầu tư gần 2.000 tỉ đồng trở nên tan hoang chẳng khác nào công trình “ma”.  
 
Dự án Khu du lịch Thiên Đàng trở nên hoang tàn, hư hỏng sau hơn 10 năm ngừng hoạt động và bỏ hoang. Ảnh: L.Đ
Dự án Khu du lịch Thiên Đàng trở nên hoang tàn, hư hỏng sau hơn 10 năm ngừng hoạt động và bỏ hoang. Ảnh: L.Đ
Hoang tàn dự án du lịch nghìn tỉ
Năm 2005, dự án KDL Thiên Đàng do Công ty TNHH Thiên Đàng (sau đổi tên Công ty CP Thiên Đàng) làm chủ đầu tư được Ban Quản lý KKT Dung Quất (nay là BQL KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi) cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu với tổng vốn đầu tư gần 200 tỉ đồng (sau điều chỉnh nâng lên hơn 1.800 tỉ đồng). Khi dự án được triển khai, lãnh đạo tỉnh và người dân kỳ vọng du lịch vùng biển đảo của Quảng Ngãi sẽ “cất cánh”. Nhưng sau 17 năm, khu du lịch này lại “chết yểu” và trở nên hoang lạnh.
Những ngày cuối tháng 4.2022, chúng tôi trở lại KDL Thiên Đàng, ngày đầu nút giao ngã 3 là những tảng đá được đục khắc tên thay cho bảng chỉ dẫn về dự án du lịch biển có quy mô lớn nhất tại tỉnh Quảng Ngãi. Nhưng đi sâu vào bên trong thì cánh cổng vẫn đóng kín, những thanh sắt hoen gỉ, một phần cửa kéo hư hỏng. Để vào bên trong, phóng viên phải đi đường vòng qua bãi tắm Khe Hai và men theo bãi biển để đi vào.
Đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh những mảng bêtông nát vụn, những cây dừa kiểng, đường đi, các mảng bêtông, gạch vữa… bị sóng biển đánh tanh tành. Cạnh đó, một ngôi nhà có diện tích khoảng 500m2 được xây dựng 2 tầng khá kiên cố đã không còn nguyên vẹn. Nhiều vị trí của ngôi nhà đã xuống cấp, hư hỏng. Những thanh bêtông đứt gãy treo lủng lẳng trên cao. Những cây dừa cảnh số chết khô, số bật gốc nằm nghiêng ngả.
Đi sâu vào bên trong là cảnh hoang hóa, ảm đạm. Những khu vườn động vật là điểm check in, vui chơi của du khách giờ cỏ dại mọc um tùm. Những ngôi nhà xây dựng kiên cố đã xuống cấp, lớp rêu đã phủ lên tạo thành những bức tường loang lổ. Cả khuôn viên vắng lặng đến lạnh người.
Ngoài những ngôi nhà xây dựng hoàn thiện cửa đóng im ỉm thì cạnh đó còn nhiều ngôi nhà xây dựng dang dở, cỏ dại mọc phủ kín tạo nên khung cảnh rùng rợn chẳng khác nào những “ngôi nhà ma”. Từ trên cao nhìn xuống, KDL Thiêng Đàng chằng chịt những “vết thương” loang lổ.
Quá lãng phí
Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi được cấp chủ trương đầu tư, BQL KKT Dung Quất đã tiến hành giao đất có thu tiền sử dụng đất vào năm 2008.
Theo đó, dự án có diện tích 106,57ha và được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 có diện tích 32,47ha và được Sở TNMT tỉnh Quảng Ngãi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Sau thời gian đầu tư, năm 2009, dự án hoàn thành giai đoạn 1 và đi vào hoạt động. Tuy nhiên, đến mùa mưa cùng năm, thiên tai gây hư hỏng nặng nên nhà đầu tư tạm dừng hoạt động, tiến hành sửa chữa. Đối với giai đoạn 2 nhà đầu tư chỉ thực hiện một phần với các hạng mục theo quy hoạch được duyệt và đều dang dở.
Dù tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều hỗ trợ nhà đầu tư khắc phục thiệt hại để đi vào hoạt động trở lại, song sau đó dự án có hoạt động nhưng khá èo uột và đi đến đóng cửa rồi trở nên hoang tàn.
Theo UBND xã Bình Thạnh, để thực hiện dự án, chủ đầu tư chỉ phối hợp với xã đền bù giai đoạn I hơn 32,41ha. Còn 74,2ha của giai đoạn 2, Công ty CP Đầu tư Thiên Đàng không phối hợp với chính quyền, mà tự thỏa thuận và chi trả tiền đền bù cho người dân, hiện còn 19ha chưa đền bù xong. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ. Việc dự án KDL Thiên Đàng thi công dang dở và hoạt động trong thời gian ngắn rồi bỏ hoang trong nhiều năm qua không chỉ gây lãng phí quỹ đất, nguồn lực đầu tư mà còn khiến người dân và chính quyền xã Bình Thạnh thất vọng.
Bà Nguyễn Thị Nga, nhà gần dự án cho biết, trước đây dự án triển khai bà con trong vùng phải nhường đất, thậm chí là tháo dỡ nhà cửa di dời đi nơi khác để nhà đầu tư xây dựng khu du lịch. Ai cũng háo hức vì quê hương có điểm nhấn mới.
 “Thế nhưng, họ chỉ trây ra đó rồi bỏ hoang. Một phần đất làm tường rào kiên cố để cỏ dại mọc, một phần đất người dân tận dụng trồng cỏ nuôi bò. Từ chỗ phấn khởi, giờ bà con trở nên thất vọng. Mong dự án này tái khởi động trở lại hoặc tỉnh thu hồi giao cho nhà đầu tư khác chứ để đất bỏ hoang vậy quá lãng phí” - bà Nga nói.
Ông Huỳnh Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh cho biết, dự án thi công trầy trật và ngừng hoạt động dẫn đến bỏ hoang là quá lãng phí cả về tài sản và đất. Lâu nay chủ đầu tư chỉ làm việc với cấp tỉnh, còn xã thì không nói gì.
Dự án chậm tiến độ hơn 80 tháng
Do tiến độ dự án chậm và được chính quyền tỉnh Quảng Ngãi cấp phép gia hạn, song qua 4 văn bản nhà đầu tư gửi xin gia hạn tiến độ thực hiện và cam kết đưa dự án vào hoạt động vào các năm 2012, 2014 - 2015, 2017 và năm 2019, nhưng đều không thực hiện đúng cam kết. Đến nay, tiến độ dự án đã chậm so với phê duyệt ban đầu là 80 tháng.
Theo Lê Đức (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.