Về với "thiên đường du lịch" miền Tây Bắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Biên phòng - Huyện Tam Đường (Lai Châu) có 12 dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn với nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc được bảo tồn và phát huy qua nhiều thế hệ.

Dù lượn “Bay lên cùng Butaleng” do UBND huyện Tam Đường phối hợp với Câu lạc bộ Vietwings Hà Nội tổ chức định kỳ trong các dịp lễ, Tết. Ảnh: Đức Duẩn
Dù lượn “Bay lên cùng Butaleng” do UBND huyện Tam Đường phối hợp với Câu lạc bộ Vietwings Hà Nội tổ chức định kỳ trong các dịp lễ, Tết. Ảnh: Đức Duẩn
Nơi đây có khí hậu mát mẻ, thuận lợi cho việc phát triển các loại cây ăn quả ôn đới và loại hình du lịch nghỉ dưỡng; có hệ thống hang động phong phú và nhiều cảnh quan đẹp; các bản du lịch cộng đồng hầu hết vẫn giữ được nguyên các phong tục tập quán truyền thống. Ngoài ra, chất lượng dịch vụ tại các nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch ngày càng được nâng cao..., chính là điều kiện thuận lợi để Tam Đường phát triển các loại hình du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đa dạng hóa các loại hình du lịch
Tam Đường là huyện tiên phong của tỉnh Lai Châu chú trọng phát triển du lịch và coi đây là khâu mũi nhọn trong nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương nhiệm kỳ 2015-2020. Với những lợi thế về khí hậu, địa hình và văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc..., huyện đã huy động mọi nguồn lực, đầu tư phát triển các loại hình du lịch như du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch tâm linh... nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Đầu tiên, thế mạnh của Tam Đường chính là du lịch cộng đồng. Để đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch này, huyện đã hỗ trợ, kêu gọi nhân dân tại các bản có thế mạnh về phát triển du lịch cộng đồng như Bản Hon, Nà Luồng, Sì Thâu Chải, Lao Chải 1, góp công, góp của, hiến đất để làm hàng rào đá, trồng hoa, làm mô hình các con thú, làm vọng ngắm cảnh, cổng bản... tạo cảnh quan; xây dựng và phát triển nhiều mô hình mới, tạo các sản phẩm phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm của du khách như: Tắm lá thuốc, trồng hoa địa lan, nuôi ong mật, phát triển nghề rèn, nghề mây tre đan. 
Tam Đường được thiên nhiên ưu đãi có thác nước, hang động, rừng nguyên sinh, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái. Vì vậy, huyện đã chỉ đạo tổ chức khảo sát các tiềm năng du lịch sinh thái như hang động, thác nước, khu rừng nguyên sinh...; đầu tư xây dựng các hạng mục, cải tạo cảnh quan phát triển điểm du lịch sinh thái bản Nà Khương; mở nhiều cung đường mới khám phá rừng, thác nước và hệ thống động thực vật tại bản Sì Thâu Chải, đỉnh Pu Ta Leng, đỉnh Tả Liên Sơn...; tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp khảo sát, lập dự án và đầu tư khai thác du lịch sinh thái; đồng thời, làm tốt công tác trồng rừng, khoanh nuôi, tái sinh và bảo vệ rừng.
Thời gian qua, du lịch văn hóa tâm linh cũng được huyện Tam Đường chú trọng thực hiện. Một số lễ hội truyền thống như lễ hội nhảy lửa, lễ cúng rừng, lễ cưới... được huyện quan tâm phục dựng. Hàng năm, huyện đã tổ chức lễ hội văn hóa động Tiên Sơn, Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện... nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, tín ngưỡng của nhân dân, góp phần quảng bá và thu hút khách du lịch. 
Đặc biệt, huyện Tam Đường đã đẩy mạnh phát triển du lịch thể thao mạo hiểm. Du khách có thể men theo các triền núi trải dài sắc hoa đỗ quyên hoặc vượt qua rừng chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi để thám hiểm các đỉnh núi nằm giữa lưng chừng trời, 4 mùa sương phủ như đỉnh Pu Ta Leng (cao 3.049m), Tả Liên Sơn (2.993m)... Hoặc tham gia dù lượn “Bay lên cùng Butaleng” do UBND huyện Tam Đường phối hợp với Câu lạc bộ Vietwings Hà Nội tổ chức định kỳ trong các dịp lễ, Tết, lễ hội và nhiều loại du lịch mạo hiểm mới đang được xây dựng như cầu kính, cáp treo qua núi... tại khu vực đèo Hoàng Liên Sơn.
Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch
Đồng chí Từ Hữu Hà, Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết, để đẩy mạnh phát triển du lịch, huyện đã chú trọng đến các loại hình dịch vụ du lịch. Thời gian qua, chất lượng dịch vụ lưu trú đã được cải thiện rõ rệt, số lượng khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở lưu trú, homestay tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng. Ngoài ra, các sản phẩm dịch vụ đi kèm với dịch vụ lưu trú được hình thành và phát triển, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng cho du khách như tắm lá thuốc, tổ chức giao lưu văn nghệ, chụp ảnh lưu niệm...
Dịch vụ lữ hành, hướng dẫn du lịch được huyện quan tâm chỉ đạo thành lập tổ đón tiếp, phục vụ khách du lịch tại bản du lịch cộng đồng. UBND huyện thường xuyên tổ chức tập huấn, đào tạo kỹ năng hướng dẫn du lịch cho đội ngũ cán bộ làm công tác du lịch, hướng dẫn viên tại điểm du lịch, các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch, kinh doanh homestay.
Du khách tham quan bản du lịch cộng đồng Lao Chải 1, xã Khun Há, huyện Tam Đường. Ảnh: Đức Duẩn
Du khách tham quan bản du lịch cộng đồng Lao Chải 1, xã Khun Há, huyện Tam Đường. Ảnh: Đức Duẩn
Chất lượng dịch vụ ăn uống tại các nhà hàng, khách sạn, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các hộ gia đình làm homestay cũng không ngừng được nâng lên. Huyện thường xuyên tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho các hộ gia đình, nâng cao chất lượng dịch vụ ẩm thực. Cùng với đó, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm; chú trọng phát triển dịch vụ ăn uống thân thiện với môi trường. Các dịch vụ vui chơi, giải trí, mua sắm được huyện đẩy mạnh.
Tại các ngày hội, lễ hội, chợ phiên, huyện đã chỉ đạo tích cực giao lưu văn hóa, văn nghệ, tổ chức các trò chơi, hoạt động nghệ thuật dân gian; nâng cao chất lượng các dịch vụ vui chơi giải trí; đa dạng hóa các mặt hàng tại các cửa hàng, siêu thị đóng trên địa bàn huyện; khuyến khích nhân dân làm ra các sản phẩm thủ công truyền thống; phát triển các sản phẩm nông nghiệp, cây ăn quả ôn đới địa phương gắn với phát triển du lịch như chè, mật ong, đào, lê, sơn tra, dược liệu...
Đồng chí Từ Hữu Hà cho biết thêm: Sau 3 năm thực hiện Đề án phát triển du lịch huyện Tam Đường giai đoạn 2015-2020, du lịch Tam Đường đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Nhiều điểm du lịch mới được công nhận và khai thác hiệu quả. Tính đến hết năm 2018, toàn huyện có 10 điểm du lịch, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được công nhận. Chất lượng dịch vụ từng bước được cải thiện. Tính riêng 5 tháng đầu năm 2019, tổng lượt khách du lịch đến với huyện Tam Đường đạt gần 80.000 lượt, doanh thu từ các hoạt động du lịch ước đạt trên 28 tỷ đồng. 


“Đẩy mạnh phát triển du lịch là hướng đi đúng của huyện Tam Đường. Thời gian tới, để thu hút hơn nữa lượng du khách đến tham quan và sử dụng các dịch vụ tại chỗ như: Homestay, ẩm thực..., các bản du lịch cần có chiến lược quảng bá một cách rộng rãi, có trọng điểm, chiều sâu, tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp, văn hóa của địa phương. Huyện Tam Đường cũng cần khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi đưa con em đồng bào địa phương đi học tập kinh nghiệm tại các điểm du lịch, các địa phương có sự tương đồng về văn hóa, đời sống, địa hình...” – đồng chí Từ Hữu Hà khẳng định.

Đức Duẩn (bienphong)

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.