Về thăm vườn cũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Lâu rồi tôi chưa về thăm khu vườn nhà ngoại. Nơi đây là cả khoảng trời thơ dại nên nỗi nhớ trong tôi càng thêm cồn cào, da diết. Nay, tôi trở về, tìm lại dấu xưa, tìm những kí ức ngọt ngào cho thỏa nỗi niềm mong nhớ. Lòng tôi cứ rưng rưng, bùi ngùi, buồn vui lẫn lộn khi đứng trước vườn xưa chốn cũ.

Nhà tôi ở kiệt trên, ông bà ngoại ở kiệt dưới, khoảng cách không xa lắm. Thời bao cấp, ba má đi làm công điểm cho hợp tác, cứ sáng dẫn con về gửi cho ông bà trông chừng rồi lo cho cơm nước, chiều tối đón về. Lớn hơn một chút, tôi tự dắt mấy đứa em về ngoại, chiều trở về nhà mình. Sống ở nhà ngoại suốt cả tuổi thơ nên từng người thân, cảnh vật, đặc biệt là khu vườn đã gắn bó cùng tôi thân thiết, với biết bao kỉ niệm khó phai mờ.

 

Ảnh internet
Ảnh internet


Khu vườn rộng, trồng nhiều cây ăn trái. Xung quanh là hàng rào dâm bụt và những cây duối cằn cỗi lâu đời, cho trái chín vàng mọng nước, để bọn trẻ tha hồ hái đựng đầy túi áo. Góc ngả ba đường, có bụi tre già tỏa bóng che mát chuồng bò. Kế bên là cây bồ kết nhiều gai nhọn, quả chín đen từng chùm lủng lẳng. Cây vú sữa cao lớn sát cạnh mái hiên, trái rất sai và căng bóng màu xanh pha tím.

Nhiều nhất trong vườn là những cây ổi, khi chín sẽ có ruột vàng hoặc đỏ, hương thơm ngào ngạt khắp vườn. Loại ổi truyền thống ngày xưa, cây cao, trái nhỏ nhưng rất sai. Trưa nào bọn trẻ cũng trèo lên thăm dò trái đã ăn được chưa. Nhớ lại vỏ ổi đầy dấu bấm móng tay mà càng thương một thời tuổi nhỏ! Thỉnh thoảng cậu, dì còn hái sẵn cho bọn cháu và nhắc nhở, sợ trèo leo té ngã. Cậu Mười có kinh nghiệm quan sát trái chín ở trên cao, rồi dùng cây sào tre có đan rọ ở phía trên để hái. Cách làm này rất an toàn, hiệu quả khi vú sữa, xoài, mận, mãng cầu… rơi vào rọ sẽ không bị dập nát.

Khu vườn rợp bóng cây xanh, có chiếc xích đu được cột chắc chắn từ cành cây vú sữa. Sớm trưa tha hồ đung đưa từng nhịp vui vui, đều đều. Ông ngoại mắc chiếc võng cước từ gốc cây ổi kéo qua khung cửa sổ bên hiên nhà để nằm nghỉ mát, rồi thường đọc ngâm nga mấy câu: “Có người ở quận Đông Thành/ Tu nhân tích đức sớm sinh con hiền/ Đặt tên là Lục Vân Tiên/ Tuổi vừa hai tám nghề chuyên học hành”. Ông ngoại mê Lục Vân Tiên nên thuộc nhiều lắm, tôi nghe riết thành quen chớ hồi nhỏ cũng chưa biết nhân vật đó như thế nào. Ông bảo, cứ cố gắng học hành về sau sẽ rõ, rồi đọc tiếp: “Trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết hạnh là câu trau mình”!

Bà ngoại không đọc như ông mà hát ru ầu ơ đưa cháu, dỗ dành hết đứa này đến đứa khác ngon giấc ngủ say. Dưới tán cây râm mát, lời ru của bà lúc nửa buổi sớm mai, giữa trưa tròn bóng, hoặc non buổi xế chiều, cứ mãi theo tôi đi qua năm tháng. Lạ thay, tiếng ru có khi da diết nhớ nhung: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau/ Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều”, “Chiều chiều lại nhớ chiều chiều/ Nhớ người áo trắng khăn điều vắt vai”; có khi như nhắc nhở điều gì đó xa xôi: “Chiều chiều mây phủ Đá Bia/ Đá Bia mây phủ chị kia lấy chồng/ Lấy chồng cho đáng tấm chồng/ Bõ công trang điểm má hồng phấn son”; cũng có khi là lời cảm than, hờn dỗi: “Thương chi cho uổng công tình/ Nẫu về xứ nẫu bỏ mình bơ vơ”, “Trời mưa lộp bộp lá dừa/ Bộp anh ít bộp cho chừa đi đêm”. Tôi nghe mà chẳng hiểu gì nên cứ hỏi bà đủ thứ chuyện. Lời ru của bà, câu thơ ông đọc, cứ như những giọt mưa tươi mát làm nảy nở trong tôi những hạt mầm yêu thích văn chương từ nhỏ.

Tôi thích nhất là khu vườn vào độ xuân sang. Đi qua những ngày mưa dầm gió bấc, không còn ướt át xác xơ, khu vườn hồi sinh mạnh mẽ. Vườn ủ men ủ mật, bắt đầu bật mầm xanh lá, mùi chồi non lộc biếc, mùi của hoa trái sực nức bung hương quyện vào làn gió, gọi mời bướm ong bay về tìm mật, gọi đàn chim rủ nhau dựng nhà xây tổ. Chim chóc quạch, se sẻ, chích bông, chào mào, chim sắt, chim sâu và nhiều loài khác nữa cùng về đây tụ hội. Chúng chuyện trò, đùa vui, đuổi nhau, rồi kêu ré lên làm xôn xao cả một góc vườn. Thích nhất là nghe tiếng hót của chào mào, tiếng gáy của cu cườm giữa vườn trưa yên vắng. Sau chuỗi ngày mưa ẩm ướt, trong làn hơi sương se lạnh, những tia nắng ấm áp sớm mai vừa chiếu rọi là nghe tiếng chổi rẹt rẹt của bà. Bà lượm những cành củi gãy, xếp vào mé hiên hoặc mang vào bếp, quét lá dồn vào góc vườn để đốt. Lạ thay, khói đốt lá cây trong vườn không hề khét mà có mùi thơm của tinh dầu thảo mộc, có mùi âm ẩm của lá ướt sương đêm. Những thứ mùi của cây cỏ, của đất, của vườn quê, của cả miền tuổi thơ kí ức…

Ông bà đã về miền mây trắng mênh mông. Cậu, dì cũng chuyển đi nơi khác định cư sinh sống nên trống vắng biết bao. Tôi đứng lặng hồi lâu trước khu vườn tuổi nhỏ, dấu xưa phai nhòa. Biết tìm đâu chái bếp, mái hiên, hàng ba, bậc cửa, góc sân, vườn cây, bóng người… Chỉ còn giếng nước bên cạnh gốc cau, nơi ông ngoại hay tắm và kì lưng ở đó. Lòng như chùng lại, tôi mơ hồ nghe tiếng chổi rẹt rẹt của bà, tiếng rựa chẻ tre đan rổ của cậu, tiếng rộn ràng của con cháu về thăm chơi. Ước gì lòng người như giếng nước, biết sẻ chia để mãi ngọt lành. Ước gì cậu tôi trở về, xây ngôi nhà mới trên nền đất xưa, cải tạo khu vườn cũ, trồng những khóm hoa nở rợp lối ra vào, nhất là mỗi độ xuân về tết đến để con cháu về thăm! 

Theo SO MINH THÌ (QNO)

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.