(GLO)- Thời gian qua, hàng loạt các loại chất cấm trong chăn nuôi; dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau, củ quả… đã được cơ quan chức năng phát hiện và xử lý. Dù vậy, người tiêu dùng vẫn không khỏi lo lắng cho sức khỏe của mình trước các loại thực phẩm bẩn xuất hiện ngày càng nhiều.
Những tháng gần đây, người tiêu dùng không khỏi lo lắng khi ngành chức năng phát hiện ra hàng loạt các loại chất cấm được người chăn nuôi sử dụng như chất tạo nạc Salbutamol, chất vàng O... Không những vậy, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau, củ quả vượt giới hạn cho phép đã trở thành nỗi lo của người tiêu dùng trong bữa ăn hàng ngày. Bà Trần Thị Nam (thị trấn Kon Dỡng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) cho hay: Mỗi ngày đi chợ chúng tôi rất khó nhận biết đâu là thực phẩm an toàn và không an toàn, nhất là sản phẩm thịt heo và rau xanh. Mong sao có các loại thực phẩm an toàn để người tiêu dùng chúng tôi đỡ lo hơn trong việc bảo vệ sức khỏe của mình và gia đình.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai, hưởng ứng đợt cao điểm Năm Vệ sinh an toàn thực phẩm trong nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và PTNT phát động, UBND tỉnh Gia Lai đã ra Quyết định số 267/QĐ-UBND về việc ban hành kế hoạch hành động Năm Vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác thanh-kiểm tra đột xuất các trang trại chăn nuôi heo lớn, hộ gia đình và cơ sở giết mổ gia súc tập trung để lấy mẫu nước tiểu; mẫu thức ăn gia súc để test nhanh và kiểm nghiệm các loại chất cấm như Salbutamol, Clenbuterol… Qua triển khai, đến nay chưa phát hiện trường hợp nào sử dụng các loại chất cấm trong chăn nuôi. Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn của Sở đã tổ chức thanh tra 25 cơ sở (10 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông-lâm-thủy sản và 15 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp). Qua đó, phát hiện 12/25 cơ sở vi phạm, cơ quan chức năng nhắc nhở 2/12 cơ sở, xử phạt 10/12 cơ sở với số tiền trên 25 triệu đồng.
Ông Lê Huy Toàn-Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm-thủy sản tỉnh Gia Lai cho biết: Thời gian qua, Chi cục đã triển khai thực hiện một số mô hình hỗ trợ chứng nhận sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn VietGap cho Tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững xã Chư Á (TP. Pleiku); mô hình cơ giới hóa sơ chế, chế biến, bảo quản rau an toàn tại Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú và mô hình sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn VietGap tại xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê). Khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu nguồn lực để lấy mẫu kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp và các mẫu sản phẩm nông-lâm-thủy sản. Bên cạnh đó, theo phân cấp, các địa phương cũng đang thiếu nguồn nhân lực và cán bộ chuyên môn… vì vậy hoạt động kiểm soát cũng gặp nhiều khó khăn.
Ông Lê Văn Lịnh-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai cho rằng: Vệ sinh an toàn thực phẩm trong nông nghiệp đang trở thành một trong những vấn đề được người tiêu dùng quan tâm nhất hiện nay. Vì vậy, trong thời gian tới Sở sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục thanh-kiểm tra các loại chất cấm trong chăn nuôi để ngăn chặn triệt để; hướng dẫn người dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên rau, quả để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng; tập trung kiểm tra, giám sát chất lượng phân bón không đạt chuẩn… và đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT triển khai quyết liệt, làm tận gốc, diệt tận ngọn các loại thực phẩm bẩn trong sản xuất nông nghiệp để người tiêu dùng an tâm sử dụng.
Nguyễn Diệp