(GLO)- Những năm qua, được sự quan tâm của UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, huyện Chư Sê chú trọng việc xây dựng và triển khai mô hình “Một cửa điện tử” tại Văn phòng HĐND và UBND huyện. Đến nay, UBND huyện đã ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính, cũng như đối với quá trình giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) qua hệ thống một cửa điện tử.
Về tính năng kỹ thuật, phần mềm một cửa điện tử tại huyện có giao diện người dùng đầu cuối dựa trên nền tảng web, đáp ứng số lượng nhiều người truy cập tại cùng thời điểm, đáp ứng về lưu trữ, giao diện, kết nối thiết bị, bảo mật, trao đổi, tích hợp và khai thác và vận hành.
Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC cho tổ chức, công dân. Ảnh: T.N |
Đồng thời, đảm bảo các chức năng cơ bản như quản lý danh mục thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu, tiếp nhận và xử lý hồ sơ, báo cáo thống kê, quản lý văn bản hồ sơ, quản lý danh mục tham chiếu, quản trị người dùng, quản trị hệ thống, điều hành, tác nghiệp, các tiện ích. Ngoài ra còn một số chức năng khác như quản lý thủ tục, hệ thống hội thoại trực tiếp cho những người tham gia hệ thống một cửa trao đổi thông tin.
UBND huyện đã chỉ đạo các phòng ban cử cán bộ có kiến thức về công nghệ thông tin tham gia cùng đơn vị thi công xây dựng phần mềm, rút kinh nghiệm trong quá trình ứng dụng hệ thống; phối hợp xây dựng các quy trình xử lý hồ sơ TTHC chính xác và phù hợp với quy trình xử lý bằng tay đã được áp dụng.
Đồng thời đầu tư mua sắm máy móc, trang-thiết bị công nghệ thông tin phục vụ cho công tác quản lý nhà nước. Phòng ban thuộc huyện được kết nối mạng nội bộ (Lan) trao đổi chia sẻ dữ liệu, tham gia trao đổi, tra cứu văn bản qua hệ thống.
Đến nay UBND huyện đã thực hiện 24 TTHC chủ yếu qua hệ thống một cửa điện tử trong các lĩnh vực đất đai, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, đầu tư xây dựng cơ bản, đăng ký kinh doanh, cấp phép xây dựng, tư pháp hộ tịch…
Năm 2012, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đã tiếp nhận được 7.579 hồ sơ của công dân và các tổ chức trên tất cả các lĩnh vực (trong đó lĩnh vực đất đai có 5.846 hồ sơ tập trung ở các lĩnh vực giao dịch đảm bảo, chuyển nhượng và cấp mới).
Trong 5 tháng đầu năm 2013, đã tiếp nhận được 3.859 hồ sơ và đã giải quyết gần 90% hồ sơ, trong đó riêng lĩnh vực giải quyết thủ tục về đất đai là 1.656 hồ sơ, lĩnh vực giao dịch đảm bảo thế chấp và xóa thế chấp là 1.655 hồ sơ-đây cũng là 2 lĩnh vực chiếm số lượng giao dịch TTHC nhiều nhất. Hồ sơ giao dịch đảm bảo được giải quyết trong ngày đối với những hồ sơ nhận trước 15 giờ cùng ngày và trả hồ sơ vào ngày hôm sau đối với hồ sơ nhận sau 15 giờ.
Ảnh: T.N |
Việc thực hiện hệ thống “Một cửa điện tử” đã tạo được bước đột phá lớn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào trong công tác cải cách hành chính tại địa phương. Cán bộ, công chức đã nhanh chóng tiếp cận và thực hiện song song giữa tiếp nhận, luân chuyển và xử lý thông tin trên giấy và thao tác chuyển trả trên máy.
Điều này tạo được thuận lợi trong việc tra cứu và xử lý hồ sơ được nhanh chóng, thuận tiện tránh được tình trạng thất lạc hồ sơ trong quá trình xử lý cũng như thể hiện được trạng thái hồ sơ để công dân, tổ chức có thể tra cứu.
Hệ thống lấy số, xếp hàng tự động tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đã tạo được một sự nghiêm túc, trật tự cho tổ chức và công dân khi đến giao dịch tạo được sự công bằng trong quá trình giải quyết đồng thời tránh được tâm lý căng thẳng, đám đông đối với cán bộ tiếp nhận hồ sơ. Hồ sơ được tiếp nhận, xử lý và trả kết quả ngay tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.
Công dân đến giao dịch với số lượng đông và cũng đã quen với việc tiếp cận các thiết bị hiện đại trong việc lấy số thứ tự và tự tra cứu kết quả hồ sơ, cũng như các hướng dẫn THHC tại màn hình cảm ứng đặt tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, kiểm tra kết quả tại nhà qua website của UBND huyện Chư Sê.
Ông Bùi Sỹ Nguyên- Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện cho biết: “Trang-thiết bị để phục vụ công việc còn hạn chế, tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả chỉ có một màn hình tra cứu, nên những lúc cao điểm công dân đến giao dịch phải chờ đợi lâu. Phần mềm hệ thống hoạt động còn ảnh hưởng do tốc độ đường truyền còn chậm nên nhiều lúc chưa được đảm bảo yêu cầu xử lý công việc.
Bên cạnh đó, công việc và số lượng giao dịch tại bộ phận một cửa điện tử của huyện rất lớn, nhưng cán bộ thì không đủ, nên việc kiểm tra và tiếp nhận hồ sơ vẫn còn hạn chế về thời gian chờ đợi khi công dân đến giao dịch... Huyện rất mong tỉnh sớm quan tâm hỗ trợ kinh phí để viết lại chương trình phần mềm theo bộ TTHC do UBND tỉnh mới ban hành vào cuối năm 2012, để đảm bảo cho hệ thống hoạt động thông suốt theo bộ TTHC mới.
Cùng với hỗ trợ mua sắm trang-thiết bị để phục vụ đáp ứng cho công việc, UBND tỉnh cũng sớm có quy định cụ thể số lượng biên chế làm việc tại bộ phận một cửa điện tử, cũng như tăng biên chế phù hợp với yêu cầu đặc thù của từng địa phương, để hoạt động tiếp nhận, giải quyết và trả hồ sơ TTHC đảm bảo chính xác, tiến độ và thời gian quy định, đáp ứng nhu cầu của tổ chức, công dân”.
Thanh Nhật