"Vàng tặc" ở vùng giáp ranh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ nhiều năm nay, cuộc chiến với nạn khai thác vàng trái phép luôn diễn ra âm ỉ tại khu vực giáp ranh giữa huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) và rừng Nam Cát Tiên (tỉnh Đồng Nai). Lợi dụng rừng núi hoang vu và hiểm trở, nhiều nhóm đối tượng đã mặc sức tung hoành, mở đường hầm để khoét sâu vào khu vực rừng phòng hộ thuộc Tiểu khu 202, thôn 5, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng.
 
Căn hầm giữa rừng phòng hộ sau khi nhóm “vàng tặc” rút đi
Hầm vàng giữa rừng
Một ngày đầu tháng 7, theo con đường đất đỏ ngoằn ngoèo chạy giữa những vườn cao su, vạt điều xanh tốt, chúng tôi có mặt tại thôn 5. Khi hỏi về khu vực khai thác vàng, người dân địa phương ái ngại né tránh. Rất may, có một người dân trong vùng tên H. đồng ý chỉ đường để chúng tôi tiếp cận đại bản doanh của “vàng tặc”. “Khu vực đào vàng nằm trong rừng sâu, chỉ một con đường để ra vào. Người lạ không ai bén mảng. Nếu đi phải để mưa ngớt, vì mùa này mưa rừng và lũ quét thường về bất chợt”, H. nói.
Hôm sau cơn mưa rừng đã ngớt, đường trơn trượt, xe máy của chúng tôi nhiều lần lật ngã chỏng chơ, buộc phải gửi lại nhà dân. Để giữ bí mật, chúng tôi hóa trang thành người dân đi rừng với bộ đồ lao động, chiếc giỏ đeo sau lưng và con dao được cột vào một thanh gỗ dài để dọn đường và leo dốc. Phải lội bộ trên lối mòn hẹp bị che khuất bởi cây rừng rậm rạp, có đoạn phải vượt qua suối nước sâu cuồn cuộn chảy xiết và nhiều đỉnh dốc dựng thành vách.
Sau chừng 40 phút vượt rừng, chúng tôi gặp một ngôi nhà được xây cất ở chân đồi, là nơi ăn ngủ của nhóm khai thác vàng; gần đó có một khu chuồng trại nhỏ để nhốt đàn trâu 10 con giữa vườn cà phê còi cọc do ít được chăm sóc. “Trông bề ngoài ai cũng nghĩ việc thả trâu và trồng cà phê để làm trang trại, nhưng thực chất đây chỉ là trò ngụy trang để che mắt cơ quan chức năng, trá hình cho việc khai thác vàng trái phép. Ở đây có một người được thuê chăn trâu và trông vườn rẫy để trông coi hầm vàng. Người này cũng là tai mắt của một ông chủ ngụ ở TP Đồng Xoài”, anh H. khẳng định. 
Tiếp tục men theo con dốc thẳng đứng và liên tục dùng dao cắm sâu xuống các hẻm đá bám vào bụi rậm, chúng tôi mới bò lên được miệng hầm vàng. Hầm vàng thuộc Tiểu khu 202 của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng, tiếp giáp với rừng Nam Cát Tiên (tỉnh Đồng Nai). Khu vực hầm vàng có các phiến đá lớn, rắn chắc được kết thành vách dựng đứng giống như một thành quách vững chãi bên dòng suối Đắc Mô. Hầm có một cửa ra vào, cao chừng hơn 2m, rộng 1m chạy vào sâu, cũng là đường duy nhất để đưa máy khoan, trang thiết bị vận chuyển đá có vàng ra bên ngoài. Trước mặt cửa hầm là vực sâu bị phủ bởi cây rừng rậm rạp. Ngay cửa hầm còn có một bàn thờ lộ thiên để “thầy cúng” về phán ngày giờ đào vàng.
Chui vào trong hầm, chúng tôi phát hiện nhiều ngã rẽ lòng vòng, chi chít vết lằn của bánh xe rùa; dấu chân người trên đất đá lởm chởm và nhiều hố sâu găm xuống đến vài chục mét; nhiều đống đất trộn lẫn đá sỏi chưa kịp đưa ra ngoài. Chỉ tay vào một hố sâu, anh H., giải thích, sau khi tạo ra đường hầm, các đối tượng “ngửi” vị trí có vàng để đục xuống, tạo thành hố sâu vài chục mét gọi là giếng vàng. Thời điểm này, do nghe động nên các đối tượng cùng các phương tiện đã rút đi nên căn hầm tối om và im ắng.
Chúng tôi rút khỏi khu vực hầm theo đường vận chuyển đá bằng dây ròng rọc xuống ven suối. Tại đây có một chiếc thang lớn làm bằng gỗ để các đối tượng leo trèo đưa các thùng đá đào được ra bệ đỡ đến băng chuyền (được nối dây ròng rọc xuống tận bờ suối). Di chuyển theo hướng đi của ròng rọc đến vị trí cách đó 30m, chúng tôi thấy có một bãi đất được phủ bằng bạt và một lớp bụi đá ẩm ướt khá dày được cố định bởi 4 cọc gỗ. Người dẫn đường khẳng định, lớp bụi đá là sản phẩm của các viên đá xanh đã được xay nhuyễn, tận dụng tối đa dòng nước suối gần kề để các đối tượng đãi vàng. Khi có vàng trong tay, các đối tượng sẽ lặng lẽ rút đi.
Chủ hầm khó từ bỏ
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo SGGP, hoạt động khai thác vàng trái phép diễn ra âm ỉ từ khoảng 4 năm trở lại đây. Có 5 nhóm người từ các tỉnh Thái Nguyên, Đắk Lắk và Đồng Xoài thay phiên nhau khai thác. Không chỉ khu vực hầm vàng này, mà nhiều năm trước đây, các đối tượng còn đào đãi vàng ngay trên dòng suối Đắc Mô, cách đó chừng 2km, khiến khu vực suối tan thành bình địa. Mỗi đợt khai thác vàng thường kéo dài từ 1-2 tháng với khoảng 20 người. Cũng có đợt vài ngày do lực lượng chức năng phát hiện trục xuất người khai thác ra khỏi rừng.
Trước tết, một người đàn ông (ngụ TP Đồng Xoài) đã đưa người đến hầm vàng để đào bới. Nhóm người này đa số là đồng bào dân tộc thiểu số. Các đối tượng khai thác vàng tự mở đường mòn đưa máy móc và trang thiết bị đào vàng vào khu vực khai thác, dựng chòi bằng lều bạt để trú ngụ và do việc đào vàng cả ngày lẫn đêm nên đường điện cũng được kéo vào trong tận đường hầm. Vàng nằm trong các phiến đá xanh. Sau khi đục vỡ những phiến đá lớn để có khối lượng nhỏ và cho vào thùng, các đối tượng dùng dây cáp làm ròng rọc tời xuống bãi tập kết ven suối cách đó chừng 30m để xay vụn rồi đãi vàng cám, đưa ra ngoài. 
Mỗi đợt khai thác được bao nhiêu vàng thì chỉ ông chủ mới biết được. “Năm ngoái nhóm đào vàng kháo nhau làm cả ngày lẫn đêm cũng được 2,6 lượng vàng. Do việc khai thác rầm rộ gây ảnh hưởng đến rừng phòng hộ nên nhóm này đã bị trục xuất ra khỏi rừng cách đây chừng 1 tháng. Điều ngạc nhiên là không một đối tượng nào bị xử lý”, một người dân bức xúc nói. Một tay đào vàng chuyên nghiệp tên K. (đã giải nghệ), khẳng định, trong nhóm đào vàng, kẻ “ngửi được mùi vàng” được trả 20 triệu đồng/tháng, lao động đào vàng ít nhất cũng 10 triệu đồng/tháng. Chưa kể hàng trăm triệu đồng mua máy móc, trang thiết bị và ăn uống. Vậy nên, việc đào hầm khai thác vàng là canh bạc lớn, chủ hầm sẽ không bao giờ từ bỏ ý đồ.
Hiện tại việc khai thác vàng trái phép đã tạm ngưng do bắt đầu mưa rộ. Nhưng theo người dân, lợi dụng địa hình và sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng, các băng nhóm “vàng tặc” sẽ sớm quay lại.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Trưởng Công an xã Đồng Nai Điểu Blớ khẳng định, có việc khai thác vàng trái phép xảy ra tại khu vực Tiểu khu 202. Sau khi phát hiện, lực lượng kiểm lâm, công an, chính quyền địa phương đã phối hợp đến hiện trường tiến hành trục xuất nhóm khai thác vàng ra khỏi rừng. Cơ quan chức năng cũng đã tiến hành tịch thu nhiều máy móc, trang thiết bị đào vàng, đồng thời xử phạt hành chính một số người khai thác vàng do cư trú bất hợp pháp. Đến nay chưa đối tượng nào bị xử lý hình sự vì hành vi khai thác vàng, do chưa xác định được chủ mưu.

Hoàng Bắc (SGGP)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.