Nhiều ý kiến chuyên gia nhận định, Khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh) đang là nơi hội tụ của những nhà đầu tư chiến lược và có nhiều lợi thế phát triển bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian tới.
Nhiều nhà đầu tư hội tụ ở Vân Đồn
Phát biểu tại Tọa đàm Tiềm năng bất động sản nghỉ dưỡng ở khu kinh tế đặc biệt trong tương lai hậu Covid-19, Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, với chủ trương đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu đến năm 2025 thu hút ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu khách trong nước, tổng doanh thu từ khách du lịch đạt khoảng 80 tỷ USD, với mức tăng trưởng bình quân 13 - 14%/năm, vì vậy, chắc chắn nhu cầu về bất động sản du lịch sẽ còn nhiều dư địa để phát triển.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, tổng nguồn cung bất động sản du lịch năm 2019 đạt 18.425 sản phẩm, lượng giao dịch thành công đạt 6.700 sản phẩm. Nhiều dự án bất động sản du lịch có quy mô lớn với tổ hợp dịch vụ khép kín, đạt tiêu chuẩn quốc tế và được đầu tư bởi các chủ đầu tư uy tín, do các Tập đoàn nước ngoài có thương hiệu quản lý vận hành, được các nhà đầu tư quan tâm, tỷ lệ hấp thụ đạt trên 70%... Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam |
Đồng quan điểm với ông Hà, TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, trong tương lai, khoảng 5 – 10 năm tới, ngành du lịch sẽ có tốc độ tăng trưởng khá ổn định, trở thành ngành mũi nhọn của nền kinh tế. Triển vọng tốc độ tăng trưởng du lịch nghỉ dưỡng hằng năm khoảng 12 – 14%, trong trung và dài hạn. Dự kiến đến năm 2025, doanh thu du lịch tính thuần vào khoảng 45 tỷ USD.
|
Nhiều nhà đầu tư lớn đã tham gia thực hiện các siêu dự án bất động sản nghỉ dưỡng ở Vân Đồn. |
Ông Nghĩa cũng nhìn nhận, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại các khu kinh tế đặc biệt trong tương lai như Vân Đồn chắc chắn sẽ có nhiều tiềm năng phát triển và tăng giá, dựa trên những cơ sở. "Vân Đồn đang trỗi dậy, là nơi hội tụ của những nhà đầu tư chiến lược. Chúng ta hoàn toàn có niềm tin và kỳ vọng vào sự trỗi dậy của Vân Đồn tương tự như Singapore", ông Nghĩa nhận định.
Chứng minh nhận định trên, ông Nghĩa cho biết, từ năm 2007, Khu Kinh tế Vân Đồn, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định thành lập là Khu kinh tế ven biển. Khi quyết định thành lập Khu kinh tế ven biển Vân Đồn, Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm phát triển Vân Đồn, trở thành trung tâm du lịch sinh thái biển - đảo chất lượng cao, trung tâm hàng không quốc tế, trung tâm dịch vụ cao cấp và là đầu mối giao thương quốc tế.
Nhìn thấy tiềm năng và cơ hội của Vân Đồn, hầu hết các nhà phát triển bất động sản lớn trên cả nước như: Vingroup, CEO Group, Sun Group, FLC, HD Mon... đã dần xuất hiện ở thị trường này. Nhiều dự án được rót vốn hàng chục nghìn tỷ đồng, hứa hẹn làm "thay da, đổi thịt" thị trường bất động sản Vân Đồn trong tương lai gần. Nhiều dự án hàng nghìn tỷ đồng đã được triển khai thời gian qua.
3 lưu ý kinh doanh bất động sản ở Vân Đồn
Cũng chia sẻ tại toạ đàm này, TS. Lê Xuân Nghĩa còn nêu ra một số lưu ý khi đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng tại khu kinh tế đặc biệt Vân Đồn trong tương lai. Thứ nhất, quyết định đầu tư cần bám sát quy hoạch tổng thể của Vân Đồn, trong nỗ lực tạo ra một khu vực tiện ích thông minh, an toàn và bảo vệ môi trường lâu dài, mới tạo ra cầu sử dụng lớn như: Dịch vụ hành chính, dịch vụ đô thị, dịch vụ du lịch, hạ tầng cứng – mềm, xử lý vấn đề môi trường…
|
TS. Lê Xuân Nghĩa phát biểu tại Tọa đàm Tiềm năng bất động sản nghỉ dưỡng ở khu kinh tế đặc biệt trong tương lai hậu Covid-19. |
Hai là, nên đầu tư vào những tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng hiện đại, quy mô lớn, dựa trên nền tảng du lịch và trải nghiệm các yếu tố: Dịch vụ nghỉ dưỡng; Dịch vụ văn hóa vùng miền; Dịch vụ ẩm thực vùng miền; dịch vụ thể thao, giải trí; Dịch vụ vụ kết nối di sản...
Ba là, tính thanh khoản và cơ hội sinh lời của bất động sản nghỉ dưỡng tại Vân Đồn là rất lớn, tuy nhiên, đó phải là sản phẩm của các chủ đầu tư uy tín, có kinh nghiệm phát triển bất động sản nghỉ dưỡng, đó thường là các sản phẩm trong những tổ hợp mới lạ, quy mô lớn, có nhiều tiện ích, trải nghiệm, tính kết nối và cộng đồng tốt. Thường tiềm năng đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng tại những khu vực như Vân Đồn mang tính dài hạn, và trong trung và dài hạn, chắc chắn thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nơi đây sẽ rất phát triển.
Mặt khác, theo ông Nghĩa, thách thức phát triển kinh tế ban đêm vẫn còn tồn tại, đó là: Nhận thức về kinh tế ban đêm còn nhiều sai lệch, phiến diện; Còn thiếu kinh nghiệm quản lý, kể cả tại các thành phố lớn; Hài hoà giữa việc đáp ứng nhu cầu chính đáng và hạn chế tiêu cực rủi ro; Ảnh hưởng đến những người không tham gia kinh tế ban đêm do khâu quy hoạch, quản lý; Còn thiếu các hoạt động văn hoá gắn với du lịch như festival, âm nhạc, nghệ thuật… Sự tham gia của doanh nghiệp trong nước trong kinh tế ban đêm còn hạn chế (chủ yếu là doanh nghiệp FDI).
"Với kinh nghiệm quốc tế, chúng ta có thể học hỏi tại một số quốc gia, ví như Bắc Kinh có nhiều chính sách đột phá về kinh tế ban đêm như: Khuyến khích các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi mở cửa muộn hơn vào ban đêm; Trợ cấp bằng tiền mặt cho các hộ kinh doanh từ 20 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau; Các dịch vụ giao thông công cộng được tăng tuyến, tăng thời gian phục vụ trong đêm", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Theo Trần Kháng (Dân Việt)