Vai trò của Trung Quốc tại đối thoại hòa bình Ucraine ở Ả Rập Saudi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)-Diễn ra trong 2 ngày 5 và 6/8, cuộc đối thoại hòa bình Ucraine tại Ả Rập Saudi có sự tham gia của khoảng 40 quốc gia. Sự kiện có sự hiện diện của Brazil, Ấn Độ, Nam Phi, Indonesia, Mexico, Zambia, Ai Cập, Anh, Ba Lan và Liên minh châu Âu nhưng không có Nga. Phía Trung Quốc có ông Lý Huy, đặc phái viên về các vấn đề châu Âu.
Ngoại trưởng Nga S. Lavrov và Đặc phải viên Trung Quốc Lý Huy tại một cuộc gặp. Ảnh: BNG Nga

Ngoại trưởng Nga S. Lavrov và Đặc phải viên Trung Quốc Lý Huy tại một cuộc gặp. Ảnh: BNG Nga

Các cuộc đàm phán ở Jeddah diễn ra sau các cuộc thảo luận ban đầu ở Copenhagen (Đan Mạch) vào tháng 6 vừa qua. Địa điểm của cuộc họp mang tính biểu tượng quan trọng, khi Ukraine, Mỹ và châu Âu thúc đẩy hỗ trợ cho Kiev ở "Nam bán cầu". Các nhà ngoại giao phương Tây cho biết Vương quốc này được chọn đăng cai một phần với hy vọng thuyết phục Trung Quốc tham gia, vì Riyadh và Bắc Kinh duy trì mối quan hệ chặt chẽ.

Saudi Arabia đang tìm cách đóng một vai trò lớn hơn trong ngoại giao đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine, sau khi Mỹ cáo buộc nước này vào năm ngoái "nghiêng về phía Moscow" để duy trì giá dầu ở mức cao, qua đó củng cố nguồn thu ngân sách của Nga.

Trung Quốc cho tới nay vẫn không lên án Nga về cuộc xung đột với Ukraine và đã đề xuất kế hoạch hoà bình 12 điểm. Bắc Kinh cũng chỉ trích phương Tây không ngừng bơm vũ khí cho Ukraine khiến cuộc xung đột kéo dài.

Reuters dẫn lời các nhà phân tích nhận định Bắc Kinh dường như đang phải đối mặt với một số khó khăn khi xung đột Nga – Ukraine kéo dài và các động thái "ăn miếng trả miếng" ở biển Đen ảnh hưởng tới vấn đề lương thực toàn cầu.

Bắc Kinh vẫn duy trì quan hệ kinh tế và ngoại giao chặt chẽ với Moscow. Họ đồng thời không muốn vắng mặt trong các cuộc đối thoại ​​hòa bình do quốc gia không phải phương Tây tổ chức.

"Bắc Kinh đang hành động. Động thái tham dự đối thoại hoà bình quốc tế tại Ả Rập Saudi tốt cho hình ảnh của Trung Quốc và cũng giúp Bắc Kinh hiểu rõ hơn lập trường của các bên" – chuyên gia Li Mingjiang tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore nhìn nhận.

Còn học giả Moritz Rudolf tại Trung tâm Paul Tsai China thuộc trường luật ĐH Yale – Mỹ cho biết: "Hiện nay tình hình ngày càng trở nên phức tạp. Cuộc xung đột leo thang đang trực tiếp tác động lên những lợi ích kinh tế và chính trị của Trung Quốc".

Trong một tuyên bố ngày 6/8, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Andriy Yermak cho biết các cuộc tham vấn diễn ra “rất hiệu quả” liên quan tới các “nguyên tắc chính để xây dựng một nền hòa bình công bằng và lâu dài” tại Ukraine.

Bước đi mới trong chính sách ngoại giao của Bắc Kinh xuất hiện giữa bối cảnh nước này có một số thay đổi nội bộ với việc bãi nhiệm ông Tần Cương khỏi vị trí Bộ trưởng Ngoại giao cũng như thay người đứng đầu Lực lượng Tên lửa của quân đội.

Có thể bạn quan tâm