Ươm mầm xanh trên đất bạc màu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tranh thủ trời mưa, tiết trời dịu mát, nông dân huyện Đăk Hà đang tập trung xuống giống trồng rừng vụ mới. Hối hả, khẩn trương là không khí diễn ra ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện mà chúng tôi ghi nhận. Việc đẩy nhanh tiến độ trồng nhằm từng bước biến những vùng đất cằn cỗi, bạc màu thành rừng.

Những ngày tháng 7 này, đến nhiều địa phương trên địa bàn huyện Đăk Hà, chúng ta dễ dàng gặp cảnh bà con hối hả gùi, chở cây giống, phân bón lên đồi, rẫy để tiến hành xuống giống trồng rừng. Những cơn mưa dai dẳng không làm công việc của người dân bị ngưng trễ mà ngược lại họ càng cố gắng tranh thủ những ngày trời mát để xuống giống, ươm mầm để phủ xanh trên các vùng đồi khô cằn.

Mưa rả rích, đất vỡ ra nhão nhoét khiến cho con đường lên núi trở nên khó khăn hơn, nhưng anh A Quân (thôn Kon Duông, xã Ngọc Wang) vẫn nhiệt tình đưa chúng tôi tham quan vạt đồi đang trồng keo. Sau mấy lần dừng nghỉ lấy sức, chúng tôi mới lên tới nơi. Tận mắt chứng kiến những hàng cây non nớt được trồng ngay hàng thẳng lối khẽ lay lay trước gió, chúng tôi mới thấu hiểu sự vất vả, nỗ lực của người dân trên hành trình làm xanh lại những vùng đất bạc màu.

 

Anh A Quân tích cực trồng cây cho kịp thời vụ. Ảnh: TH
Anh A Quân tích cực trồng cây cho kịp thời vụ. Ảnh: TH


Anh A Quân kể: Chúng tôi phải cõng từng gùi cây, bì phân lên núi. Trời mưa, dốc đứng, trơn trượt, nhưng mọi người đều rất cố gắng, động viên nhau trồng nhanh cho kịp thời vụ. Thời tiết mát mẻ như thế này chỉ cần cuốc hố, đặt cây xuống rồi lấp đất sơ, keo con mới trồng không bị trống đất, giữ ẩm được sẽ lớn nhanh.

Có 1,1ha đất đồi được bố mẹ cho khi ra ở riêng, trước nay, vợ chồng A Trương (thôn Đăk Duông, xã Ngọc Wang) chỉ biết trồng mì. Thế nhưng, đất ngày càng bị xói lở, bạc màu, nhiều lần A Trương tính chuyển sang trồng cây khác nhưng lại lúng túng vì thiếu vốn, không biết trồng cây gì cho phù hợp và đảm bảo đầu ra khi thu hoạch.

A Trương trải lòng: Đợt rồi, nghe cán bộ xã, thôn tuyên truyền, Nhà nước có chương trình hỗ trợ người dân trồng rừng sản xuất, thấy hợp lý nên em đăng ký liền. Em biết, khi trồng rừng gia đình sẽ bị ngắt quãng thu nhập trong khoảng 5-6 năm, nhưng đến khi cây gỗ được thu hoạch sẽ có một khoản tiền đáng kể để làm nhà cửa hay tích lũy, còn trồng mì thì chỉ có cái đắp đổi qua ngày. Thời gian này, vợ chồng cố gắng chăm sóc mấy đám ruộng, kiếm việc làm thêm, chịu khó ít năm là hết khó.

Xác định trồng và phát triển rừng là biện pháp giúp người dân giảm nghèo, nâng cao thu nhập, chính quyền, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn xã Ngọc Wang tích cực việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về việc trồng rừng.

Ông Ngô Tấn Khoa-Chủ tịch UBND xã Ngọc Wang cho biết: Năm nay xã được giao chỉ tiêu trồng mới 50ha rừng. Mặc dù là năm đầu triển khai nhưng bà con rất đồng thuận. Những diện tích đất này đa phần bà con đang trồng mì, canh tác nhiều năm nên bạc màu, hiệu quả kinh tế thấp. Vì vậy, khi chính quyền xã tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng và được Nhà nước hỗ trợ giống, phân bón bà con phấn khởi lắm. Mặt khác, hiện nay, nhiều người đã thay đổi nếp nghĩ, từ bỏ loại cây “ăn xổi” mà tính toán lợi ích lâu dài, trồng rừng sản xuất để vừa phủ xanh đất trống đồi trọc, vừa mang lại nguồn thu lớn hơn.

Từ xã Ngọc Wang vào đến xã Ngọc Réo, chúng tôi nhận thấy không khí mùa trồng rừng cũng rộn ràng khắp trong làng đến ngoài rừng. Đây là năm thứ hai, xã Ngọc Réo triển khai trồng rừng nên bà con đã có phần quen việc và tự tin hơn trong quá trình thực hiện. Ngoài cây keo, năm nay, người dân Ngọc Réo còn thử sức trồng cây giổi.


 

 
Người dân xã Ngọc Réo nhận giống cây và phân bón. Ảnh: TH
Người dân xã Ngọc Réo nhận giống cây và phân bón. Ảnh: TH


Sau khi nhận cây giống, phân bón, người dân để ở nhà ít hôm theo dõi sự sinh trưởng và phát triển của cây rồi mới vận chuyển lên rừng để tiến hành trồng. Đợt này, thời tiết thuận lợi, người dân các làng đổi công cho nhau, nhà không trồng hỗ trợ nhà trồng đào hố, trồng cây. Không khí trồng rừng diễn ra khẩn trương, nhộn nhịp. Những cánh rừng, vạt rẫy vì thế mà vui tươi, rộn ràng, xua tan đi cái ẩm ướt của những ngày mưa dầm.

Chị Y Xoái (làng Kon Rôn, xã Ngọc Réo) cho biết: Mưa ẩm giúp cây con dễ sống hơn nên nhà em huy động tổng lực, đổi thêm công để trồng thật nhanh. Năm ngoái, nhà em đã trồng được hơn 2ha keo, năm nay tiếp tục trồng 2ha giổi. Do đất nằm trên núi cao, trồng mì, cây công nghiệp đều kém hiệu quả nên khi Nhà nước có chủ trương hỗ trợ người dân trồng rừng em đăng ký tham gia ngay. Em nghĩ, đây chính là cơ hội người dân chuyển đổi cây trồng, cải thiện thu nhập trên chính mảnh đất của mình.

Theo tính toán của Y Xoái, giổi là loại cây đa năng vừa cho quả vừa có thể lấy gỗ. Sau khoảng 6-7 năm  là có thể khai thác hạt, trên 10 năm thì thu được gỗ. Nhưng với giá trị hạt giổi cao như hiện nay (từ 1,4 – 1,6 triệu đồng/kg) thì người dân chỉ cần khai thác hạt cũng đã có thu nhập khá, cây rừng có thể để phát triển thành gỗ lớn.

 

 Không khí vụ trồng rừng diễn ra nhộn nhịp ở xã Ngọc Réo. Ảnh: TH
Không khí vụ trồng rừng diễn ra nhộn nhịp ở xã Ngọc Réo. Ảnh: TH


Theo kế hoạch giai đoạn 2021-2025, xã Ngọc Réo sẽ trồng mới khoảng 200ha rừng. Vì vậy, chính quyền địa phương khuyến khích người dân khai thác có hiệu quả đất đồi, vực dậy những vùng đất canh tác kém hiệu quả thành những mảng xanh của rừng.

Chủ tịch UBND xã Ngọc Réo Phạm Thị Mây chia sẻ: Nhằm thực hiện có hiệu quả phong trào trồng cây gây rừng, xã đã thành lập Ban Chỉ đạo quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Thành viên Ban Chỉ đạo được giao phụ trách từ 2 – 3 hộ, có trách nhiệm vận động, hỗ trợ, hướng dẫn và giám sát người dân trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng.

Song song với công tác trồng rừng vụ mới, người dân Ngọc Réo còn tập trung chăm sóc diện tích cây trồng năm trước, đảm bảo hiệu quả trồng rừng.

Theo kế hoạch giai đoạn 2021-2025, huyện Đăk Hà phấn đấu nâng độ che phủ rừng trên địa bàn lên trên 50%. Qua đó, góp phần giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo cảnh quan; phát triển lâm nghiệp bền vững; tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân phát triển sản xuất từ rừng, sinh sống gần rừng... góp phần giảm nghèo bền vững.

Năm 2022, huyện Đăk Hà đặt mục tiêu trồng mới 450 ha rừng trên địa bàn 7 xã: Đăk Pxi, Đăk Long, Đăk Hring, Đăk Mar, Đăk Ui, Ngọc Wang, Ngọc Réo. Thời gian này, người dân đang tích cực xuống giống trồng rừng, “đánh thức” những vùng đồi để từng bước, từng bước phủ xanh những mảnh đất cằn.

Tất nhiên, trồng cây mới là bước đầu. Để cây thành rừng là cả một chặng đường dài đòi hỏi quá trình chăm sóc, bảo vệ cẩn thận của người dân. Nhưng chắc chắn với tình yêu rừng của người dân, rồi đây rừng sẽ lên xanh, rừng sẽ mang lại ấm no như mục tiêu của chính quyền và niềm tin của người dân huyện Đăk Hà.

Theo Thùy Hương (baokontum)

 

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.