Ủ hóa chất 'biến' khoai mì thành đông dược: Đường đi của hoài sơn giả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chỉ riêng cơ sở của bà M. mỗi tháng đã cho ra hàng chục tấn hoài sơn giả, cho thấy ở 'thủ phủ' đông dược giả này mỗi tháng có hàng trăm tấn hàng giả được tung ra thị trường.
Xe chở hoài sơn giả từ Đồng Nai về Q.5 (TP.HCM) tiêu thụ
Xe chở hoài sơn giả từ Đồng Nai về Q.5 (TP.HCM) tiêu thụ
Chiều 24-2, PV theo dấu một người đàn ông đi xe máy chở 2 bao tải hoài sơn giả rời một trong 4 cơ sở tại ấp Bến Đình (Phú Đông, H.Nhơn Trạch, Đồng Nai). Sau đó, ông này ghé một cơ sở cách đó khoảng vài trăm mét, chất thêm một bao tải hoài sơn giả rồi chạy về hướng bến phà Cát Lái. Vào địa phận TP.HCM, chiếc xe chạy lòng vòng qua nhiều tuyến đường và điểm đến là khu chợ đông dược trên đường Hải Thượng Lãn Ông, P.10, Q.5. Ba bao hàng được ông này giao cho 3 cửa hàng, trong đó có cửa hàng dược liệu T.P.
Ngang nhiên mua bán
Trong vai thương lái ở miền Trung vào tìm mối mua hoài sơn về quê bán, PV tới cửa hàng T.P đặt mua hàng. Tiếp PV là một người đàn ông tên H., tự xưng chủ cửa hàng.
Sau vài câu trao đổi, ông H. huỵch toẹt: “Mua hoài sơn thì ở đây có loại củ mì, loại củ từ, có loại hoài sơn xịn. Mà người ta thường chỉ lấy loại củ từ thôi. Hoài sơn xịn giá hơn 200.000 đồng/kg, mấy nhà hàng sang trọng mới mua. Còn thường thường mấy quán ăn này kia người ta lấy loại rẻ tiền không à”.
Dứt lời, ông này lấy một số mẫu đưa cho chúng tôi xem và nói: “Củ mì làm trau chuốt hình thức đẹp hơn thì giá 50.000 đồng/kg, còn loại làm miếng to hơn thì chỉ 18.000 đồng/kg. Loại củ khoai từ giá 130.000 đồng/kg và hoài sơn xịn giá 230.000 đồng/kg. Hoài sơn xịn là nhập từ Trung Quốc, còn khoai mì ở Long Thành là hàng VN chất lượng cao. Loại này để không mốc meo được đâu. Người ta toàn lấy loại này bán, không ai chửi đâu vì mình bán dạng bình dân mà” (?!).
Chiều 25-2, P.V Thanh Niên tới cơ sở của ông T. (tại ấp Bến Đình, Phú Đông, H.Nhơn Trạch). Khi nghe PV nói đặt mua số lượng lớn hoài sơn giả để xuất đi Trung Quốc và đưa về các tỉnh miền Trung, ông T. nhiệt tình tiếp thị: “Anh đến đây mua là đúng giá gốc luôn. Hàng của em chủ yếu cung cấp cho chợ thuốc Q.5 nhưng anh đến đây rồi thì em nói giá gốc cho dễ bán, khỏi phải trả giá: hoài sơn bắc (ý nói nguyên liệu từ phía bắc - PV) 32.000 đồng/kg, hoài sơn nam 15.000 đồng/kg, hai loại này đều làm từ khoai mì; còn khoai từ làm hoài sơn giả giá 100.000 đồng/kg, chỉ để xuất khẩu”.
Sau một hồi thương lượng, chúng tôi “chốt giá” và đặt mua 10 tấn hoài sơn bắc, hoài sơn nam cùng 5 tấn hoài sơn làm từ khoai từ. “Anh mua bao nhiêu cũng có. Cơ sở em trữ cả trăm tấn hàng. Anh cho em 1 tuần để chuẩn bị 10 tấn hoài sơn bắc, hoài sơn nam; còn hoài sơn làm bằng khoai từ phải đợi 2 tuần”, ông T. tuyên bố.

Theo thỏa thuận, chiều 26-2, ông T. cho người mang mẫu lên TP.HCM để chúng tôi giao cho khách hàng xem. Tại giao lộ Hải Thượng Lãn Ông - Triệu Quang Phục (Q.5), ông B. (người của ông T.) đưa chúng tôi 3 mẫu hoài sơn giả ghi tên, số tiền. “Mấy mẫu này ông T. dặn tôi đưa, anh cứ xem thoải mái, nếu thấy được thì gọi điện cho ông T. nói địa điểm, thời gian cần hàng là tôi chở tới. Nãy giờ tôi chở hàng giao mấy cửa hàng dọc đường Hải Thượng Lãn Ông, có cả cửa hàng A.P.T (đường Triệu Quang Phục, Q.5) đây nữa”, ông B. vừa nói vừa chỉ vào bao hoài sơn giả vừa giao để trước cửa hàng A.P.T.

Hoài sơn thật (trái) và hoài sơn giả
Hoài sơn thật (trái) và hoài sơn giả
Để kiểm chứng lời ông B., chúng tôi vào cửa hàng A.P.T hỏi mua hoài sơn. Ông P.T, chủ cửa hàng giới thiệu có hai loại, giá 50.000 đồng và 110.000 đồng/kg. Loại đắt hơn là hoài sơn bắc, loại rẻ là hoài sơn nam. Cầm miếng hoài sơn ông P.T đưa, PV bẻ đôi, nếm thử rồi vờ hỏi: “Sao miếng hoài sơn có mùi và bột giống khoai mì vậy”, thì ông này thản nhiên trả lời: “Dĩ nhiên rồi, làm từ khoai mì phải có mùi khoai mì chứ”.
“Họ gieo tội ác với đồng bào”
Theo một dược sĩ đang công tác tại một bệnh viện lớn ở TP.HCM, trên thị trường ngoài hoài sơn còn nhiều vị thuốc đông y khác cũng bị trà trộn làm giả như: sơn thù bị trộn lẫn với vỏ quả trứng cá chín đỏ, kim ngân hoa bị trộn với đu đủ xanh, đỗ trọng bắc bị trộn vỏ cây cao su, hà thủ ô đỏ bị thay thế bằng củ nâu làm thuốc nhuộm vải... “Điều hãi hùng nhất là trong quá trình làm giả, họ sử dụng những hóa chất độc hại tẩm, ướp, xông...”, dược sĩ này nói.
Trong khi đó, sau khi xem các hình ảnh, video clip PV Thanh Niên chuyển tới, chuyên gia hóa học Nguyễn Đình Độ khẳng định lưu huỳnh các cơ sở làm giả hoài sơn dùng xông, ủ khoai mì là loại công nghiệp, rất độc hại.
“Lưu huỳnh thường được sử dụng để sấy và chống mốc trong bảo quản thực phẩm, thuốc đông y, nhưng phải là lưu huỳnh tinh khiết và hàm lượng sử dụng được kiểm soát chặt chẽ. Lưu huỳnh tinh khiết có giá cao hơn nhiều so với lưu huỳnh công nghiệp (600.000 đồng/kg so với 15.000 đồng/kg), nên các cơ sở làm giả hoài sơn dùng lưu huỳnh công nghiệp nhằm để thu lợi nhiều nhất. Lưu huỳnh công nghiệp có nhiều tạp chất độc hại, tuyệt đối không được phép sử dụng trong chế biến và bảo quản thực phẩm”, ông Độ phân tích.
Bác sĩ Lê Hùng-nguyên Chủ tịch Hội Đông y TP.HCM, cũng khẳng định lưu huỳnh được dùng trong bảo quản thuốc đông y, sấy khô dược thảo từ xưa đến giờ, nhưng liều lượng cho phép rất thấp. Nếu dùng quá liều, lưu huỳnh có thể gây hại nhiều cơ quan như hệ thần kinh, tiêu hóa, hô hấp và hệ tiết niệu làm suy gan, thận. Những người có các cơ quan tạng phủ suy yếu mà sử dụng thuốc đông y có quá nhiều lưu huỳnh thì rất nguy hiểm như người đái tháo đường, bị suy thận, hen suyễn... “Việc xông hưu huỳnh cả ngày đêm để biến khoai mì thành hoài sơn giả như Báo Thanh Niên điều tra là quá sức tưởng tượng, quá độc hại, chưa kể khoai mì tươi (loại mì cao sản) chưa được xử lý cũng có độc. Đó là tội ác với đồng bào”, bác sĩ Hùng bức xúc.
Phân biệt củ mài và khoai mì
Theo các lương y, củ mài mặt ngoài nhăn nheo, có sẹo, màu vàng nâu; mặt cắt ngang mịn, trắng; thể chất giòn, dễ bẻ gãy. Vỏ củ mài mỏng hơn củ khoai mì, khi cạo ngứa tay nhưng khi ăn uống không hề hấn gì. Bẻ đôi củ mài sẽ không thấy “dây tim” ở giữa như khoai mì, có mùi thơm; còn khoai mì không có mùi vị. Củ mài sau khi bào chế thành hoài sơn rất giòn, nhiều bột, màu trắng tinh; trong khi khoai mì làm giả hoài sơn mềm hơn, ít bột, màu trắng ngà. 
Duy Tính (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.