Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Việt Nam-Nga đến năm 2030

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhằm xác định các phương hướng chính phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đến năm 2030, CHXHCN Việt Nam và Liên bang Nga ra Tuyên bố chung.

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: TTXVN)
Tổng thống Nga Vladimir Putin đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: TTXVN)


Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga đến năm 2030

Trên cơ sở kết quả hội đàm ngày 30/11/2021 tại Moskva, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Vladimirovich Putin đã thống nhất như sau:

Phát huy kinh nghiệm hợp tác hiệu quả giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga,

Mong muốn làm sâu sắc hơn và đưa quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới,

Nhằm xác định các phương hướng chính phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đến năm 2030, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga ra tuyên bố sau:

1. Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga dựa trên nền tảng hữu nghị truyền thống lâu đời và hợp tác cùng có lợi, được vun đắp bởi nhiều thế hệ đi trước, trải qua thử thách bởi thời gian, đứng vững trước các biến động và là hình mẫu cho hợp tác tôn trọng lẫn nhau, đáp ứng lợi ích cơ bản của nhân dân hai nước. Kể từ khi hai nước ra Tuyên bố về quan hệ Đối tác chiến lược năm 2001 và nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện năm 2012, quan hệ Việt Nam–Nga đã được tăng cường về nhiều mặt và rộng khắp trên các lĩnh vực.

Đối thoại chính trị có độ tin cậy cao. Tiếp xúc thường xuyên các cấp, bao gồm cấp cao, là cơ sở vững chắc thúc đẩy quan hệ trên tất cả các lĩnh vực. Việt Nam và Nga có cách tiếp cận gần gũi và tương đồng trên hầu hết các vấn đề quốc tế và khu vực, góp phần thúc đẩy phối hợp chặt chẽ giữa hai nước trong khuôn khổ các tổ chức đa phương.

Hợp tác trên các lĩnh vực quân sự và kỹ thuật quân sự, an ninh có vị trí đặc biệt trong quan hệ Việt Nam-Nga, không ngừng được tăng cường vì lợi ích của Việt Nam và Nga và nhân dân hai nước, góp phần bảo đảm hòa bình và ổn định tại khu vực và trên thế giới.

Với hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư không ngừng mở rộng, Việt Nam và Nga đã trở thành đối tác thương mại quan trọng của nhau. Với việc Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á-Âu và các nước thành viên được ký kết vào năm 2015 và có hiệu lực từ năm 2016, thương mại giữa hai nước đã tăng trưởng đáng kể.

Hai bên tiếp tục triển khai các dự án hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí phù hợp với lợi ích của cả hai bên, chú trọng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng điện, công nghiệp, công nghệ thông tin, nông nghiệp.

Hợp tác trên các lĩnh vực giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, văn hóa và du lịch tiếp tục được thắt chặt. Quan hệ giữa các địa phương và tổ chức xã hội của Việt Nam và Nga được thúc đẩy.

2. Nhằm phát huy những thành tựu đạt được trong hai thập kỷ qua, gìn giữ truyền thống hữu nghị tốt đẹp và tận dụng tiềm năng hợp tác sẵn có, hai bên khẳng định cùng nhau quyết tâm tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga đến năm 2030 với các nguyên tắc và định hướng chính như sau:

Việc củng cố và nâng cao hiệu quả quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện là ưu tiên đối ngoại của Việt Nam và Nga, đáp ứng lợi ích lâu dài của hai quốc gia, góp phần vào sự nghiệp phát triển của mỗi nước và nâng cao vai trò của hai quốc gia tại khu vực và trên thế giới.

Việt Nam và Nga xây dựng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trên cơ sở tin cậy lẫn nhau, dựa trên các nguyên tắc bình đẳng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng và quyền tự quyết dân tộc, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, cũng như các điều khoản khác của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Hai bên ủng hộ hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực và trên thế giới, tính đến lợi ích của nhau trong hợp tác song phương và trong khuôn khổ các tổ chức khu vực và quốc tế. Việt Nam và Liên bang Nga không liên minh hoặc thỏa thuận với bên thứ ba nhằm có các hành động phương hại đến độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như lợi ích cơ bản của nhau. Việc phát triển quan hệ Việt Nam-Nga không nhằm chống lại bất kỳ bên thứ ba khác.

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga quyết tâm hợp tác chặt chẽ trên tất cả các lĩnh vực trong cả khuôn khổ song phương và đa phương.

 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: TTXVN)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: TTXVN)


3. Việt Nam và Nga tiếp tục phát triển đối thoại chính trị sâu rộng và thực chất ở cấp cao và cao nhất, coi việc củng cố tin cậy chiến lược là nền tảng cho việc mở rộng và tăng cường hơn nữa hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực, hoàn thiện hoạt động của các cơ chế hợp tác chung và, trong trường hợp cần thiết, sẽ thiết lập các hình thức hợp tác mới nhằm tạo động lực và đột phá thực chất trong quan hệ song phương.

Theo đó, hai bên quyết tâm triển khai các nhiệm vụ sau:

- Duy trì thường xuyên trao đổi đoàn ở cấp cao và cấp cao nhất, gặp gỡ trong khuôn khổ các diễn đàn quốc tế, các tiếp xúc khác.

- Đẩy mạnh các hình thức hợp tác giữa Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các viện Quốc hội Liên bang Nga, trong đó có việc đôn đốc triển khai các thỏa thuận đã đạt được, bao gồm trong khuôn khổ Ủy ban Hợp tác liên nghị viện giữa Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Duma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga; tiếp tục phối hợp hành động tại các diễn đàn nghị viện quốc tế và khu vực.

- Duy trì tiếp xúc sâu rộng trên các kênh đảng, chính phủ, bộ, ngành, địa phương và tổ chức xã hội, khuyến khích mở rộng giao lưu thanh niên.

- Thúc đẩy hoạt động và vai trò điều phối của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Nga về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật, bao gồm trong triển khai các thỏa thuận cấp cao.

- Nâng cao hiệu quả Đối thoại giữa Bộ Công an Việt Nam và Văn phòng Hội đồng An ninh Liên bang Nga về các vấn đề chiến lược quan trọng, cũng như Đối thoại chiến lược Ngoại giao-Quốc phòng-An ninh ở cấp thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao với sự tham gia của các cơ quan liên quan.

4. Việt Nam và Nga tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh, quân sự và kỹ thuật quân sự trên cơ sở luật pháp quốc tế, vì hòa bình và ổn định tại khu vực và trên thế giới.

Hai bên duy trì trao đổi thường xuyên trên kênh quốc phòng và an ninh, bao gồm ở cấp lãnh đạo; tăng cường các hoạt động đào tạo và chuyên ngành giữa các cơ quan và đơn vị liên quan; hoàn thiện các cơ chế chuyên môn và cơ sở pháp lý nhằm hỗ trợ hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh.

Việt Nam và Nga sẽ tiếp tục tăng cường đối thọai chiến lược về quốc phòng, phối hợp nâng cao hiệu quả của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Nga về hợp tác kỹ thuật quân sự.

Hai nước sẽ tăng cường hơn nữa hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Hội đồng An ninh Liên bang Nga, cũng như giữa các cơ quan an ninh và bảo vệ pháp luật khác của hai nước.

Hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác toàn diện trong lĩnh vực an ninh thông tin quốc tế phù hợp với luật pháp quốc tế và tinh thần Tuyên bố chung giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Vladimirovich Putin về hợp tác trên lĩnh vực bảo đảm an ninh thông tin quốc tế, được thông qua ngày 10/11/2017 và Hiệp định liên Chính phủ Việt Nam-Nga về hợp tác trong lĩnh vực bảo đảm an ninh thông tin quốc tế ngày 6/9/2018 về ngăn chặn sử dụng công nghệ thông tin truyền thông nhằm phá hoại, xâm hại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các hành động khác nhằm cản trở hòa bình, an ninh và ổn định quốc tế.

5. Hai bên coi hợp tác kinh tế là trụ cột quan trọng của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, sẽ nỗ lực mở rộng hơn nữa hợp tác trên cơ sở cùng có lợi, quyết tâm tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ những vấn đề phát sinh trong quá trình hợp tác.

Nhằm đạt được mục tiêu đó, Việt Nam và Nga khẳng định sẵn sàng triển khai những nhiệm vụ sau:

- Nâng cao hiệu quả triển khai Hiệp định thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á-Âu và các nước thành viên theo hướng tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa bên cạnh những ưu đãi đã có trong Hiệp định, bao gồm tháo gỡ rào cản phi thuế quan nhằm bảo đảm kim ngạch trao đổi thương mại tăng trưởng cân bằng bền vững.

- Khuyến khích đầu tư song phương vào Việt Nam và Nga trên các lĩnh vực truyền thống và mới, như năng lượng điện, bao gồm điện tái tạo, công nghiệp, khai khoáng, công nghệ cao, giao thông vận tải, phát triển đô thị, nhà ở, hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông nghiệp, lâm nghiệp; hỗ trợ nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của Tổ công tác cấp cao Việt-Nga về các dự án đầu tư ưu tiên.

- Tăng cường hợp tác trên lĩnh vực năng lượng và dầu khí, là trụ cột quan trọng hàng đầu của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, hỗ trợ mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực triển vọng như xây dựng nhà máy điện khí, cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng cho Việt Nam và xây dựng hạ tầng phù hợp, phát triển năng lượng tái tạo, sản xuất nhiên liệu động cơ, cũng như hiện đại hóa các cơ sở năng lượng; ủng hộ triển khai các dự án hiện có hoặc mới với sự tham gia của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam và các công ty Zarubezhneft, Gazprom, Novatek và Rosatom, cũng như các công ty khác, bao gồm đối với các dự án điện sử dụng khí hóa lỏng tại Việt Nam.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng hoạt động của doanh nghiệp dầu khí Việt Nam tại Liên bang Nga và doanh nghiệp dầu khí Nga tại thềm lục địa Việt Nam, cũng như triển khai các dự án chung tại các nước thứ ba, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và pháp luật Việt Nam và Nga.

- Tăng cường hợp tác công nghiệp, bao gồm triển khai tại Việt Nam các cơ sở sản xuất lắp ráp phương tiện vận tải động cơ của Nga và từng bước nội địa hóa sản xuất.

- Tăng cường hợp tác nông, lâm nghiệp nhằm tận dụng thế mạnh của cả hai nước, thúc đẩy trao đổi thương mại nông, thủy, hải sản.

- Mở rộng hợp tác trong lĩnh vực tài chính-tín dụng, cụ thể gồm thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ trong thanh toán, tăng cường kết nối hai hệ thống thanh toán quốc gia, tiếp tục nâng cao hiệu quả hợp tác giữa hai hệ thống ngân hàng nhằm tạo thuận lợi cho hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước; tích cực phát huy vai trò của Ngân hàng liên doanh Việt-Nga trong triển khai các dự án hợp tác chung.

- Tiếp tục hợp tác xây dựng Chính phủ điện tử với trọng tâm là bảo đảm an toàn an ninh mạng, tính đến tính chất tin cậy của mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nga.

- Khuyến khích hợp tác trực tiếp giữa các tỉnh, thành của Việt Nam với các chủ thể của Liên bang Nga, bao gồm hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và vùng Siberia và Viễn Đông của Nga.

6. Việt Nam và Nga quyết tâm tăng cường hợp tác giáo dục–đào tạo và khoa học-công nghệ, coi đây là một trong những hướng hợp tác chủ chốt giữa hai nước. Theo đó, hai bên coi trọng nâng cao vai trò điều phối của Ủy ban hợp tác Việt Nam-Nga về giáo dục, khoa học và công nghệ, cũng như hoạt động của Ủy ban điều phối Trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ nhiệt đới hỗn hợp Việt Nam-Nga.

Hai bên tiếp tục thúc đẩy trao đổi trong lĩnh vực văn hóa và du lịch, giao lưu nhân dân, có vai trò quan trọng trong việc tăng cường hiểu biết và gìn giữ truyền thống hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và Nga.

Các nhiệm vụ chính triển khai các định hướng trên bao gồm:

- Tăng cường hợp tác sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình, trước hết trong khuôn khổ dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân tại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tiếp tục đào tạo sinh viên Việt Nam tại các trường đại học Nga theo chuyên ngành liên quan. Trường hợp, Việt Nam khôi phục kế hoạch phát triển năng lượng điện hạt nhân, Nga sẽ được xem là đối tác ưu tiên trong lĩnh vực này.

- Tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ nhiệt đới hỗn hợp Việt-Nga, không ngừng củng cố tiềm năng của Trung tâm.

- Mở rộng số lượng và nội dung các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ chung, bao gồm trên các lĩnh vực khoa học sự sống, công nghệ năng lượng, công nghệ vũ trụ, sử dụng hợp lý tài nguyên môi trường, nghiên cứu cơ bản; đẩy mạnh hợp tác giữa các Viện Hàn lâm của hai nước, tiếp tục tiến hành các dự án chung về nghiên cứu biển;

- Thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi số, quản lý các nền tảng xuyên quốc gia, sử dụng khoảng không vũ trụ vào mục đích hòa bình, bao gồm hợp tác sử dụng và phát triển hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu GLONASS của Nga;

- Mở rộng trao đổi giữa các cơ sở giáo dục, đại học và hàn lâm của hai nước, thúc đẩy hợp tác trong đào tạo trung cấp nghề và bổ túc nghề; nâng cao chuyên môn cho công chức; tiếp tục đào tạo công dân Việt Nam ở các cơ sở đại học Nga theo học bổng được cấp.

- Khuyến khích nghiên cứu và giảng dạy tiếng Nga tại Việt Nam và tiếng Việt tại Nga, bao gồm sử dụng tối đa tiềm năng của Phân viện quốc gia tiếng Nga mang tên Puskin tại Hà Nội và Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội.

- Đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực y tế và dược phẩm trên cơ sở kinh nghiệm hợp tác trong phòng, chống đại dịch COVID-19 thời gian qua; trao đổi chuyên gia, bí quyết công nghệ trong xây dựng các giải pháp, ứng dụng mới trong khám, chữa bệnh; tạo điều kiện cung cấp, hợp tác sản xuất và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine và dược phẩm.

- Tăng cường hợp tác tư pháp, nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ công tác giữa Việt Nam và Nga về pháp luật, nhằm tiếp tục hoàn thiện hơn nữa cơ sở pháp lý cho hợp tác song phương.

- Khuyến khích hợp tác văn hóa, thể thao và du lịch, giao lưu thanh niên và ngoại giao nhân dân, tiến hành thường xuyên các ngày văn hóa, năm chéo, hoạt động nhân các dịp kỷ niệm quan hệ Việt Nam-Nga.

- Hỗ trợ đơn giản hóa thủ tục đi lại của công dân hai nước, đẩy mạnh lượng khách du lịch từ hai nước.

- Tiếp tục trao đổi về vấn đề di trú; tạo thuận lợi cho việc sinh sống, làm việc và học tập của công dân Việt Nam tại Nga và công dân Nga tại Việt Nam.


 

Tổng thống Nga Vladimir Putin đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: TTXVN)
Tổng thống Nga Vladimir Putin đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: TTXVN)


7. Việt Nam và Nga ủng hộ xây dựng hệ thống quan hệ quốc tế dân chủ, công bằng hơn trên cơ sở thượng tôn luật pháp quốc tế và các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, bao gồm bình đẳng về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng và quyền tự quyết dân tộc, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình tranh chấp. Hai bên không ủng hộ các biện pháp áp đặt và cấm vận kinh tế đơn phương mà không thông qua Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và vi phạm luật pháp quốc tế.

Hai bên cho rằng an ninh quốc tế là không thể chia tách và mang tính toàn diện, xuất phát từ việc không thể bảo đảm an ninh của quốc gia này bằng cách phương hại đến an ninh của quốc gia khác, bao gồm việc mở rộng hoặc thiết lập mới các liên minh quân sự-chính trị kín; coi việc củng cố tin cậy chiến lược là yếu tố quan trọng trong bảo đảm hòa bình, ổn định và hợp tác tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.

Hai nước khẳng định sẵn sàng thúc đẩy các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống như khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, xung đột vũ trang, tranh chấp lãnh thổ, can thiệp lật đổ, sản xuất và tiêu thụ bất hợp pháp ma túy, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, sẽ cùng nhau nỗ lực bảo đảm an ninh thông tin, lương thực và nguồn nước, cũng như nhằm triển khai hiệu quả Chương trình nghị sự 2030 vì Phát triển bền vững;

Việt Nam và Nga tiếp tục đẩy mạnh hợp tác đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế và việc tài trợ chủ nghĩa khủng bố quốc tế với vai trò trung tâm và điều phối của Liên hợp quốc trên cơ sở tuân thủ nghiêm các chuẩn mực và nguyên tắc của luật pháp quốc tế, cũng như củng cố vai trò chủ đạo của nhà nước và các cơ quan chức năng trong việc ngăn ngừa và đối phó với chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan.

Hai bên sẵn sàng tích cực hợp tác nhằm củng cố hệ thống quốc tế về kiểm soát chất ma túy trên cơ sở các Công ước liên quan của Liên hợp quốc.

Việt Nam và Nga ủng hộ chủ nghĩa đa phương trong quan hệ quốc tế và củng cố vai trò điều phối trung tâm của Liên hợp quốc trong việc bảo đảm hòa bình, an ninh và phát triển bền vững, ủng hộ nâng cao hiệu quả hoạt động, dân chủ hóa và cải tổ Liên hợp quốc.

Trên cơ sở gần gũi và tương đồng lập trường về nhiều vấn đề toàn cầu và khu vực, hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ tại Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế đa phương khác vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung, ủng hộ lẫn nhau ứng cử vào các tổ chức quốc tế và các cơ quan chấp hành của các tổ chức đó.

Hai bên tiếp tục hợp tác bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, phù hợp với pháp luật của mỗi quốc gia, cũng như phối hợp chặt chẽ nhằm ngăn chặn việc lợi dụng vấn đề quyền con người để can thiệp vào công việc nội bộ của mỗi quốc gia.

Việt Nam và Nga ủng hộ nỗ lực quốc tế nhằm kiểm soát vũ khí, giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí, bao gồm tiến tới mục tiêu xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân và các vũ khí hủy diệt hàng loạt, ủng hộ tiếp tục tham vấn giữa năm cường quốc hạt nhân với các nước thành viên Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân nhằm giải quyết những vướng mắc và tiến tới ký kết Nghị định thư kèm theo Hiệp ước.

Hai bên khẳng định cần tiếp tục thảo luận về vấn đề an ninh thông tin quốc tế trong khuôn khổ chung dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc nhằm xây dựng quy chế pháp lý quốc tế về quản lý không gian thông tin với mục đích ngăn chặn xung đột, quân sự hóa, cũng như bảo đảm sử dụng công nghệ thông tin truyền thông vào mục đích hòa bình.

Việt Nam và Nga ủng hộ Liên hợp quốc bảo trợ sớm xây dựng Công ước toàn diện về ngăn chặn sử dụng công nghệ thông tin truyền thông vào mục đích tội phạm và củng cố hơn nữa hợp tác quốc tế trên lĩnh vực này.

Hai bên khẳng định cần phối hợp hành động trên lĩnh vực sử dụng an toàn công nghệ thông tin truyền thông trong khuôn khổ các cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc, bao gồm Liên minh Viễn thông quốc tế.

Hai nước cam kết duy trì và thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương dựa trên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); tăng cường phối hợp trong WTO và thúc đẩy cải cách WTO nhằm bảo đảm lợi ích của tất cả các nền kinh tế, bao gồm các thành viên đang phát triển.

Việt Nam và Nga khẳng định tính phổ quát và thống nhất của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, là khuôn khổ pháp lý cho tất cả các hoạt động trên biển và đại dương và có vai trò nền tảng cho hợp tác của các quốc gia, khu vực và quốc tế, nhấn mạnh cần duy trì tính toàn vẹn của Công ước.

Hai bên cho rằng cần tăng cường các nỗ lực chung của khu vực nhằm xây dựng tại châu Á-Thái Bình Dương cấu trúc an ninh và hợp tác bình đẳng và không chia tách, mang tính toàn diện, mở và minh bạch, dựa trên nguyên tắc tập thể, không liên minh, trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm các nguyên tắc không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình xung đột, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Các bên phản đối việc chia rẽ quan hệ hợp tác giữa các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, tác động tiêu cực đến việc mở rộng và tăng cường đối thoại chung của khu vực.

Việt Nam và Nga sẽ phối hợp bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không và các hoạt động thương mại không bị cản trở, ủng hộ kiềm chế, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực và giải quyết các tranh chấp giữa các bên liên quan bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với các nguyên tắc và chuẩn mực chung của luật pháp quốc tế, bao gồm những nguyên tắc trong Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như theo các tiêu chuẩn và thực tiễn được khuyến nghị của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO).

Việt Nam và Nga ủng hộ việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông năm 2002 và hoan nghênh các nỗ lực sớm thông qua Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông.

Hai bên ủng hộ việc củng cố vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong quan hệ giữa các quốc gia tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương thông qua đề cao giá trị và nguyên tắc của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), tham gia đầy đủ các cơ chế hợp tác do ASEAN dẫn dắt như Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+); tiếp tục ủng hộ các sáng kiến của nhau trong khuôn khổ các cơ chế trên, nghiên cứu các lĩnh vực hợp tác có thể triển khai trong khuôn khổ Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AIOP) phù hợp với Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao Nga-ASEAN lần thứ 4 về xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định và bền vững được thông qua ngày 28 tháng 10 năm 2021.

Hai nước nhấn mạnh tầm quan trọng tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh thông tin quốc tế trong quan hệ Nga-ASEAN, cũng như trong khuôn khổ Đối thoại Nga-ASEAN về bảo đảm an ninh thông tin truyền thông.

Hai bên ủng hộ thúc đẩy cơ chế Đối thoại quan chức cấp cao phụ trách vấn đề an ninh giữa Nga và ASEAN.

Việt Nam và Nga tiếp tục tăng cường, làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược giữa ASEAN và Nga trên tinh thần Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao Nga-ASEAN lần thứ 3 về Đối tác chiến lược thông qua ngày 14/11/2018; đẩy mạnh hợp tác hiệu quả trên cơ sở Kế hoạch hành động toàn diện nhằm triển khai quan hệ Đối tác chiến lược Nga-ASEAN giai đoạn 2021-2025.

Hai bên ủng hộ tăng cường liên kết kinh tế khu vực và triển khai các sáng kiến kết nối liên khu vực, bao gồm dự án Đối tác Đại Á-Âu, tăng cường hợp tác kinh tế giữa ASEAN với Liên minh Kinh tế Á-Âu. Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga tiếp tục thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN với các tổ chức khu vực mà Nga là thành viên như Liên minh Kinh tế Á-Âu, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.

Hai nước tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ các diễn đàn khu vực và liên khu vực, bao gồm Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, Diễn đàn hợp tác Á-Âu, Hội nghị về phối hợp hành động và các biện pháp củng cố lòng tin ở châu Á và các cơ chế nghị viện khu vực như Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN, Diễn đàn nghị viện châu Á-Thái Bình Dương, Đại hội đồng nghị viện Châu Á nhằm phát huy vai trò của các khuôn khổ hợp tác trên vì mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng ở châu Á-Thái Bình Dương.

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga tin tưởng rằng, việc triển khai hiệu quả những định hướng nêu trên về hợp tác song phương và hợp tác trên các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế sẽ góp phần đưa quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam- Nga đi vào chiều sâu và thực chất, đáp ứng lợi ích lâu dài của hai quốc gia, dân tộc, góp phần vào hòa bình, an ninh và phát triển bền vững tại khu vực và trên thế giới.

Theo TTXVN/Vietnam+

Có thể bạn quan tâm

Đức Cơ: Doanh nghiệp vận tải và cơ sở thu mua ký kết đảm bảo an toàn giao thông

Đức Cơ: Doanh nghiệp vận tải và cơ sở thu mua ký kết đảm bảo an toàn giao thông

(GLO)- Công an huyện Đức Cơ vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tổ chức hội nghị tuyên truyền, ký cam kết chấp hành các quy định về pháp luật trật tự an toàn giao thông đối với các chủ doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải, cơ sở thu mua nông sản trên địa bàn.

Quang cảnh hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng năm 2024 huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: 19/20 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt kế hoạch năm 2024

(GLO)- Sáng 6-12, UBND huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) tổ chức hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Nguyễn Ngọc Ngô chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu trụ sở Tỉnh ủy. Ảnh: Đăng Vũ

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đại hội Đảng các cấp

(GLO)- Đó là chỉ đạo của đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại hội nghị giao ban trực tuyến các cơ quan khối Đảng tỉnh và các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy diễn ra vào chiều 4-12.

Đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng-chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VĨNH HOÀNG

Không để lọt vào cấp ủy những trường hợp tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

(GLO)- Đó là chỉ đạo của đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng-chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực tỉnh Gia Lai tại hội nghị tổng kết công tác PCTN, tiêu cực năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 diễn ra chiều 2-12.

Cán bộ cấp cơ sở của huyện Ia Grai nghe quán triệt Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Ảnh: T.N

Ia Grai chuẩn bị đại hội Đảng các cấp gắn với xây dựng hệ thống chính trị

(GLO)- Huyện ủy Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đang tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14-6-2024 của Bộ Chính trị về đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng đảm bảo theo các chỉ đạo, quy định và hướng dẫn của cấp trên.