(GLO)- Xung kích, sáng tạo trong cuộc vận động “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” theo hướng rõ việc, rõ mô hình, tuổi trẻ ở nhiều địa phương trong tỉnh đã có những cách làm hay tham gia xây dựng nông thôn mới.
Rõ việc, rõ mô hình
Phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” do Ban Thường vụ Tỉnh đoàn phát động đã khơi trúng thế mạnh của thanh niên nhiều vùng nông thôn. Cách đây cả thập kỷ, hầu như ở khắp các huyện, thanh niên đã có những mô hình làm thuê theo mùa vụ, mượn đất trồng cà phê, mía, mì… lấy tiền gây quỹ. Nhiều chi đoàn thôn, làng đã tích lũy hàng trăm triệu đồng từ những mô hình này. Từ việc sử dụng nguồn quỹ để mua các thiết chế sinh hoạt đoàn, nhiều nơi thanh niên đã sử dụng hiệu quả nguồn tiền này vào những công trình mang đậm dấu ấn thanh niên, giúp ích cho cộng đồng. Thanh niên làng Đơk Rơng (xã Glar, huyện Đak Đoa) đã làm 4 km đường nhựa từ tiền gây quỹ từ 1 ha cà phê và hàng trăm ngày công lao động. Tuổi trẻ TP. Pleiku cũng ghi dấu ấn trên đoạn đường giao thông nông thôn dài 600 mét tại làng B-xã Gào với trên 300 ngày công và kinh phí hơn nửa tỷ đồng.
Thanh niên làng Kon Lanh 2 làm cầu dây bắc qua suối Păk. Ảnh: H.N |
Ở một huyện xa xôi, khó khăn như Kbang, tuổi trẻ huyện này đã có nhiều công trình được đánh giá cao về tính hiệu quả và ý nghĩa thực tiễn với đời sống người dân nông thôn. Thanh niên trong huyện đã chung sức làm 3 cây cầu dây bắc qua sông La Bà giúp người dân hai làng Tung và Guk (xã Krong) thuận tiện trong việc đi lại. Đặc biệt là hai cây cầu dân sinh tại làng Kon Lăch 2 và Kon Bông (xã Đak Rong) được thực hiện từ hàng ngàn ngày công thanh niên. Bên cạnh đó, thanh niên nhiều làng đã tiến hành khai hoang ruộng đồng giúp dân vừa có thêm đất sản xuất, đào kênh mương, làm đập tràn ở xã xa và khó khăn nhất huyện, xã Kon Pne… Bí thư huyện đoàn Bùi Tiến Phương khẳng định: “Tuổi trẻ Kbang sẽ chung tay hiện thực hóa công cuộc xây dựng nông thôn mới bằng việc làm thiết thực, phù hợp với đặc thù địa phương, không phát động chung chung, làm tới đâu chắc tới đó”.
Xây dựng nông thôn mới nhưng vẫn giữ được bản sắc, nét đặc trưng của nông thôn Tây Nguyên là cách làm mà tuổi trẻ ở huyện nghèo Kông Chro hướng đến. Không có thế mạnh về kinh tế, nhưng ở vùng đất giàu trầm tích này, những thủ lĩnh thanh niên biết cách kết nối nhiều bạn trẻ để tạo nên dấu ấn riêng. Sẽ không thể đếm xuể số lượng những ngôi nhà rông ở vùng này được dựng nên từ công sức thanh niên: nhà rông làng Tnùng 1, 2 (xã Ya Ma), nhà rông làng Blô, Brò (xã An Trung); nhà rông làng H’le Ktu của thị trấn và vô số những làng khác. Không chỉ có thế, thanh niên nhiều làng dù đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng nhiều năm nay vẫn tham gia tích cực vào hoạt động gây quỹ đoàn để mua cồng chiêng. Kông Chro cũng là một trong những huyện duy trì nhiều đội chiêng thanh-thiếu niên nhất tỉnh.
Bạn đồng hành
Bí thư Tỉnh đoàn Võ Anh Tuấn đánh giá: “Qua 2 năm phát động phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, nhiều công trình, phần việc của thanh niên các địa phương đã làm được rất đáng ghi nhận. Với đặc thù như tỉnh ta, các hoạt động làm đường giao thông nông thôn, làm hàng trăm “nhà nhân ái”, nhiều mô hình làm kinh tế trong thanh niên, từ cá nhân đến hình thức trang trại, tập thể… là những hoạt động có ý nghĩa thực tiễn để tuổi trẻ cùng với chính quyền các cấp thực hiện thành công chủ trương lớn của Nhà nước”. |
Đồng hành với đoàn viên thanh niên toàn tỉnh trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới, Đoàn các cấp có nhiều hoạt động hỗ trợ, trong đó hỗ trợ thanh niên nông thôn phát triển kinh tế là nội dung được xem trọng. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã ký kết chương trình phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh về việc phát huy vai trò của thanh niên tham gia xây dựng và phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2012-2017. Hoạt động này nếu phát huy tốt sẽ giúp thanh niên xây dựng và phát triển các mô hình liên kết phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế địa phương như hợp tác xã thanh niên, trang trại trẻ. Đoàn các cấp đã phối hợp với Phòng nông nghiệp và PTNT tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông-lâm nghiệp, mở rộng các mô hình kinh tế trong thanh niên như: câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế giỏi. Đây là môi trường thuận lợi để thanh niên có cơ hội trao đổi, chia sẻ, giúp nhau làm kinh tế.
Một trong những hoạt động giúp ích thanh niên nông thôn một cách thiết thực là chương trình phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội đưa nguồn vốn đến tay những người cần tiền để khởi nghiệp. Gần 200 tỷ đồng nguồn vốn vay do thanh niên quản lý đã giúp nhiều bạn trẻ vươn lên làm giàu, trong đó có những người trở thành chủ trang trại thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng. Song song với các chương trình hỗ trợ thanh niên, Tỉnh đoàn sẽ tổ chức hoạt động tôn vinh các điển hình thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi, đây là gương người thật, việc thật ở vùng nông thôn có tác dụng thúc đẩy phong trào thanh niên làm kinh tế ở nông thôn phát triển.
Nguyên Bình