(GLO)- 14 giờ chiều 27-12, nối tiếp Kon Tum, chương trình tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp năm 2015 do Báo Tuổi trẻ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn Gia Lai đã đến với đông đảo học sinh và phụ huynh TP. Pleiku và các huyện lân cận: Đak Đoa, Chư Pah, Ia Grai... Những thông tin bổ ích về kỳ thi dự kiến sẽ có nhiều đổi mới đã phần nào giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của các em học sinh trước giai đoạn chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng sắp tới.
Lúng túng thông tin về kỳ thi chung
Chương trình tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp năm 2015 tại Gia Lai. Ảnh: Lê Hòa |
Mở đầu buổi tư vấn, PGS. TS Trần Văn Nghĩa-Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục-Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp những thông tin cơ bản nhất về hình thức và các quy định cụ thể cũng như những thay đổi trong kỳ thi chung sắp tới sẽ được triển khai: Môn thi, địa điểm thi, đăng ký hồ sơ, thủ tục...
Năm nay, với sự đổi mới trong việc áp dụng một kỳ thi chung được gộp từ hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ nên đa phần học sinh đều khá lúng túng và lo lắng. Điểm mấu chốt và quan tâm hàng đầu của các em chính là đề thi năm nay sẽ được bố cục và nội dung cụ thể các phần sẽ như thế nào để áp dụng cho cả hai nội dung vốn lâu nay được phân tách độc lập. “Em muốn biết cấu trúc đề và nội dung đề thi sẽ như thế nào?”- một học sinh gửi câu hỏi nhờ Ban tư vấn giải đáp.
Đa số đều băn khoăn và lúng túng trước kỳ thi “2 trong 1” sắp tới. Ảnh: Lê Hòa |
Thạc sỹ Nam Nhật Minh-Phó Trưởng phòng Quản lý thi, tuyển sinh và công nhận văn bằng-Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục-Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết: Nội dung đề thi sẽ nằm trong chương trình trọng tâm và chủ yếu rơi vào phần kiến thức lớp 12 và để đạt được cả hai mục tiêu thì đề sẽ có phần kiến thức cơ bản để cho thí sinh đạt điểm xét tốt nghiệp, đồng thời sẽ có phần phân hóa để các trường xét tuyển sinh đầu vào. Nhìn chung, cấu trúc sẽ tương tự kỳ thi Tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ.
Một số em thắc mắc đến hình thức tính điểm, thang điểm áp dụng sẽ là 10 hay 20? cách thức tính điểm cụ thể để xét tốt nghiệp? Ngoài ra, các câu hỏi được các em gửi tới tổ tư vấn tập trung xoay quanh cách thức nộp đăng ký xét nguyện vọng, thông tin về một số trường tổ chức tuyển sinh riêng theo đề án, điểm chuẩn của một số ngành như: dược, công an, quân đội; việc xét tuyển thẳng...
Học sinh đặt câu hỏi nhờ tổ tư vấn giải đáp, hỗ trợ. Ảnh: Lê Hòa |
Em Hồ Thanh Trọng, học sinh lớp 12-Trường THPT Chuyên Hùng Vương, đặt câu hỏi: “Năm nay sẽ có 4 giấy để xét nguyện vọng, vậy các bước xét này sẽ diễn ra như thế nào? Em có thể gửi xét tuyển cho 4 trường khác nhau hay chỉ duy nhất 1 trường?”. PGS.TS Nguyễn Đức Nghĩa cung cấp cho các em như sau: “Trong 20 ngày đầu tiên công bố xét tuyển nguyện vọng 1, các em sẽ cân đối trường dự tuyển và đăng ký theo tờ nguyện vọng 1; các tờ nguyện vọng 2, 3 và 4 sẽ bị vô hiệu hóa.
Trong 20 ngày đó, các em hoàn toàn có thể theo dõi thông tin các “ứng cử viên” khác được nhà trường công bố công khai và thí sinh có quyền giữ lại hay rút hồ sơ xét tuyển qua trường khác nếu có nhu cầu. Sau khi hết thời gian làm nguyện vọng 1 thì các trường tiếp tục nguyện vọng 2, 3 và 4. Quá trình xét tuyển cũng sẽ diễn ra tương tự như nguyện vọng 1...
Rất đông học sinh đến tham dự buổi tư vấn tuyển sinh năm nay. Ảnh: Minh Triều |
Nhiều em thắc mắc về việc thực hiện tuyển sinh và tiêu chuẩn xét tuyển thẳng vào các trường. Một số trường có điểm đầu vào cao trước đây như ĐH Y-Dược thì năm nay thì điểm xét dự kiến sẽ thế nào? các thí sinh bằng điểm nhau nhà trường sẽ căn cứ tiêu chí nào để lựa chọn? và ngoài căn cứ trên kết quả kỳ thi, các trường “top” trên liệu có tổ chức thi thêm môn nào nữa hay không?
Các thành viên tổ tư vấn đã hỗ trợ cho các em về hình thức xét điểm thi môn chính của ngành học (ví dụ như Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, ngành Dược sẽ căn cứ điểm môn Hóa học, các ngành khác căn cứ dựa trên môn Sinh học), tiếp theo đó có thể căn cứ trên học lực trên học bạ... Chính sách tuyển thẳng sẽ phụ thuộc vào tùy từng trường và hầu hết đều được công bố trên website của trường đó. Với các trường, kể cả trường “top” trên cũng sẽ không tổ chức các môn thi thêm trừ các trường năng khiếu bắt buộc phải tổ chức thi kiểm tra năng khiếu của thí sinh trong xét tuyền đầu vào...
“Ra trường em sẽ làm gì?”
Chương trình đã hỗ trợ cho các em nhiều thông tin hữu ích về kỳ thi sắp tới. Ảnh: Minh Triều |
Nhiều em đã bày tỏ mối băn khoăn trước cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường. “Em quan tâm ngành Marketing, nhưng liệu sau 4 năm học ĐH, khi em ra trường ngành này có còn “hot”?”. “Kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn, tại sao em không nghĩ tới giai đoạn nó sẽ phục hồi và mở rộng cơ hội nghề nghiệp với các bạn đam mê kinh tế?-đại diện trường thuộc nhóm ngành Quản trị kinh doanh-marketing-Kế toán-Quản trị kinh doanh đưa ra câu trả lời.
Nhiều thí sinh thể hiện mối quan tâm tương tự đối với nhóm ngành nghề khác: “Em đang quan tâm tới ngành Quản lý đất đai, vậy em có thể đăng ký vào những trường nào và ra trường có thể nộp đơn xin việc ở đâu?”, “Em thích học sư phạm mầm non hoặc tiểu học nhưng hiện nay em thấy giáo viên xin việc rất khó?”... Trả lời những câu hỏi này, đại diện thành viên tổ tư vấn nhấn mạnh tới việc các em hãy nên chọn ngành nghề phù hợp với khả năng bản thân. Vì sau này khi ra trường, nếu không yêu thích và đam mê, các em sẽ khó làm tốt được công việc cũng như tâm huyết và gắn bó lâu dài với nó.
Bên cạnh hỗ trợ cho thí sinh các thông tin liên quan đến cơ hội việc làm của các ngành nghề sau khi ra trường, tổ tư vấn còn đặc biệt nhấn mạnh tới việc các em cần đánh giá đúng mức khả năng của mình để lựa chọn trường dự tuyển cho phù hợp.
“Tôi đánh giá cao tinh thần của các em khi lựa chọn các ngành như: Công an, quân đội, đặc biệt là các bạn nữ. Tuy nhiên, các em phải cân nhắc thật kỹ lưỡng bởi thông thường, các trường này chỉ dành khoảng 10% tổng chỉ tiêu cho học viên nữ và cánh cổng vào sẽ rất áp lực cho các em. Mức điểm chuẩn dành cho nữ theo như tôi được biết hầu như chưa bao giờ dưới 24 điểm cho 3 môn trong các kỳ thi tuyển sinh trước đây”-TS. Phạm Tấn Hạ-Trưởng Phòng Đào tạo-Trường ĐH Khoa học-Xã hội và Nhân văn, tư vấn.
Lê Hòa-Minh Triều