(GLO)- Thời gian qua, trên địa bàn xã Ia Sao (thị xã Ayun Pa) xảy ra nhiều vụ tự tử trong cộng đồng người Jrai bởi những mâu thuẫn gia đình nhỏ nhặt. Những vụ tự tử này đã để lại nỗi đau rất lớn cho các gia đình và xã hội.
Đôi mắt đượm buồn, anh Ksor Krao-Trưởng thôn H’Liếp (xã Ia Sao) kể cho chúng tôi về 2 vụ tự tử gần đây nhất mà nạn nhân đều là người thân của anh. Tháng 1-2017, trong một lần uống rượu say, chỉ vì bị vợ la rầy, em trai anh Krao là Ksor Cháo (SN 1991) đã uống thuốc cỏ tự tử. Cái chết của anh để lại nỗi đau khôn nguôi cho người vợ trẻ và đứa con nhỏ mới vừa 5 tuổi. Đến nay, chị Nay H’Ngin (vợ anh Cháo) vẫn chưa nguôi ngoai nỗi đau mất chồng và luôn tự trách bản thân vì đã khiến chồng cùng quẫn mà tự tử. Mất đi người đàn ông trụ cột, kinh tế gia đình chị H’Ngin sa sút thấy rõ. Ruộng rẫy ít, mọi chi tiêu trong gia đình chủ yếu trông vào những đồng tiền làm thuê ít ỏi nên 2 mẹ con chị sống bữa no bữa đói.
Cái chết của anh Ksor Cháo để lại nỗi buồn khôn nguôi cho gia đình. Ảnh: B.H |
Cách đây hơn 2 tháng, đến lượt ông Ksor Hbanh (SN 1964, là bố vợ anh Krao) tự tử. Kể về cái chết của chồng, bà Nay Tem (vợ ông Hbanh) vẫn chưa hết bàng hoàng. Cũng vì chồng ham uống rượu, bỏ bê nương rẫy mấy ngày liền, lo cho sức khỏe của chồng, bà chỉ nói vài câu, vậy mà ông tự ái uống thuốc cỏ tự tử ngay trước mắt bà. Gia đình đã đưa ông Hbanh đi cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Anh Ksor Krao cho biết: “Trong năm 2017, riêng thôn H’Liếp đã xảy ra 2 trường hợp tự tử vì mâu thuẫn nhỏ trong gia đình. Hệ thống chính trị của thôn cũng như các cấp chính quyền xã Ia Sao đã tuyên truyền cho dân hiểu không nên vì những mâu thuẫn nhỏ mà tự tử, gây đau khổ cho gia đình và mất mát cho xã hội.”
Theo thống kê, trong năm 2016 và 2017, trên địa bàn xã Ia Sao đã xảy ra 8 vụ tự tử bằng thuốc trừ sâu. Các vụ tự tử này đều xuất phát từ những mâu thuẫn vụn vặt như vợ chồng to tiếng, bị người lớn la mắng hay nghèo đói, túng quẫn… Cách giải quyết đầy tiêu cực ấy đã để lại gánh nặng không gì bù đắp cho người thân bởi sự mất mát và những lời dị nghị của xóm làng. Đáng chú ý là tình trạng người dân tộc thiểu số tự tử trên địa bàn thị xã Ayun Pa diễn ra suốt nhiều năm qua nhưng dường như chưa tìm ra được giải pháp nào hữu hiệu để ngăn chặn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vấn nạn tự tử bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa là do đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn, trình độ dân trí thấp, còn tồn tại nhiều tập tục lạc hậu. Trước vấn nạn này, nhiều thôn làng trên địa bàn thị xã đã tuyên truyền để làm thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, các ban, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền tại các “điểm nóng” thường xuyên xảy ra tự tử. Công tác này đã phần nào giúp bà con nâng cao nhận thức, thực hiện nếp sống văn minh, biết yêu quý sự sống.
Tuy nhiên, ngoài tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về các vấn đề xã hội, trách nhiệm với gia đình, con cái hay hậu quả do vấn nạn tự tử gây ra… thiết nghĩ, các cấp chính quyền địa phương cần quan tâm nâng cao đời sống kinh tế cho bà con thông qua các chính sách hỗ trợ; thắt chặt mối đại đoàn kết toàn dân tộc thông qua công tác kết nghĩa, giao lưu giữa các buôn làng. Có như vậy, may ra vấn nạn tự tử mới có khả năng được ngăn chặn hiệu quả.
Bích Hương