Truyện ngắn: Chân trần tái ngộ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Từ miền Tây xa xôi anh 'ngựa phi đường xa' bằng xế hộp có tài xế áo bỏ trong thùng đưa đón ghé thăm tôi. Gần bảy chục, tướng tá anh phong thái và ngon cơm hơn tôi nhiều nhiều lần.

Minh họa: KIM DUẨN
Minh họa: KIM DUẨN


Cao ráo, ria mép và râu quai nón vòng từ mang tai qua mang tai mảnh như chiếc đũa con. Cha mẹ ơi... già mà đẹp vầy, tôi e thời trẻ bạn già này ra đường nếu không bịt mặt, đàn bà con gái xứ ta mười người đắm đuối anh đúng một chục.

Tôi có viết văn có in sách. Anh nói:

- Chú mày... thông cảm nghe, chú mày sinh một chín năm sáu, tao năm hai vậy tao hơn chú mày bốn tuổi. Sách có câu "nhứt tuế như huynh tam tuế như thúc", hơn một tuổi là anh, hơn ba tuổi là chú. Tao gọi chú xưng anh là phải rồi... đúng hem?

- Dạ... anh.

- Toàn bộ sách của chú mày sáng tác tao thiếu hai cuốn nên đến tận đây mua và xin chữ ký về làm kỷ niệm.

Nói rồi anh biểu tài xế mở cốp xe mang vô, nào gạo nào khô, đặc sản các cái. Thêm một can mười lít đế Gò Đen danh trấn giang hồ. Gò Đen hàng đặt đó nghe - anh bảo vậy. Vậy rồi chén khách chén chủ. Anh nói với tài xế:

- Mày ngồi chung luôn. Tối nay ngủ lại một đêm chơi với "nhà dzăn". Chừng nào xỉn thì kêu taxi đi khách sạn.

Văn chương nghệ thuật cùng tác giả tác phẩm thao thao tuôn ra từ ba cái mỏ làng. Anh đọc nhiều. Các tác giả từ Tây sang Đông từ Âu sang Á. Văn học cổ điển và hiện đại anh nói tôi nghe không dám xen một câu. Lại sành thi ca mới là ác chiến. Thích thật. Tầm cỡ này mà đi xế hộp, hạ mình, thăm viếng thì sướng luôn chứ thích là chuyện nhỏ. Hết văn chương lại tâm sự đời tôi:

- Bà mẹ nó... sau rút lui chiến thuật, tức là chạy làng, tao đang ở Huế. Đúng là "mất nhà lũ chó lăng xăng chạy, mất tổ đàn chim dáo dác bay" mày ơi. Tao cởi đồ trận vô nhà dân xin đồ xivin. Súng ống đồ trận mũ nồi đỏ đen xanh nâu vứt đầy đường. Ê... mày biết không... tao là vua đi bộ đó nghe.

Có rượu nên tôi cũng rổn rảng:

- Anh đi bộ sao qua thằng này.

- Ừ há... tao quên mày là dân "ngậm diêm mễ tìm trầm".

- Tìm trầm thì nghĩa địa gì. Đi "địu" mệt thì nghỉ. Xét cần ngồi chơi đấu láo cả buổi cũng không sao. Đi tìm may mắn không vội được. Tự do. Còn đi mà được quy định bởi thời gian mới là ác đạn.

- Là sao?

- Thì có giai đoạn gia đình rơi từ đỉnh cao xuống vực sâu. Ăn sạch bách dăm ba đồng bạc lẻ, tôi phải kiếm sống bằng nghề tiều phu. Tự chặt củi, tự đem về bán cho lò than bằng cách thuê cộ bánh hơi.

Cộ bánh hơi là một cái thùng được đóng bằng gỗ, dưới thùng có nhíp có trục để gắn hai bánh xe tải, đằng trước là hai cái càng. Tài xế nắm càng khoác sợi dây lên vai, phía sau là ba bốn năm anh chị em đẩy. Trên cộ là củi để bán cho lò than.

Lúc ấy tôi ở thị trấn Phú Thạnh và đi lấy củi trên đỉnh đèo Cù Mông. Từ thị trấn lên đỉnh đèo là chục cây số. Hết đèo còn phải trèo lên đỉnh núi mới có củi. Bốn giờ sáng là cơm nắm trong mo cau cùng búa rựa lên đường.

Đi bộ sao cho đến đỉnh đèo là rạng sáng. Giải lao mười lăm phút lại thêm nửa tiếng để... trèo lên, dô ta, ta hãy trèo lên... chỗ có củi. Cơm nước xong là vung búa vung rựa nhại thơ Phan Chu Trinh rằng: Làm trai đứng trên đỉnh Cù Mông. Vùng vẫy cho ra củi đốt than. Vung rựa chặt bay dăm bảy khúc...

Ngừng lấy hơi, nhấp ngụm rượu, tôi kể tiếp:

- Hôm ấy vung tay hạ một cây kơnia, rựa của tôi bị gãy đôi. Vậy là cả bọn kéo nhau lội bộ về. Anh biết không... trưa nắng chang chang, nóng và bén như thủy tinh. May mà đã được trui rèn nên cái gọi là tia cực tím chỉ đủ để trí tôi đen như heo mọi chứ chả mùi mẻ chi. Đang lê lết thì...

- Sao nữa... chú mày rê ra quá.

- Đi ngược với bọn tôi là một anh trai cũng đen như củ súng. Nhìn qua biết ngay lính bại trận đang trên đường về quê. Thấy anh đi chân trần tôi thương cảm quá nên băng qua...

Tôi hỏi:

- Sao chân trần vậy anh?

- Từ Huế vào, dép bị đứt nên vậy bồ ơi.

- Lết bộ mấy ngày rồi?

- Hai tuần rồi mới vô được tới đây. Về tận Vĩnh Long chắc trên hai tuần nữa.

Tôi thả đôi dép trong chân mình:

- Anh mang đôi này mà về... tôi cũng như anh chả có gì để giúp. Mong anh về đến nhà bình an.

Nghe đến đây độc giả ái mộ, gần bảy mươi đẹp và ngon cơm hơn tôi xa lắc, chồm qua bàn ôm vai tôi mà rằng:

- Bà mẹ ơi... nhà dzăn ơi... tao là cái thằng mày cho đôi dép nè... Cái chi tiết cho dép này mày chưa viết nên tao không biết, chứ biết là tao tìm mày từ khuya rồi...

 

Theo NGUYỄN TRÍ (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.