Truy xuất nguồn gốc sản phẩm: Yêu cầu tất yếu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm sẽ giúp cho người tiêu dùng hiểu rõ và tìm kiếm được toàn bộ mọi dữ liệu của sản phẩm từ quá trình sản xuất cho đến lúc cung ứng ra thị trường. Hiện tại đây chưa phải là quy định bắt buộc, nhưng trước yêu cầu về sự minh bạch, công khai thông tin, nhất là đối với mặt hàng thực phẩm thì nhu cầu truy xuất sẽ ngày càng lớn...

Xu hướng công khai, minh bạch về thông tin đang được các nước áp dụng, thông qua hình thức quét mã số, mã vạch. TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng vừa áp dụng việc truy xuất nguồn gốc thịt heo, nông sản thực phẩm an toàn qua quét mã vạch ở phần mềm được cài đặt trên điện thoại thông minh. Phần mềm này sẽ có chức năng quét mã QR code để xem thông tin sản phẩm. Mã QR code phải chứa đầy đủ thông tin của cơ sở sản xuất, cơ sở phân phối cho đến thông tin chi tiết sản phẩm và ảnh đính kèm, các giấy tờ chứng nhận liên quan.

 

Rau an toàn tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku rất được khách hàng ưa chuộng. Ảnh: T.N
Rau an toàn tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku rất được khách hàng ưa chuộng. Ảnh: T.N

Người tiêu dùng có thể phản hồi những nội dung trong trường hợp sản phẩm không đúng với thông tin cung cấp. Phản hồi từ người tiêu dùng sẽ được tương thích và gửi đồng thời đến nhà quản lý và doanh nghiệp với nội dung tương tự nhau. Nhà quản lý khi sử dụng thì giao diện sẽ hiển thị được tên đơn vị quản lý; logo; xem và tìm kiếm được các thông tin về doanh nghiệp và sản phẩm trong hệ thống; quản lý được tất cả các thông báo và báo cáo từ người tiêu dùng. Còn doanh nghiệp sẽ cập nhật, quản lý các cơ sở đủ điều kiện an toàn và cơ sở phân phối đang hợp tác.

“Tôi thấy việc làm này rất hay, giúp người tiêu dùng kiểm tra thông tin sản phẩm một cách nhanh chóng khi có nhu cầu tìm kiếm. Với doanh nghiệp, ngay cả khi sản phẩm đã có chỗ đứng hay mới bắt đầu xây dựng thương hiệu, việc truy xuất nguồn gốc sẽ giúp minh bạch thông tin và đó chính là cách để xây dựng lòng tin với người tiêu dùng. Khi truy xuất, thông tin về sản phẩm sẽ hiển thị rất chi tiết từ thời gian trồng, quy trình sử dụng phân bón, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thời gian thu hoạch, kiểm định, đóng gói, bảo quản, hình ảnh được ghi lại do đặt camera ở các bộ phận sản xuất, thông tin các giấy tờ chứng nhận liên quan…”-ông Nguyễn Ngọc Hoàng-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú tỏ ra khá tâm đắc với ứng dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đồng thời hy vọng trong thời gian tới, Công ty ông sẽ hoàn thiện được khâu này.

Ông Hoàng cho biết, hiện sản phẩm rau củ an toàn của Công ty Hương Đất An Phú (thôn 6, xã An Phú, TP. Pleiku) đều thể hiện thông tin trên bao bì như: tên sản phẩm, địa chỉ sản xuất, số điện thoại, số tem chứng nhận VietGAP... Trên thực tế, có một số nơi sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, tuy nhiên còn có người tiêu dùng cho rằng vẫn có sự nhập nhèm giữa an toàn và không an toàn, do đó lòng tin của người tiêu dùng vào sản phẩm an toàn chưa cao.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có số ít sản phẩm được công nhận gồm rau an toàn Hương Đất An Phú, gia cầm Giai Lợi, chè Bàu Cạn, cà phê Classic, cà phê Thu Hà, hồ tiêu Maseco, điều Olam, rau rừng VGAP… Theo ông Lê Huy Toàn-Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông-Lâm-Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai), xu hướng truy xuất nguồn gốc tại chỗ qua các thiết bị hiện đại là tất yếu. Trước yêu cầu đòi hỏi sự minh bạch thông tin đối với các sản phẩm thì việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm sẽ giúp cho người tiêu dùng chủ động thu thập đầy đủ về thông tin của sản phẩm ngay tại chỗ và tức thì, đồng thời giúp cho công tác quản lý chất lượng nông sản tốt hơn, góp phần loại bỏ những sản phẩm kém chất lượng lưu thông trên thị trường. “Nhưng trong điều kiện hiện nay tỉnh ta chưa có doanh nghiệp nào đăng ký áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc bằng mã số trên mỗi sản phẩm thông qua hệ thống hiện đại”-ông Toàn cho biết.

Là kênh bán lẻ lớn nhất trên địa bàn tỉnh, đến nay Siêu thị Co.op Mart Pleiku vẫn chưa có sản phẩm tươi sống của doanh nghiệp nào đăng ký để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc qua điện thoại. Ông Bùi Quốc Bình-Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku cho biết: Hiện nay, riêng mặt hàng rau củ, Siêu thị nhập từ 1 công ty ở Đà Lạt và Công ty Hương Đất An Phú, còn thịt gia cầm, gia súc lấy trên địa bàn... Tuy có những sản phẩm chưa được cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc gia nhưng đều có thể chứng minh nguồn gốc xuất xứ, chất lượng qua dấu kiểm định của ngành chức năng và dựa trên kết quả kiểm tra nhanh từ siêu thị.

Thảo Nguyên

Có thể bạn quan tâm

Mật ong Phương Di đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

Mật ong Phương Di đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

(GLO)- Ngày 17-1, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam ký Quyết định số 377/QĐ-BNN-VPĐP phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm cấp Quốc gia đợt III-2024.

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá mì gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực nhân rộng các giống mì sạch bệnh để thay thế các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá trên cây mì.