Truy tố 2 cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa vì hàng loạt sai phạm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Viện KSND tỉnh Khánh Hòa vừa có cáo trạng truy tố 7 bị can trong vụ án “vi phạm các quy định về quản lý đất đai” liên quan đến nhiều cựu lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Khánh Hòa qua các thời kỳ.
Theo đó, 7 bị can bị truy tố về tội danh trên có liên quan đến dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và biệt thự sông núi Vĩnh Trung, thuộc khu vực núi Chín Khúc, TP.Nha Trang.
7 bị can gồm: Ông Nguyễn Chiến Thắng, Lê Đức Vinh (là 2 cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa), Đào Công Thiên (cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh), Lê Mộng Điệp, Võ Tấn Thái (cùng là cựu Giám đốc Sở TN-MT), Lê Văn Dẽ (cựu Giám đốc Sở Xây dựng) và Trần Văn Hùng (cựu Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai thuộc Sở TN-MT).

Các bị can Nguyễn Chiến Thắng, Lê Đức Vinh, Lê Mộng Điệp và Lê Văn Dẽ (từ trái sang). Ảnh: H.L
Các bị can Nguyễn Chiến Thắng, Lê Đức Vinh, Lê Mộng Điệp và Lê Văn Dẽ (từ trái sang). Ảnh: H.L
Nhiều sai phạm trong việc giao đất
Theo cáo trạng, từ năm 2012-2015, Công ty TNHH sản xuất và xây dựng Khánh Hòa (Công ty Khánh Hòa) được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp phép làm chủ đầu tư để thực hiện dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và biệt thự sông núi Vĩnh Trung, trên núi Chín Khúc.
Dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự có nguồn gốc từ khu kinh tế trang trại Đất Lành, được chia thành hai khu. Trong đó, khu B là dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự với diện tích hơn 513 ha, do Công ty Khánh Hòa làm chủ đầu tư.
Năm 2012-2014, Công ty Khánh Hòa được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh, mở rộng khu B diện tích 513 ha để trồng rừng, bảo vệ rừng kết hợp du lịch tâm linh sinh thái. Năm 2015, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành quyết định chủ trương đầu tư, hình thành dự án khu biệt thự và du lịch sinh thái Đất Lành (khu B) với diện tích 513 ha vốn đầu tư 160 tỉ đồng.
Lúc này, mục tiêu dự án được điều chỉnh thành đầu tư xây dựng khu nhà ở để bán, hoặc để bán kết hợp với cho thuê, hoặc cho thuê mua; đồng thời trồng rừng, bảo vệ rừng và dịch vụ du lịch sinh thái, tâm linh; quy mô đất trồng rừng sản xuất hơn 107 ha; đất khoanh nuôi tái sinh rừng gần 380 ha; đất nông nghiệp khác 30 ha; đất ở lâu dài 0,75 ha; đất thương mại dịch vụ hơn 4,4 ha.
Còn dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung, ban đầu có tên là dự án trồng rừng cảnh quan môi trường và du lịch Vĩnh Trung. Sau đó đổi tên thành dự án khu biệt thự và du lịch sinh thái Vĩnh Trung (hiện tại là dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung), diện tích 19,65 ha.

Một góc núi Chín Khúc, TP.Nha Trang đang hình thành dự án sau khi cấp phép. Ảnh: H.L
Một góc núi Chín Khúc, TP.Nha Trang đang hình thành dự án sau khi cấp phép. Ảnh: H.L
Nguồn gốc diện tích đất lập dự án là của tư nhân, sau khi thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định, diện tích đất đã được chỉnh lý sang Công ty Khánh Hòa. Dự án trên với mục tiêu đầu tư ban đầu là trồng rừng cảnh quan môi trường và du lịch sinh thái Vĩnh Trung, sau đó điều chỉnh mục tiêu thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu biệt thự mới để ở kết hợp với du lịch sinh thái.
Viện KSND cáo buộc, trong công tác quản lý Nhà nước quá trình cho phép triển khai thực hiện 2 dự án trên, các bị can Nguyễn Chiến Thắng, Lê Đức Vinh, Đào Công Thiên, Lê Mộng Điệp, Võ Tấn Thái, Lê Văn Dẽ, và Trần Văn Hùng, đã có nhiều sai phạm trong việc giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đối với dự án Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự, ngày 3.4.2012, ông Nguyễn Chiến Thắng ký ban hành văn bản về chủ trương cho Công ty Khánh Hòa mở rộng dự án biệt thự và du lịch sinh thái trong Khu kinh tế trang trại Đất Lành. Lúc này dự án được tăng thêm 123,28 ha.

Chủ đầu tư thi công đường lên núi Chín Khúc. Ảnh: H.L
Chủ đầu tư thi công đường lên núi Chín Khúc. Ảnh: H.L
Đến ngày 9.7.2012, ông Trần Văn Hùng sau khi kiểm tra quy hoạch, xác định khu vực trên hiện trạng là đất rừng sản xuất, đất chưa sử dụng và tham mưu trình Lê Mộng Điệp ký văn bản đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa giao 123,28 ha đất cho Công ty Khánh Hòa. Trong đó, có đất rừng sản xuất 81 ha, đất khoanh nuôi phục hồi rừng sản xuất 32,53 ha, đất nông nghiệp khác 8,1 ha, đất cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp 1,74 ha. Cùng ngày, Nguyễn Chiến Thắng ký tiếp quyết định giao 123,28 ha đất có thu tiền sử dụng đất với thời hạn thuê 50 năm cho Công ty Khánh Hòa.
Cũng theo cáo trạng, ngày 23.6.2014, Công ty Khánh Hòa có văn bản đề nghị mở rộng dự án khu biệt thự và du lịch sinh thái Đất Lành (Khu B). Ba ngày sau, ông Nguyễn Chiến Thắng ký văn bản đồng ý cho mở rộng dự án lên 513,53 ha. Trong đó, giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với diện tích 137,331 ha và miễn tiền sử dụng đất khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ phục hồi môi trường rừng diện tích 372,68 ha.
Ngày 30.6.2014, Trần Văn Hùng trình Lê Mộng Điệp ký văn bản đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa giao 513,53 ha đất (tăng 390,25 ha so với diện tích ban đầu là 123,28 ha) có thu tiền sử dụng đất cho Công ty Khánh Hòa.
Cùng ngày, Nguyễn Chiến Thắng ký văn bản giao 513,53 ha đất có thu tiền sử dụng đất cho Công ty Khánh Hòa thực hiện dự án như nội dung tờ trình của Sở TN-MT. Đến ngày 19.9.2014, đã thực hiện việc giao đất trên thực địa với tổng diện tích 513,53 ha cho Công ty Khánh Hòa.
Cơ quan tố tụng xác định, bị can Nguyễn Chiến với vai trò là người đứng đầu UBND tỉnh đã thực hiện nhiều chỉ đạo xuyên suốt bằng văn bản trong quá trình thực hiện chủ trương đầu tư và triển khai dự án; đã trực tiếp ký các văn bản chỉ đạo về chủ trương và ký quyết định giao đất cho chủ đầu tư để thực hiện dự án khu biệt thự và du lịch sinh thái trong khu kinh tế trang trại Đất Lành – Khu B trái quy định của pháp luật.
Đối với dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung, ngày 22.6.2011, Công ty Khánh Hòa có văn bản xin chuyển mục đích sử dụng đất của dự án. Ba tháng sau, UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư với mục tiêu đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu biệt thự mới để ở kết hợp với du lịch sinh thái.

Cận cảnh núi Chín Khúc trong quá trình làm dự án. Ảnh: H.L
Cận cảnh núi Chín Khúc trong quá trình làm dự án. Ảnh: H.L
Ngày 8.6.2012, ông Lê Văn Dẽ đã có báo cáo kết quả thẩm định đồ án quy hoạch trình UBND tỉnh phê duyệt. Ngày 13.6.2012, ông Lê Đức Vinh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 của dự án khu biệt thự và du lịch sinh thái Vĩnh Trung, để phục vụ mục đích chuyển mục đích sử dụng đất cho Công ty Khánh Hòa thực hiện dự án.
Ngày 31.7.2012, Trần Văn Hùng tham mưu, ký nháy và trình cho Lê Mộng Điệp ký văn bản đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép Công ty Khánh Hòa chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án khu biệt thự và du lịch sinh thái Vĩnh Trung.
Đến ngày 15.8.2012, ông Lê Đức Vinh đã ký quyết định cho phép Công ty Khánh Hòa được chuyển mục đích sử dụng 196.194 m2 từ đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích đất ở và đất có mục đích công cộng để thực hiện dự án.
Vi phạm các quy định về quản lý đất đai
Cơ quan tố tụng cáo buộc, đối với dự án Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự, các bị can Nguyễn Chiến Thắng, Đào Công Thiên, Lê Mộng Điệp, Võ Tấn Thái, Trần Văn Hùng đã vi phạm các quy định về quản lý đất đai quy định tại khoản 1 Điều 31, khoản 2 Điều 122 luật Đất đai 2003; khoản 1 Điều 52, khoản 3 Điều 98, khoản 2 Điều 135 luật Đất đai 2013; khoản 1, khoản 2 Điều 27 Nghị định số 69 của Chính phủ; khoản 3 Điều 97 Nghị định số 43 của Chính phủ; Điều 11 Nghị định số 45 của Chính Phủ; Nghị quyết số 46 và Nghị quyết số 52 của Chính phủ.
Đối với dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung, các bị can Lê Đức Vinh, Lê Mộng Điệp, Lê Văn Dẽ và Trần Văn Hùng đã vi phạm khoản 1 Điều 31, Điều 122 luật Đất đai 2003; khoản 1 Điều 27 Nghị định số 69 của Chính phủ; khoản 8 Điều 16, Điều 61 luật Quy hoạch đô thị 2009 và Điều 14, Điều 20 Nghị định số 37 của Chính phủ và Nghị quyết số 46 của Chính phủ.
Theo Hiền Lương (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Vụ phóng hỏa quán cà phê khiến 11 người tử vong: Nhiều thi thể bị cháy biến dạng

Vụ phóng hỏa quán cà phê khiến 11 người tử vong: Nhiều thi thể bị cháy biến dạng

Theo đại diện cơ quan chức năng, đến nay đã có 3 nạn nhân xác định được danh tính, nhiều người còn lại vẫn đang chờ kết quả khám nghiệm tử thi. Một nhân viên phụ trách nhà tang lễ cho hay, nhiều thi thể bị cháy biến dạng, cơ quan chức năng đang khám nghiệm để xác định thêm danh tính.

Chi tiết vụ án liên quan Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị

Chi tiết vụ án liên quan Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị

Liên quan đến vụ Tổng biên tập Tạp chí môi trường và Đô thị Việt Nam cùng đồng phạm bị bắt, ngày 18/12, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình cho biết, từ năm 2018 đến 2024, Tạp chí này đã ký kết gần 3.200 hợp đồng tài trợ và quảng cáo với các tổ chức, doanh nghiệp, tổng giá trị hơn 80 tỷ đồng.

Hiện trường vụ khai thác đá trái phép tại làng Tơ Dră, xã Bar Măih. Ảnh: L.N

Chư Sê gặp khó trong quản lý khoáng sản

(GLO)- Huyện Chư Sê có trữ lượng khoáng sản lớn, chủ yếu là than bùn và khoáng sản thông thường làm vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, những khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ và một phần nằm trong diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân khiến công tác quản lý gặp không ít khó khăn.