Trồng sầu riêng kiểu lạ đời ở Đắk Nông, vườn cỏ dại mọc rậm um tùm mà khách khứa vẫn thích vô xem

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những năm trước đây, các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông sử dụng quá mức các biện pháp thâm canh, lạm dụng phân hóa học, khiến cho đất đai thoái hóa, bạc màu, suy kiệt hệ sinh thái.
Thời gian gần đây, bà con nông dân đã nhận ra những hệ quả này và thay đổi cách thức chăm sóc vườn cây theo hướng hữu cơ, thuận tự nhiên. Trong đó, nhiều bà con đã sử dụng thảm thực vật để khôi phục hệ sinh thái, tái tạo đất, tiết kiệm chi phí sản xuất.
Gia đình ông Nguyễn Văn Kiệp, ở thôn Nghĩa Thuận, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) có 5 ha sầu riêng. Cũng như nhiều hộ dân trong vùng, trước kia, gia đình ông chủ yếu làm sạch cỏ trong vườn sầu riêng.
Điều này khiến đất khô cứng, không giữ được độ ẩm trong mùa khô. Sức phát triển của vườn cây cũng suy giảm, dẫn đến năng suất, chất lượng sản phẩm không cao.
Hơn 5 năm qua, ông Kiệp sử dụng giống cỏ gấu Nhật Bản trồng vườn để tạo thảm thực vật, giúp đất được phục hồi. Cây sầu riêng cũng vì thế mà sinh trưởng tốt, cho năng suất chất lượng cao hơn so với trước.
Theo ông Kiệp, khi sử dụng cỏ dại làm thảm thực vật, gia đình cũng tiết kiệm được các khoản chi phí về nhân công làm cỏ, thuốc bảo vệ thực vật và nước tưới cho cây trồng.
 
Ở tỉnh Đắk Nông, nông dân sử dụng thảm thực vật giúp thân thiện với môi trường, cây trồng phát triển khỏe mạnh
Ở tỉnh Đắk Nông, nông dân sử dụng thảm thực vật giúp thân thiện với môi trường, cây trồng phát triển khỏe mạnh
Cũng nhờ có thảm thực vật, nên vườn sầu riêng hơn 5 ha của gia đình ông trở thành một khu vườn cảnh quan. Nhiều công ty du lịch trên địa bàn thường tổ chức các đoàn khách đến tham quan, nghỉ chân tìm hiểu quy trình sản xuất cây sầu riêng của ông.
"Thảm thực vật giúp giữ ẩm cho đất trong mùa khô, chống rửa trôi dinh dưỡng trong mùa mưa. Nó tạo môi trường thuận lợi cho côn trùng và các loại vi sinh vật có ích trong đất sinh sống. Đất canh tác vì vậy cũng tơi xốp, thoáng khí, giúp rễ cây thuận lợi trong hấp thụ dưỡng chất", ông Kiệp chia sẻ.
Tương tự, sau nhiều năm sử dụng cây lạc tiên làm thảm thực vật để tái tạo sinh thái vườn, gia đình bà Nguyễn Thị Nguyệt, xã Đắk N'Drung (huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) thấy rõ những lợi ích mà cỏ dại mang lại.
Theo bà Nguyệt, so với phương pháp làm sạch cỏ, việc quản lý cỏ dại hợp lý sẽ giúp phân tán nấm bệnh tốt hơn. Hơn nữa, khi tạo thảm thực vật, bà đã giảm được từ 1-2 lượt tưới nước/năm.
Có thảm thực vật, độ ẩm trong vườn cây ổn định hơn, nên cây trồng luôn xanh tốt. Ngoài ra, thảm thực vật còn là nguồn bổ sung dinh dưỡng tự nhiên cho vườn cây.
Theo Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh Đắk Nông, trong tình hình giá phân bón, xăng dầu tăng cao như hiện nay, việc canh tác cây trồng theo hướng hữu cơ, sinh học, giúp nông dân giảm đáng kể chi phí đầu tư.
Trong đó, việc quản lý tốt cỏ dại, tạo thảm thực vật không chỉ giúp ích cho môi trường sinh thái, tạo cảnh quan vườn cây, mà còn giúp nông dân tiết kiệm được phân bón, nâng cao chất lượng nông sản.
Đối với các nhà vườn sản xuất theo quy trình VietGAP, nông nghiệp hữu cơ, sử dụng thảm thực vật là yếu tố quan trọng hàng đầu. Bởi việc che phủ mặt đất giúp hạn chế quá trình rửa trôi các kim loại kiềm, góp phần ổn định pH cho đất.
Đây là điều kiện để các loại khoáng chất trong đất, phân hữu cơ phát huy tác dụng, cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng. Từ đó, giúp bà con tạo được sản phẩm hữu cơ, an toàn sinh học.
Theo Kim Ngân (Báo Đắk Nông)

Có thể bạn quan tâm