Trồng kiểng treo thu hàng tỉ đồng mỗi năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Năm 2017, bà Nguyễn Thị Nga (43 tuổi, ngụ ấp Bình Tây, xã Vĩnh Thành, H.Chợ Lách) vinh dự là người phụ nữ duy nhất được nhận danh hiệu 'Nông dân Bến Tre xuất sắc'.
Bà Nga luôn mạnh dạn trồng các giống hoa kiểng mới
Bà Nga luôn mạnh dạn trồng các giống hoa kiểng mới
Theo đuổi cách làm mới
Xuất thân từ gia đình nông dân nghèo, vừa học hết lớp 4 bà Nga phải thôi học ở nhà phụ giúp cha mẹ. Sau khi lập gia đình, bà được cha mẹ cho 3.000 m2 đất làm ăn. Ban đầu, bà phá bỏ vườn tạp trồng cây ăn trái, nhưng liên tiếp nhiều năm bị thất bại vì đầu ra không ổn định. Không nản chí, bà tìm hiểu nghề trồng hoa kiểng và thấy nghề này phù hợp với sở thích cũng như khả năng của mình nên quyết định chuyển hướng kinh doanh. 
"Nhiều người lo trồng kiểng treo sẽ không thành công, nhưng tôi quyết tâm theo đuổi cách trồng mới lạ so với kiểu truyền thống của những hộ xung quanh"-bà Nguyễn Thị Nga
Năm 2007, bà đi nhiều nơi học hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm trồng hoa kiểng của những hộ đã thành công, sau đó vay 30 triệu đồng bắt tay vào làm nghề. Bà tập trung vào kiểng treo, loại kiểng mà thời điểm đó bà con trong ấp chưa ai trồng. “Nhiều người lo trồng kiểng treo sẽ không thành công, nhưng tôi quyết tâm theo đuổi cách trồng mới lạ so với kiểu truyền thống của những hộ xung quanh”, bà Nga chia sẻ.
Đúng như bà Nga dự đoán, khách hàng rất ưa chuộng kiểng treo vì vừa rẻ vừa đẹp lại tiết kiệm diện tích. Mấy năm đầu, bà bán được khoảng 20.000 chậu/năm, sau tăng lên đến hàng trăm ngàn chậu. Qua từng năm bà đều tăng số lượng cũng như chủng loại để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người chơi, nhất là vào dịp lễ Noel, Tết Nguyên đán. Từ 3.000 m2 đất ban đầu, bà mở rộng lên 6.000 m2 và đến nay đã đạt 1,3 ha, trồng đa dạng chủng loại kiểng. Không chỉ tập trung vào kiểng treo, bà còn đầu tư trồng kiểng bông, kiểng lá. Hiện cơ sở hoa kiểng của bà đang bán rất chạy các loại cây kiểng như: đại phát tài, phát lộc hoa, son môi đỏ…
Bà luôn tìm giống mới lạ và thay đổi mẫu mã chậu trồng. Đầu tiên, kiểng treo được trồng trong chậu nhựa, tiếp theo là vỏ ốc và hiện nay là gáo dừa, những vật liệu vừa lạ mắt vừa thân thiện với môi trường. Để tiết kiệm diện tích, bà bố trí trồng cây kiểng thành 2 tầng, tầng trên trồng kiểng treo, tầng dưới đất trồng kiểng bông, kiểng lá. Bà cho biết mỗi năm tổng số cây kiểng bà bán ra lên đến con số hàng trăm ngàn, thu về lợi nhuận hơn 1 tỉ đồng.
Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi
Bà Nga tự nhận mình là nông dân chân chất, lúc nào bán hàng cũng giữ chữ tín và cư xử niềm nở với khách hàng. Nhờ vậy mà bà đã gặt hái được kết quả hơn cả mong đợi. 5 năm liền bà được T.Ư Hội Nông dân VN công nhận danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi. Năm 2017, bà là phụ nữ duy nhất trong 7 người được tôn vinh “Nông dân Bến Tre xuất sắc”. Ngoài ra, bà còn nhận được nhiều giấy khen, bằng khen vì thành tích đã đạt được.
Ông Trần Văn Thái Ngọc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Thành, cho biết bà Nga là phụ nữ tiêu biểu của xã về ý chí vươn lên làm giàu bằng nghề trồng hoa kiểng. Ngoài sản xuất kinh doanh giỏi, bà còn thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện xã hội như bắc cầu, làm đường, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn… Đặc biệt, bà đã tạo việc làm cho ổn định cho 15 lao động địa phương; đồng thời sẵn sàng hỗ trợ phương tiện, kỹ thuật cho các hộ muốn trồng hoa kiểng để thoát nghèo.
Thiên Lộc (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.