Trồng dâu tây 'bằng smartphone' thu nhập tiền tỉ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Xuất thân từ gia đình có truyền thống làm nông, dù đang là công chức nhưng vợ chồng anh chị Trần Đức Nam (44 tuổi) và Đặng Thu Hiền (38 tuổi) vẫn không thể buông bỏ khu vườn đất đỏ bazan phì nhiêu ở thôn Lộc Quý, xã Xuân Thọ (Đà Lạt, Lâm Đồng) mà người thân đã canh tác hàng chục năm qua.
Anh Trần Đức Nam kiểm tra thiết bị cảm ứng trong vườn dâu. Ảnh: Lâm Viên

Anh Trần Đức Nam kiểm tra thiết bị cảm ứng trong vườn dâu. Ảnh: Lâm Viên

Trước đây, sau khi tan sở, vợ chồng anh Nam lại phải tất bật về tưới nước, bón phân cho vườn cà rốt, khoai tây của gia đình ở xã Xuân Thọ. Khi ngành hoa phát triển, họ chuyển đổi sang canh tác hoa trong nhà kính để có thu nhập cao hơn. Từ cuối năm 2018, trang trại trồng hoa của anh chị bắt đầu chuyển sang trồng dâu tây theo công nghệ Internet vạn vật (Internet of Things - IoT) để giảm bớt nhân công, vật tư, giảm bớt thời gian hiện diện tại trang trại, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần.

Anh Nam kể anh biết đến IoT cũng là một cơ duyên. Đầu năm 2018, trong một lần được qua Nhật Bản học tập, nghiên cứu ngắn hạn ngay tại vùng chuyên canh tác dâu tây tự động bằng công nghệ IoT, anh nhận thấy ở Đà Lạt có rất nhiều lợi thế để trồng dâu tây nhưng chưa được tận dụng hết. Anh Nam thuyết phục vợ chuyển đổi 2.000 m2 vườn nhà sang trồng dâu tây theo công nghệ hiện đại này. “Sau khi được bà xã “duyệt”, tôi đi tìm mua thiết bị IoT, tìm mua giống dâu nhập từ Nhật, rồi viết phần mềm chăm sóc dâu tây hoàn toàn tự động. Sau đó, thuê một đơn vị lập trình, viết app trên điện thoại để phù hợp với cây dâu tây và hoàn thiện cho toàn hệ thống”, anh Nam hào hứng kể.

Sau 3 tháng canh tác theo công nghệ IoT, vụ dâu tây đầu tiên cho thu hoạch rất khả quan. Nhờ dâu có chất lượng cao, đẹp mắt nên thu hoạch tới đâu bán hết tới đó. Hiệu quả từ canh tác dâu tây theo công nghệ IoT thấy rõ, nên đến nay trang trại trồng hoa rộng 2 ha của gia đình anh chị đã chuyển hoàn toàn sang canh tác dâu tây.

Dâu tây trồng bằng công nghệ IoT chất lượng cao, đẹp mắt.
Dâu tây trồng bằng công nghệ IoT chất lượng cao, đẹp mắt.

Dù trồng tới 2 ha dâu tây nhưng vợ chồng chủ nhân không cần có mặt tại vườn mà vẫn biết dâu của mình phát triển thế nào. Anh Nam chia sẻ thêm trang trại được chia thành nhiều khu vực để quản lý. Chẳng hạn, khu vực 1 cây dâu bị thiếu nước hoặc độ ẩm cao thì con chíp lắp tại các điểm đặt thiết bị cảm biến sẽ báo về bộ máy chủ. Từ đó, máy chủ sẽ tự động kích hoạt hệ thống tưới cho khu vực thiếu nước.

Với những trường hợp bất thường như thời tiết quá nóng, buổi sáng có sương muối, lượng phân bón thiếu hụt... thì hệ thống cảnh báo sẽ phát tín hiệu ngay vào điện thoại của chủ vườn để kịp thời xử lý. Nhờ vậy, trang trại chỉ cần sử dụng 14 lao động để hằng ngày thu hoạch dâu, đóng hộp xuất bán và mỗi tháng một lần tỉa bớt lá dâu để trái phát triển.

Theo chia sẻ của anh Nam, vốn đầu tư cho trang trại dâu IoT khá cao, ngoài thiết bị IoT còn phải đầu tư nhà kính, giàn sắt đựng giá thể trồng dâu cao 1,2 m, hệ thống tưới nước, bón phân tự động…trung bình chi phí khoảng 6 tỉ đồng/ha, nhưng có thể sử dụng suốt 5 năm. Quá trình canh tác tiết kiệm 30% lượng nước, phân bón, các chỉ số EC, PH đầu vào, đầu ra chính xác đến 95%.

Theo chủ vườn, dâu tây cho thu hoạch quanh năm, những tháng thấp điểm thu được khoảng 80 kg/ngày/ha, vào mùa rộ thu trên 150 kg/ngày/ha. Tính trung bình năng suất đạt khoảng 36 tấn/ha/năm. Dâu tây được đóng trong 2 loại hộp 0,25 kg hoặc 0,5 kg với thương hiệu “Nam Anh” để xuất bán đến các siêu thị ở TP.HCM, miền Tây, Đà Nẵng, Bình Dương, Tây Ninh... Sản phẩm đạt chứng nhận VietGap, Ocop, được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Dâu tây Đà Lạt”.

Hiện giá bán dâu từ 250.000 - 500.000 đồng/kg, tùy kích cỡ trái. Với 1 ha dâu tây canh tác theo công nghệ IoT, gia đình anh Nam có thu nhập trên dưới 10 tỉ đồng/năm.

Lâm Viên (TNO)

Có thể bạn quan tâm