Trọn lời thề giữ biển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

“Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp. Ta phải biết giữ gìn lấy nó...”. Gần 60 năm đã qua, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên vùng biển Hạ Long năm nào vẫn còn mãi với thời gian. Thấm nhuần lời dạy của Người, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân luôn giữ trọn lời thề giữ biển, đoàn kết, đồng lòng, chung sức xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành. Trong các chuyến công tác tại Vùng 3 Hải quân mới đây, chúng tôi hiểu sâu sắc hơn về truyền thống và chiến công của những chiến sĩ làm nhiệm vụ trên biển...

 

 Cán bộ, chiến sĩ Trạm Rađa 545 thực hành huấn luyện. Ảnh: T.D
Cán bộ, chiến sĩ Trạm Rađa 545 thực hành huấn luyện. Ảnh: T.D


Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo

Những con tàu ra khơi thực hiện nhiệm vụ phải đối mặt với bao thử thách, sóng gió và hiểm nguy luôn rình rập, bủa vây. Giữa biển trời bao la, nhưng họ không hề đơn độc, bởi tình yêu quê hương, đất nước chính là nguồn động viên, tiếp thêm sức mạnh và dũng khí cho người chiến sĩ giữ biển vượt qua thử thách, gian khó, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) và chiến đấu thắng lợi, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc...

Cùng Chuẩn đô đốc Mai Trọng Định, Chính ủy Vùng 3 Hải quân, bước chầm chậm trên Quân cảng Đà Nẵng, tôi được anh chia sẻ về “bí quyết” quản lý, điều hành đơn vị: “Bài học kinh nghiệm của đơn vị chúng tôi trong những năm qua là nhận thức rõ trách nhiệm thiêng liêng của người chiến sĩ làm nhiệm vụ canh giữ biển trời, luôn phát huy nhân tố chính trị tinh thần; thường xuyên nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ”. Minh chứng cho điều khẳng định ấy, Chính ủy Mai Trọng Định dẫn tôi xuống cơ sở. Chiều muộn, nhưng không khí làm việc của đơn vị rất khẩn trương. Cán bộ, thủy thủ trên các con tàu hăng say luyện tập khoa mục tại bến. Tiếng máy, tiếng khẩu lệnh hòa cùng tiếng sóng âm vang...

Sau cái bắt tay thật chặt, Đại tá Đỗ Ngọc Hiểu, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 172, Vùng 3 Hải quân, cho biết: “Tàu ra khơi thực hiện nhiệm vụ tuần tiễu trên vùng biển xa, đòi hỏi công tác huấn luyện, SSCĐ phải đáp ứng yêu cầu cao; chuẩn bị chu đáo đến mấy cũng không thừa. Cán bộ, chiến sĩ tranh thủ thời gian luyện tập nhiều phương án để ra khơi thật an toàn. Để thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, bảo đảm an toàn tuyệt đối, đơn vị tập trung vào những khoa mục ứng dụng phức tạp, chuẩn bị cho các thủy thủ tâm thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ ra khơi trong mọi điều kiện, tình huống”.

Thực tế cho thấy, trước đây, Lữ đoàn 172 chỉ đặt vấn đề gắn chất lượng huấn luyện với trách nhiệm của cấp ủy, người chỉ huy, nhưng nay thực hiện gắn chất lượng huấn luyện với trách nhiệm của từng cá nhân. Quá trình huấn luyện không như trước đây thường ra tình huống ngay tại bến, bây giờ khi các tàu, biên đội hành quân ra khu neo đậu mới phát tình huống chiến đấu. Cách làm như vậy không những giúp bộ đội tránh chủ quan mà còn phát huy tính chủ động, sáng tạo trong huấn luyện.

Hoàng hôn trên Quân cảng Đà Nẵng thật trong lành. Giai điệu ca khúc “Ra khơi mang tình mẹ” của nhạc sĩ Phạm Nguyễn cất lên da diết: “... Bờ tre ngân nga bao lời ca/ Dòng sông âm vang bao lời ca/ Thiết tha như lời mẹ dặn con/ Ấm sao như lời mẹ ru con/ Đêm nay ra khơi đêm nay sao thắp giữa bầu trời/ Như mắt mẹ nhìn theo bao yêu thương/ Ra khơi đêm nay sao sáng giữa bầu trời/ Như mắt mẹ nhìn theo bóng tàu đi...”.

Tôi biết, dù trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh nào, người chiến sĩ giữ biển đều vượt lên khó khăn, gian khổ và mất mát, hy sinh để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

“Mắt thần” giữ biển

Trung đoàn 351 (Vùng 3 Hải quân) đóng quân phân tán ở những nơi núi cao, đảo xa. Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, thử thách, song những năm qua, đơn vị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng là “mắt thần” giữ biển.

Trao đổi với Đại tá Lê Huy Dân, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 351, chúng tôi được biết, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn ổn định về chính trị tư tưởng, đoàn kết, phát huy dân chủ tốt, kỷ luật nghiêm. Đơn vị thực hiện tốt các khâu dự báo, nắm, quản lý, giáo dục và giải quyết nhanh, kịp thời tình hình tư tưởng bộ đội.

Theo Đại tá Nguyễn Duy Long, Chính ủy trung đoàn, để đạt được những kết quả ấy, các cơ quan, đơn vị coi trọng xây dựng chính quy, quản lý rèn luyện kỷ luật, lấy tổ chức Đoàn Thanh niên làm lực lượng nòng cốt ký kết giao ước thi đua tới từng cá nhân. Cơ quan chính trị chỉ đạo các đơn vị phát động nhiều phong trào thi đua đột kích, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, chiến sĩ; triển khai hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng với tinh thần “một giờ hăng say hơn cả ngày chiếu lệ”... nhờ vậy ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của bộ đội được nâng cao. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, các cơ quan, đơn vị trong toàn trung đoàn thực hiện nghiêm quy chế dân chủ, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, phát huy vai trò của người chỉ huy, các cơ quan tham mưu, các tổ chức quần chúng trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện và nêu gương để cấp dưới, đơn vị làm theo.

 

Lữ đoàn 172 luyện tập báo động sẵn sàng chiến đấu tại bến. Ảnh: T.D
Lữ đoàn 172 luyện tập báo động sẵn sàng chiến đấu tại bến. Ảnh: T.D


Để tìm hiểu thực tế, chúng tôi lên Trạm Ra-đa 545 (Trung đoàn 351) trên cao điểm 696 (Sơn Trà, Đà Nẵng). Đã gần 9 giờ sáng mà sương mù vẫn dày đặc, phủ kín cả một vùng bán đảo. Đường lên “cổng trời” dốc núi quanh co. Sau gần 1 giờ vượt dốc, chúng tôi mới lên tới trạm. Giữa màn sương bàng bạc, mùi hoa dẻ lan tỏa cả đất trời tạo nên sự gần gũi, ấm cúng giữa thiên nhiên với con người. Cũng giống như thân cây dẻ già nua kia, giữa sự khắc nghiệt của thiên nhiên, giữa khó khăn gian khổ, người lính ra-đa vẫn kiên cường bám trụ.

Thiếu tá, Trạm trưởng Phạm Văn Nam tâm sự: “Lính ra-đa có đặc thù, tiếng là lính thủy nhưng lại ở rừng. Trong khi đồng đội ở đơn vị tàu lướt sóng ra khơi thì chúng tôi lại căng mắt trên màn hình huỳnh quang ra-đa 24/24 giờ để quan sát, phát hiện mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ không được phép lơ là, mất cảnh giác, dù chỉ một phút. Nhiệm vụ khó khăn là vậy nhưng hằng năm, đơn vị luôn duy trì nghiêm các chế độ trực SSCĐ; kịp thời phát hiện, theo dõi và báo cáo thường xuyên tình hình trên vùng biển được phân công phụ trách...

Tiếp xúc với cánh lính trẻ, tôi phần nào hiểu thêm về cuộc sống của họ... So với những đơn vị nơi đảo xa, cán bộ, chiến sĩ Trạm Ra-đa 545 đỡ vất vả hơn, nhưng không phải là đã hết những khó khăn, thiếu thốn. Chỉ cách khu vực dân cư chừng 10km đường chim bay, vậy mà thực phẩm phải chuẩn bị dự trữ cả tuần. Bộ đội vẫn thiếu nước ngọt và rau xanh. Muốn mua hàng hóa, bộ phận tiếp phẩm phải băng rừng hành quân bộ cả ngày với 30km đường đèo dốc nguy hiểm. Những năm gần đây, vùng và đơn vị đầu tư mua xe gắn máy để phục vụ công tác tiếp phẩm, nhưng cũng chỉ chạy được mươi chuyến là xe hỏng máy vì dốc cao, đường xấu...

Trò chuyện với những chiến sĩ ra-đa trên đỉnh Sơn Trà, tôi còn biết thêm sự khó khăn mang tính đặc thù của họ. Đóng quân trên đỉnh núi, phóng tầm mắt ra xa, trước mặt là cuộc sống sầm uất của thành phố, sau lưng là khu du lịch biển ồn ào, náo nhiệt. Chiều thứ Bảy, Chủ nhật, đứng trên đài canh chứng kiến cuộc sống sầm uất của người dân thành phố, làm sao các anh không khỏi chạnh lòng. Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Chí Công, ngành trưởng ra-đa (người có thâm niên 28 năm trên đỉnh Sơn Trà), tâm sự: “Gia đình tôi hiện ở xã Diễn Hải (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) nhưng mấy khi được gần vợ con đâu. Vì nhiệm vụ, với lại mình cũng phải làm gương cho lớp trẻ”.

Tạm biệt Trạm Ra-đa 545 trong chiều hè quyến luyến. Trên cao điểm 696, gió từ cửa vịnh Đà Nẵng thổi vào mát rượi. Bên chiến hào, cánh sóng ra-đa vẫn vươn cao. Sự bình yên của biển, đảo, sự vĩnh hằng của thời gian đã chắp cánh cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 351 vững tin xây đắp truyền thống “Đoàn kết hiệp đồng, khắc phục khó khăn, bám trạm bám đài, hoàn thành tốt nhiệm vụ”, xứng đáng là “mắt thần” giữ biển miền Trung.

 

https://baodanang.vn/phongsu-kysu/202209/tron-loi-the-giu-bien-3921516/
 

Theo PHAN TIẾN DŨNG (ĐNO)

 

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.