Theo Bộ KH-ĐT, trong 11 tháng đầu năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính: xuất siêu 25,83 tỷ USD (cùng kỳ năm trước chỉ 10,3 tỷ USD); kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 322,5 tỷ USD, còn kim ngạch nhập khẩu 296,67 tỷ USD.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 19,99 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 45,82 tỷ USD.
Về xuất khẩu, có 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (trong đó, có 7 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD). So với cùng kỳ năm 2022, nhiều mặt hàng tăng cả về trị giá và lượng như: thủy sản, rau quả, gạo, hạt điều, sắn và sản phẩm của sắn… Nhóm hàng nông thủy sản gây ấn tượng và là nhóm hàng duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng dương, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 29,5 tỷ USD, tăng 8,6%. Về nhập khẩu, đáng lưu ý, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu sản xuất tiếp tục tăng, ước đạt hơn 278 tỷ USD, chiếm 93,8% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Đánh giá về diễn biến xuất nhập khẩu hàng hóa từ đầu năm đến nay, theo các chuyên gia thống kê, kim ngạch nhập khẩu nguyên vật liệu và máy móc thiết bị cho sản xuất của một số nhóm hàng xuất khẩu chủ lực tăng theo từng tháng, quý đã phản ánh những dấu hiệu tích cực trong sản xuất hàng hóa phục vụ nền kinh tế và xuất khẩu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp, cầu tiêu dùng thế giới còn yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng, nhiều quốc gia tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt. Vì vậy, xuất khẩu trong tháng còn lại của năm sẽ còn đối mặt nhiều khó khăn. Để đẩy mạnh xuất khẩu, giải pháp được các chuyên gia nhiều lần nhấn mạnh là cần phải tận dụng tốt hơn các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Theo bà Nguyễn Thị Lan Phương, Phó Trưởng Phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam tận dụng cơ hội từ các FTA này còn rất hạn chế. EU là thị trường tỷ lệ tận dụng tương đối cao cũng chỉ đạt khoảng 26%.
Trong khi đó, cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu của Việt Nam là rất lớn khi Việt Nam đã ký kết một loạt các FTA quan trọng như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam - EU (EVFTA), FTA Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA)… Với nông nghiệp, lĩnh vực được coi là điểm sáng trong xuất khẩu từ đầu năm đến nay, các chuyên gia cho rằng, để trợ lực cho nhóm hàng này, các bộ như Công thương, NN-PTNT cần tiếp tục đàm phán với Trung Quốc để mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng trái cây khác của Việt Nam (như: bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, thơm, vú sữa, chanh, dưa lưới…).
Đồng thời, các bộ ngành tăng cường cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại; hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để phát triển thị trường xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam; kịp thời thông tin cho doanh nghiệp, hiệp hội về nhu cầu, quy định mới… của các thị trường xuất khẩu trọng điểm để doanh nghiệp chủ động hơn trong việc ứng phó, thích nghi.