(GLO)- Việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm lần này là theo tinh thần Quy định 165-QĐ/TW ngày 18-2-2013 của Bộ Chính trị “Về việc lấy phiếu tín nhiệm hàng năm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội”.
Đối tượng và thời gian tổ chức lấy phiếu tín nhiệm được quy định chi tiết. Ngày 2-8 vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã ban hành Kế hoạch số 94 để triển khai việc lấy phiếu tín nhiệm đạt kết quả cao.
Ban Kiểm phiếu làm việc tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa X. Ảnh: N.G |
Theo kế hoạch nói trên, đối tượng lấy phiếu tín nhiệm là các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; thời gian thực hiện là vào dịp cuối mỗi năm. Mục đích lấy phiếu tín nhiệm là nhằm đạt được yêu cầu nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, năng lực công tác của người được lấy phiếu tín nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Phiếu tín nhiệm được coi là một trong những kênh thông tin tham khảo quan trọng cho việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Việc lấy phiếu và sử dụng kết quả của phiếu tín nhiệm phải đảm bảo dân chủ, khách quan, công bằng, minh bạch.
Kế thừa các quy định khác trước đây trong việc kiểm điểm, phê bình và tự phê bình, đánh giá, phân loại chất lượng cán bộ hàng năm, lần này việc lấy phiếu tín nhiệm tập trung vào những vấn đề chủ yếu, cốt lõi, mà nội dung đầu tiên là phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người được lấy phiếu. Trong đó, bao gồm về lập trường, quan điểm, tư tưởng chính trị trong thực hiện đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Tinh thần trách nhiệm trong công việc, thái độ phục vụ nhân dân, chấp hành sự phân công của tổ chức; tính trung thực, động cơ trong sáng, công bằng, công tâm, khách quan, giữ vững nguyên tắc trong công việc, khả năng quy tụ đoàn kết nội bộ và tự phê bình, phê bình...; việc phòng-chống tham nhũng, sự gương mẫu của cả bản thân và những người thân trong gia đình về đạo đức, lối sống và chấp hành pháp luật; và uy tín của người được lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Ngoài những nội dung thuộc về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống thì năng lực, tức là tài năng của người cán bộ cũng hết sức quan trọng và chính vì vậy mà việc lấy phiếu tín nhiệm cũng cần đề cập nghiêm túc đến kết quả lãnh đạo, việc cụ thể hóa đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào lĩnh vực được phân công đảm nhiệm; tính năng động, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong lãnh đạo điều hành; năng lực dự báo, xử lý tình huống phức tạp khó khăn trong phạm vi phụ trách.
Nội dung này khi mở rộng ra, đòi hỏi cả người được lấy phiếu tín nhiệm và người bỏ (ghi) phiếu tín nhiệm cần đánh giá khách quan, nghiêm túc, nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ, bởi trong hiện tại cơ chế lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách và nhất là việc thiếu khách quan, công tâm trong các cuộc thanh tra, kiểm tra, mà dễ đánh giá sai lệch trình độ năng lực cán bộ, lỡ cơ hội phát hiện và bồi dưỡng sử dụng tài năng của cán bộ. Một thực trạng không ít cán bộ “an phận thủ thường”, biết mà không nói, không làm, bởi sợ... thanh tra, kiểm tra, trong khi tâm họ sáng, muốn suy nghĩ, bứt phá, tháo gỡ những bó buộc vô lý, lạc hậu của những cơ chế quản lý lỗi thời, ấu trĩ, nhưng lại bị coi là vi phạm, làm trái.
Trong thực tế, nhiều cán bộ lãnh đạo quản lý thật sự có tài năng nhưng không được cấp trên-người có một trình độ đánh giá đủ tầm mà làm thui chột không ít người có tâm, có tầm, có nhiệt huyết đóng góp cho Đảng, cho Nhà nước.
Những vấn đề liên quan đến “tài”, nội dung được coi là cần đưa ra lấy phiếu tín nhiệm cũng được lưu ý, đó là kết quả và chất lượng của những vấn đề tham mưu, đề xuất về lĩnh vực được phân công phụ trách; khối lượng, chất lượng, hiệu quả công việc theo chức trách, nhiệm vụ được giao, mức độ hoàn thành nhiệm vụ, chức trách đó; việc lãnh đạo, chỉ đạo về công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ của địa phương, cơ quan, đơn vị, năng lực phát hiện, đào tạo, sử dụng người có đức, có tài; kết quả phòng-chống tham nhũng trên lĩnh vực mình phụ trách và việc xử lý tình hình khiếu nại, tố cáo...
Để tổ chức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đạt yêu cầu và nội dung nói trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có sự phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các Ban xây dựng đảng Tỉnh ủy, trong đó nêu rõ về những nội dung và hình thức, các bước tiến hành, nhất là việc tự mình các đồng chí nằm trong đối tượng lấy phiếu tín nhiệm chuẩn bị và làm báo cáo tự nhận xét, đánh giá chính xác, khách quan những nội dung cần lấy phiếu tín nhiệm; trong đó, nêu cho được mặt mạnh, những vấn đề ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân, hướng khắc phục. Những thành phần được tiếp nhận các văn bản về lĩnh vực lấy phiếu tín nhiệm-người bỏ (ghi) phiếu tín nhiệm cần nghiên cứu kỹ nội dung, chuẩn bị ý kiến của mình để khi thực hiện quyền bỏ (ghi) phiếu tín nhiệm đối với đồng chí của mình phải thật sự khách quan, công tâm, trên quan điểm xây dựng, chống tư tưởng cục bộ, cá nhân chủ nghĩa, lợi dụng việc ghi (bỏ) phiếu tín nhiệm để bôi xấu, công kích, hạ bệ lẫn nhau, gây rối nội bộ.
Thực hiện thật sự khách quan, công tâm trong việc ghi (bỏ) phiếu tín nhiệm là nhằm giúp đồng chí mình nhận ra ưu điểm để phát huy, khuyết điểm để khắc phục và cấp trên có cơ sở thật sự khách quan trong đánh giá, nhận xét và đào tạo, sử dụng đúng người, đúng việc, nhất là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đảm bảo quốc phòng-an ninh; trong tình hình phức tạp hiện nay cần có đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đất nước xứng tầm, đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ mục tiêu mà Đại hội Đảng các cấp đã đề ra.
Bích Hà