Trở lại "ốc đảo" Cốc Ly

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tôi trở lại Cốc Ly, “ốc đảo” xa xôi, gian khó bậc nhất Lào Cai năm nào, giờ thay da đổi thịt, nhộn nhịp giao thương, trên bến dưới thuyền.

 

 Cây gỗ nghiến nghìn tuổi và cánh rừng gỗ nghiến hơn 260ha trên núi ở Cốc Ly là điểm đến thu hút du khách.
Cây gỗ nghiến nghìn tuổi và cánh rừng gỗ nghiến hơn 260ha trên núi ở Cốc Ly là điểm đến thu hút du khách.



Đúng vào phiên chợ thứ ba hằng tuần, cả một vùng rừng núi hùng vĩ được mệnh danh là “kho vàng xanh” trên miền đất cổ xưa nhất Lào Cai tấp nập người bán mua sản vật, rực rỡ sắc màu thổ cẩm. Rất đông du khách đến khám phá và trải nghiệm hồ Cốc Ly, ví như “mắt ngọc” trên núi cao thượng nguồn sông Chảy.

Từ quốc lộ 70, con đường nhựa nhỏ, người dân địa phương gọi là “đường thủy điện”, uốn lượn như dải lụa quanh những ngọn núi xanh thẫm, những nương ngô đang kỳ phun râu trổ cờ, chạy ngược lên phía thượng nguồn sông Chảy, chúng tôi đến với Cốc Ly, vùng đất kỳ vĩ ở phía đông tỉnh Lào Cai.

“Mắt ngọc” của rừng

Cốc Ly theo tiếng người Dao bản địa nghĩa là “gốc mận”. Tôi khá ngạc nhiên, khi len lỏi qua các thôn Cốc Ly Thượng, Thẩm Phúc, Cốc Sâm, Làng Bom, Làng Đá... mà chẳng thấy rừng mận ken dày như từng nghĩ, chỉ bạt ngàn quế và rừng gỗ nghiến xanh thẫm huyền bí trên những núi đá cao chất ngất. Thế nhưng dải đất Pạc Kha xưa, bắt đầu từ Cốc Ly xuyên qua Nậm Mòn, Bản Phố, Tà Chải, Hoàng Thu Phố lại là xứ sở của các loài mận nổi tiếng tả hoàng ly, trái tráng ly, tam hoa, làm nên thương hiệu của cao nguyên trắng Bắc Hà hôm nay.

Già làng Bàn A Sinh bảo: “Ngày trước giống mận tả hoàng ly trồng ở Cốc Ly ngon nhất vùng đấy, nhưng “đá nó nuốt hết đất” khó trồng được nhiều, nên dần bị mai một, giờ chỉ còn cái tên “gốc mận” thôi...!”. Có lẽ vậy, diện tích tự nhiên rộng nhưng toàn vách núi đá vôi dựng đứng kiến tạo thượng nguồn sông Chảy nên Cốc Ly rất hiếm đất canh tác nông nghiệp. “Cả 19 thôn của xã Cốc Ly đều nằm trên núi đá vôi hoặc men theo thung lũng hẹp sông Chảy. Ruộng nước ít nên bao đời, người Dao, người H’Mông ở Cốc Ly chỉ trông vào cây ngô và sản vật của rừng, nên bị cái đói cái nghèo bó chân bó tay, làm giàu lại càng khó”-Chủ tịch UBND xã Bồng Văn Phú chia sẻ.

Hồi đầu năm 2008, tôi đã “đánh vật” bằng xe máy trên con đường đất lồi lõm, trơn trượt để vào Cốc Ly chứng kiến hàng trăm cán bộ, kỹ sư, công nhân Tổng công ty xây dựng và phát triển hạ tầng LICOGI dãi nắng dầm mưa, bạt núi san đồi để xây đập, ngăn dòng, tích nước hồ chứa cho Nhà máy thủy điện Bắc Hà. Đứng trên mỏm nhô dốc Cổng Trời, nơi đóng trụ sở UBND xã phóng tầm mắt xuống vực sâu thăm thẳm, con sông Chảy chỉ như một lạch nước nhỏ ngoằn ngoèo, len lỏi qua những vách núi dựng đứng. Con đập lớn, có cao trình 184 mét, với hàng triệu m3 bê-tông, hàng nghìn tấn sắt thép sừng sững chắn ngang, sau gần nửa năm nước mới dâng đầy, tạo thành hồ trên núi, ở độ cao hơn 500 mét so với mực nước biển.

Hồ thủy điện Cốc Ly thuộc loại lớn nhất tỉnh Lào Cai, có sức chứa hơn 170 triệu m3 nước, sâu đến 126 mét, đã biến sông Chảy ở thượng nguồn nhỏ như con lạch bỗng phình ra như biển hồ, nhấn chìm ghềnh thác, cây cối để cấp “nguồn vàng trắng” chạy hai tổ hợp tua-bin máy công suất 90MW, phát lên lưới điện quốc gia 378 triệu kWh mỗi năm. Ánh sáng điện được đưa về xóa đèn dầu đỏ quạch, khói nhọ mặt người bao năm ở “ốc đảo” Cốc Ly. Với đồng bào nơi đây, đó thật sự là một cuộc đổi đời, mở ra cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu và hội nhập cộng đồng.

Con thuyền sắt với tải trọng hơn 10 tấn hàng của anh Vàng A Sinh, người H’Mông rẽ mặt nước hồ xanh như ngọc ngược lên phía thượng nguồn, gió lồng lộng mát rượi như trên mặt biển. Loang loáng hai bên bờ là những lồng cá của bà con người dân tộc thiểu số, bao đời chỉ ở trên núi cao, nay đã hạ sơn... xuống nước tìm cách làm ăn mới, hiệu quả và bền vững hơn. Thuyền neo lại một vụng nước sâu, lặng gió, đón chúng tôi ngay trên bè nổi, “vua cá lồng” người Dao Bàn A Tuyến hồ hởi khoe: “Mình vừa xuất bán hơn 1 tấn cá tầm, trắm cỏ, chép lai cho thương lái. Nghe lời cán bộ xã xuống nước nuôi cá lồng được nhiều tiền hơn làm nương trên núi cao, không khổ như trâu cày vướng đá, con cái được học hành. Thích nhiều lắm...!”.

Là người đầu tiên hạ sơn, bỏ phát rừng làm nương xuống hồ với hơn chục lồng cá được nuôi theo hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông, hằng năm anh Tuyến thu về hàng trăm triệu đồng. Học theo anh, được Nhà nước hỗ trợ vốn và vật liệu làm lồng cá, đến nay hàng chục hộ người H’Mông, Dao, Nùng xuống hồ thủy điện nuôi hơn 100 lồng cá, có thu nhập ổn định, xóa nghèo nhanh và bền vững.

Giữa trưa, mặt trời rọi ánh nắng rực rỡ xuống mặt hồ xanh như ngọc, hắt lên không trung những vệt sáng lấp lóa như chiếc “gương trời” khổng lồ phản chiếu sắc cầu vồng mờ ảo. Con thuyền hướng thẳng Hang Tiên, Bí thư Đảng ủy Cốc Ly Nguyễn Tiến Hồng cho hay, do cấu tạo núi đá vôi nên chung quanh “mắt ngọc Cốc Ly” có rất nhiều hang động, đẹp nhất là động Hang Tiên với những nhũ đá kỳ ảo. Nắm bắt cơ hội, hàng chục hộ người H’Mông, Dao, Nùng sắm thuyền sắt vừa vận tải hàng hóa, vừa chở khách tham quan “mắt ngọc Cốc Ly”, mở hướng phát triển du lịch và dịch vụ. Bí thư Nguyễn Tiến Hồng khoe, đến nay Cốc Ly đã đạt hơn 10 tiêu chí nông thôn mới, đó là một kỳ tích ở vùng đất gian khó bậc nhất này.

Giữ “kho vàng xanh” trên núi đá cổ

Ai từng đến Cốc Ly đều háo hức muốn đến chiêm ngưỡng, khám phá rừng gỗ nghiến độc đáo nơi đây. Từ hồ Cốc Ly, vượt dốc cổng trời mây trắng giăng ngang đầu, chúng tôi có mặt ở vương quốc gỗ nghiến nghìn tuổi trên tầng núi đá cao nhất vùng này. “Cụ” nghiến nghìn tuổi sừng sững ngay đầu cánh rừng thôn Cốc Sâm, đường kính 3,2 mét, cao gần 50 mét, chu vi tới 10 mét, sần sùi u bướu cổ thụ được gắn biển cây di sản 1.000 tuổi.

Trạm trưởng kiểm lâm Đặng Văn Toàn cho biết, đây là cây gỗ nghiến to nhất vùng núi phía bắc, ước tính khoảng 60-70 m3 gỗ, đã nhiều lần bị sét đánh cụt ngọn, trụi lá nhưng “cụ” nghiến vẫn xanh tươi, vững vàng trên núi đá. Bất cứ ai từng đến Cốc Ly đều muốn tận mắt mục sở thị “cụ” nghiến nghìn tuổi và rừng gỗ nghiến, gỗ trai “độc nhất vô nhị” nơi đây. Anh Đặng Văn Toàn thông tin, quần thể rừng gỗ nghiến, trai với gần 260ha, phân bố tại tiểu khu 164 và 165 trên địa phận sáu thôn: Làng Bom, Làng Đá-Sín Chải, Làng Pàm, Thẩm Phúc, Nậm Ké và Cốc Sâm.

Tổng cộng có 827 cây gỗ nghiến, gỗ trai có đường kính từ 30cm đến 3,2 mét, được coi là “kho vàng xanh” của Cốc Ly. Gỗ quý là thế, đường mới mở trải nhựa êm thuận, thông thoáng, dân cư rất thưa, đi cả cây số không một ngôi nhà, thế nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên là rừng vẫn nguyên vẹn như vốn có, không bị xâm hại.

Hỏi chuyện Trưởng thôn Cốc Sâm Bàn Văn Bình, hóa ra bên cạnh việc tuân thủ pháp luật, bà con ở đây giữ rừng bằng luật tục từ bao đời nay. Hằng năm, vào đúng ngày đầu tiên của tháng Hai âm lịch, bà con chọn ra một người có uy tín, gương mẫu để chủ trì lễ cúng rừng cầu mong thần rừng che chở cho mọi người khỏe mạnh, ngô lúa đầy sân, gà lợn chật chuồng. “Rừng cúng này không ai được vào làm điều ô uế, gian tà. Không ai được vào lấy một cái gì, kể cả cây đổ, củi khô. Ai phạm vào điều cấm đó bị phạt 50kg thịt lợn, 20 kg gạo, 20 lít rượu, 2 con gà và 360 nghìn đồng, có khi bị đuổi ra khỏi bản”-anh Bình chia sẻ.

Luật tục người Dao ở Cốc Sâm quy định, bất cứ ai vi phạm rừng cấm đều bị phạt nặng, buộc phải trồng lại đúng loài cây đã chặt phá. Đây là luật tục độc đáo, nhân văn, chính những “bài học nghiêm khắc” như thế, đã tạo nên “tấm áo giáp” trong ý thức bảo vệ rừng của cộng đồng. Vì thế, đường lớn đã thông, kinh tế hàng hóa đã mở ra nhưng rừng gỗ quý của Cốc Ly vẫn nguyên vẹn vẻ hoang sơ, trở thành điểm du lịch hấp dẫn nhất ở vùng núi phía đông Lào Cai.

Trạm trưởng kiểm lâm Đặng Văn Toàn nói rằng, nhờ kết hợp giữa phong tục tập quán, luật tục dân tộc với quy định của pháp luật, cho nên công tác bảo vệ và phát triển rừng ở Cốc Ly đi vào nền nếp, đạt hiệu quả cao. Vào dịp đồng bào tổ chức lễ cúng rừng, cán bộ kiểm lâm xuống tận bản, đến từng gia đình tuyên truyền pháp luật, xây dựng hương ước, quy ước bảo vệ “kho vàng xanh” vô giá, giữ nguồn sinh thủy cho “mắt ngọc Cốc Ly” luôn tràn đầy, trong lành.

Hôm chúng tôi đến đúng vào chợ phiên hằng tuần, ngang qua chợ Cốc Ly rực rỡ sắc màu thổ cẩm, mấy anh bạn miền xuôi lần đầu đến chợ vùng cao cứ ngẩn ngơ trước cô gái trẻ người H’Mông với chiếc kèn môi độc đáo, cất lên những thanh âm của núi rừng, như tiếng lòng, như mời gọi: Mời anh đến thăm quê em/ Con đường rừng dẫu chưa quen/ Đất Bắc Hà nhớ mong anh lắm/ Người Bắc Hà như chén rượu nồng say/ Nhịp đàn môi như gọi lòng ta/ Chờ tay anh hái/ Mận vàng trái chín/ Đẹp lắm anh ơi đất nước quê mình...

Chia tay Cốc Ly, lòng bịn rịn vấn vương. Hẹn một ngày trở lại!

Bài và ảnh: QUỐC HỒNG
(Dẫn nguồn NDĐT)

 

Có thể bạn quan tâm

Mạch nguồn tri ân và những câu chuyện - Bài 5: Những thương binh đặc biệt ở đất Tổ

Mạch nguồn tri ân và những câu chuyện - Bài 5: Những thương binh đặc biệt ở đất Tổ

Chiến đấu ngoan cường, bị thương thập tử nhất sinh khiến những người lính có một thời gian nao núng. Rồi cũng bằng ý chí sắt đá của người lính, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bè bạn và cộng đồng, những thương binh đang định cư ở đất Tổ ngày một khỏe hơn, biết làm kinh tế và còn viết văn, làm thơ…
Trong mây Vân Sơn - Kỳ 1: Về thăm “thung lũng mây”

Trong mây Vân Sơn - Kỳ 1: Về thăm “thung lũng mây”

Xã Vân Sơn nằm ở trung tâm của huyện vùng núi Tân Lạc, Hòa Bình, nối liền một dải với vùng cao Son Bá Mười của tỉnh Thanh Hóa, nơi có thể được coi là sự nối dài của Tây Bắc về mặt địa chất. Nơi đây, những cảm thức Mường còn đậm đặc, rõ rệt, hiện diện trong từng thói quen ngày thường của bà con.
Những làng chài bên biển

Những làng chài bên biển

Dọc bờ biển khu vực miền trung có rất nhiều làng chài, nơi cuộc sống hằng ngày của người dân biển diễn ra muôn hình vạn trạng. Ở đó, mỗi làng chài lại mang một nét đặc trưng riêng, tạo nên bức tranh đa sắc về cuộc sống mặn mòi của những ngư dân bám biển.
Hồn biển Lăng Cô (Kỳ 1)

Hồn biển Lăng Cô (Kỳ 1)

2024 là tròn 15 năm Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) ra nhập câu lạc bộ những vịnh đẹp của thế giới. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến khác nhau về Lăng Cô như ở đó có nhộn nhịp gì đâu, có kiến trúc lâu đời đâu mà dừng chân chiêm ngưỡng…