Triển khai đồng bộ các giải pháp để tăng thu ngân sách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đó là chỉ đạo của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành tại hội nghị trực tuyến toàn tỉnh sơ kết công tác 9 tháng, triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2021 được tổ chức ngày 24-9.
Kinh tế tiếp tục tăng trưởng
Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ các mặt công tác 9 tháng năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nêu rõ: Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ được triển khai từ tỉnh đến cơ sở, Gia Lai đã thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng-chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội. Theo đó, kinh tế có bước tăng trưởng khá, nhiều chỉ tiêu tăng cao so với cùng kỳ năm 2020. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) 9 tháng ước đạt hơn 16.789 tỷ đồng, bằng 67,7% kế hoạch, tăng 11,36% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 54.245 tỷ đồng, bằng 64,58% kế hoạch, tăng 7,16% so cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 450 triệu USD, bằng 73,77% kế hoạch, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2020. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 5.941,6 tỷ đồng, bằng 130,5% dự toán trung ương và 117,7% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 90,1% so cùng kỳ năm ngoái. Tổng diện tích gieo trồng ước đạt 547.716 ha, tăng 99,51% kế hoạch; tổng sản lượng lương thực ước đạt 571.130 tấn, bằng 93,94% kế hoạch… Lĩnh vực văn hóa-xã hội tiếp tục có bước phát triển. Chế độ, chính sách cho các đối tượng thụ hưởng được thực hiện kịp thời, đầy đủ. Tình hình an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Quang Tấn
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Quang Tấn
Thành phố Pleiku là địa bàn có dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và có thời điểm phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhưng nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội vẫn tăng trưởng khá. Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Pleiku Nguyễn Hữu Quế cho biết: Tính đến nay, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 1.307 tỷ đồng, bằng 80,3% kế hoạch tỉnh giao, tăng 68% so với cùng kỳ năm 2020; nếu không tính tiền sử dụng đất thì đạt 77% so với kế hoạch tỉnh giao, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến trong 3 tháng còn lại, thành phố sẽ thu đạt kế hoạch đề ra. Về giải ngân vốn xây dựng cơ bản, ước đến ngày 30-9, thành phố sẽ giải ngân gần 281 tỷ đồng, đạt 58,64% kế hoạch vốn; nếu không bao gồm các nguồn vốn vừa mới được thông qua thì thành phố đã giải ngân đạt 70,14% kế hoạch vốn được giao.
9 tháng năm 2021, huyện Krông Pa đã trải qua 3 đợt dịch. Nhờ làm tốt công tác truy vết, ngăn chặn, dập dịch nên đến nay, huyện đã qua 23 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Theo Chủ tịch UBND huyện Hồ Văn Thảo, kinh tế-xã hội địa phương không bị ảnh hưởng nhiều. Điển hình như tiến độ thực hiện các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn đến thời điểm này đã đạt hơn 65% khối lượng và giải ngân được hơn 60% kế hoạch vốn. Bên cạnh đó, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác quản lý, bảo vệ rừng và trồng rừng đạt nhiều kết quả khả quan. 
Quyết tâm đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra
Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế-xã hội của tỉnh trong 9 tháng năm 2021 cũng còn một số khó khăn, tồn tại. Cụ thể, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động mạnh và làm giảm doanh thu của ngành dịch vụ, du lịch, vận tải. Cùng với đó, dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò chưa được khống chế; xuất hiện dịch tả heo châu Phi tại huyện Ia Pa, Chư Păh; bệnh khảm lá vi rút trên cây mì, trắng lá mía vẫn xảy ra ở một số địa phương trong tỉnh. Ngoài ra, số doanh nghiệp giải thể, tạm dừng hoạt động tăng. Đặc biệt, tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản thấp, đến ngày 20-9 mới giải ngân đạt 1.134,86 tỷ đồng, bằng 44,36% kế hoạch. Tai nạn giao thông 9 tháng tăng cả số vụ và số người chết so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa, sắp tới, Sở sẽ chủ trì tổ chức hội thảo đầu bờ nhằm hướng dẫn người dân các biện pháp phòng-chống dịch bệnh khảm lá mì. Bên cạnh đó, Sở đã có văn bản đề nghị các huyện, thị xã, thành phố lập hồ sơ, danh sách các hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng do bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò để đề xuất UBND tỉnh xin kinh phí hỗ trợ của Trung ương. Đồng thời, Sở cũng đang phối hợp với Sở Tài chính đề xuất UBND tỉnh tiếp tục xuất kinh phí 1,7 tỷ đồng để hỗ trợ người dân mua vắc xin tiêm cho đàn trâu, bò (đến nay, ngân sách của tỉnh, cấp huyện, xã đã xuất khoảng 8 tỷ đồng hỗ trợ người dân triển khai tiêm). Toàn tỉnh đã triển khai trồng được hơn 5.000 ha rừng, đạt gần 64% kế hoạch. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đôn đốc các địa phương có tỷ lệ trồng rừng đạt thấp như: Chư Sê, Chư Pưh, Ayun Pa… cũng như các đơn vị chủ rừng tập trung khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ trồng rừng. Cùng với đó, sẽ tập trung tháo gỡ các vướng mắc để hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai; kiểm tra, đôn đốc 14 dự án đã được giao đất phải trồng rừng ngay, nếu không trồng sẽ đề xuất thu hồi, phấn đấu hoàn thành kế hoạch trồng mới 8.000 ha rừng trong năm 2021”-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin.
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông đề nghị: Những công việc, nhiệm vụ của các ngành, địa phương chậm triển khai được điểm danh hàng tháng thì cần quan tâm, rà soát triển khai thực hiện sớm. Lãnh đạo các địa phương cần nhanh chóng hoàn thành công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trình kỳ họp HĐND tỉnh vào cuối năm, làm cơ sở để triển khai các công trình, dự án trong năm tới. Cùng với đó, các địa phương cần xem xét, nhìn nhận lại những khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế-xã hội của mình, báo cáo UBND tỉnh nhằm có hướng tháo gỡ trong thời gian tới.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu kết luận hội nghị sơ kết. Ảnh: Quang Tấn
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu kết luận hội nghị sơ kết. Ảnh: Quang Tấn
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đề nghị các sở, ngành, chính quyền địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng-chống dịch Covid-19, lấy sức khỏe và tính mạng người dân đặt lên trên hết gắn với phát triển kinh tế-xã hội. Các cấp ủy, chính quyền địa phương cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, năng động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Các lực lượng, chính quyền địa phương phải tiếp tục siết chặt vòng ngoài, nhất là ở các cửa ngõ vào tỉnh; đồng thời, làm tốt công tác kiểm soát bên trong, xử lý nghiêm các vi phạm; không được chủ quan, lơ là.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các ngành, địa phương nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; tăng cường công tác quản lý đất đai, khoáng sản, tài nguyên rừng; chú trọng công tác phòng-chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”; triển khai sớm các chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp theo quy định; không được để xảy ra tình trạng người dân thiếu đói, không tiếp cận các dịch vụ y tế với bất kỳ lý do nào. Cùng với đó, các sở, ngành cần chuẩn bị các điều kiện phục vụ kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm và xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện tốt các nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động thực hiện các chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ 2020-2025. Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Bí thư, Chủ tịch UBND cấp huyện khẩn trương đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn xây dựng cơ bản. Tỉnh sẽ có biện pháp xử lý đối với những nơi giải ngân không đạt. Đồng thời, các địa phương tập trung tháo gỡ vướng mắc, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn; triển khai đồng bộ các giải pháp để tăng thu ngân sách nhằm đảm bảo cho công tác chi trong năm tới.
QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá mì gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực nhân rộng các giống mì sạch bệnh để thay thế các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá trên cây mì.

Anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc các chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Đ.L

Thu nhập khá từ hoa ngũ sắc

(GLO)- Từ những bụi cây ngũ sắc ngoài đồng, người nông dân Gia Lai đã tỉa tót, uốn nắn để chúng thành những chậu bonsai rực rỡ sắc màu đem lại thu nhập khá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Ảnh: V.T

Đặc sản Gia Lai hút khách dịp Tết

(GLO)- Thị trường đang rất sôi động khi chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến Tết Ất Tỵ 2025. Năm nay, thị trường ghi nhận sự dịch chuyển rõ nét từ tiêu dùng bánh kẹo nhập khẩu sang dùng hàng sản xuất trong nước. Đặc biệt, đặc sản Gia Lai chiếm ưu thế trong thiết kế các giỏ quà tặng.