Rất nhiều cách làm hay, mô hình điển hình có thể học tập. Tuy nhiên, tôi đặc biệt ấn tượng với việc canh tác, trao đổi sản phẩm theo hợp tác xã và mô hình điểm du lịch kết hợp nông nghiệp, năng lượng tái tạo tại thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.

Ninh Thuận được biết đến với vùng đất nhiều nắng và gió. Nếu làm phép thử so sánh đơn thuần thì tôi thấy Ninh Thuận có biển là lợi thế nhưng về độ màu mỡ đất đai canh tác hay thời tiết đều không thuận lợi như Gia Lai. Vậy mà từ những điều tưởng như bất lợi ấy, bà con nông dân ở đây lại làm nên rất nhiều sự khác biệt khiến tôi phải trầm trồ, chú ý.
Lần thứ 3 trở lại đồi cát Nam Cương (xã An Hải), chúng tôi đi sâu vào làng của những người Chăm hiền hậu. Tôi thấy họ trồng rất nhiều măng tây và tỏi-những mặt hàng có giá trị kinh tế cao, nhiều chất dinh dưỡng. Tôi hỏi chuyện thì được biết, nông dân trồng theo hợp tác xã, áp dụng tưới nhỏ giọt, canh tác hữu cơ, được bao tiêu sản phẩm.
Tôi nghĩ đến nông dân Gia Lai với cà phê, sầu riêng, bơ, mắc ca… Nếu có thể, tất cả đều là sản phẩm hợp tác xã, đều canh tác sạch, tưới nhỏ giọt theo quy trình. Cả tỉnh Gia Lai hiện cũng đã có hàng trăm hợp tác xã và rất nhiều hợp tác xã trong số đó hoạt động hiệu quả, song có lẽ cần phải nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, kêu gọi, hợp tác, đào tạo về kiến thức canh tác hữu cơ, bảo vệ môi trường cho nông dân.
Cùng với đó là nâng cao kiến thức marketing, thị trường cho các chủ nhiệm hợp tác xã, để Gia Lai có thể trở thành “chợ nông sản”, sản xuất và cung cấp cho thị trường trong nước cũng như cho xuất khẩu nhiều sản phẩm ngon, sạch với giá cả hợp lý. Khi đó, người nông dân cũng sẽ được hưởng những giá trị thực sự.
Mô hình thứ 2 mà tôi thấy ấn tượng, đó là điểm du lịch tham quan trải nghiệm của trang trại Tiên Tiến Farm & Zoo. Ở đó, trên con đường đi vào nông trại lớn là những mái che được làm bằng tấm lợp pin năng lượng mặt trời.
Với giá vé 130 ngàn đồng/người, chúng tôi được hướng dẫn viên chỉ bảo tận tình cho 90 phút tham quan trải nghiệm. Hai bên đường đi là những vườn khoai lang, tỏi, măng tây, hướng dương, nha đam... được trồng theo hướng hữu cơ; được thu hoạch, chế biến, đóng gói để xuất đi các thị trường với giá hợp lý.
Phần phụ phẩm nông nghiệp được dùng để làm thức ăn cho vật nuôi của nông trại-những loài thú lạ được nhập về từ khắp nơi trên thế giới-có sức hút đặc biệt đối với du khách, nhất là trẻ em. Những con thú được huấn luyện để chụp ảnh với du khách. Đặc biệt, trang trại còn là “trạm cứu hộ” của những loài thú quý hiếm, ghi danh trong Sách đỏ được giải vây, do lực lượng Kiểm lâm địa phương gửi về chăm sóc. Đến khi hoàn toàn khỏe mạnh, chúng sẽ được thả về Vườn Quốc gia Núi Chúa ở gần đó.
Tôi sống ở Gia Lai gần 40 năm. Mỗi khi đi đến những địa phương khác, quan sát được nhiều điều mới mẻ, tôi đều nghĩ và tin rằng “cái này Gia Lai làm được”. Tôi cũng thấy được ở Gia Lai, không thiếu những người trăn trở với sự phát triển của quê hương. Nhiều bạn trẻ vẫn đang lặng lẽ với các mô hình hay, sáng tạo, tâm huyết để góp phần xây dựng tỉnh nhà.
Thế nhưng, phải thừa nhận rằng, sự phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hiện có; nhất là chưa tận dụng được tối đa lợi thế về nông nghiệp, kết hợp với truyền thống văn hóa của người dân tộc thiểu số.
Dẫu vậy, trong thời đại số như hiện nay, cùng sự quan tâm đầu tư của tỉnh cho nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tôi tin rằng, Gia Lai sẽ có nhiều bứt phá hơn nữa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Sức hút từ sản phẩm du lịch nông nghiệp tại Bình Thuận
