Trên vùng căn cứ xưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cuộc sống mới ở vùng căn cứ cách mạng của huyện Krông Pa thật yên bình. Màu xanh đầy sức sống đang trỗi dậy mạnh mẽ, làm thay đổi diện mạo của vùng căn cứ xưa. Nhiều trí thức trẻ đang phấn đấu góp phần vào sự đổi thay ấy…

Trí thức trẻ từ làng

Cô gái trẻ Ksor Bhu (30 tuổi)-buôn Proong, xã Ia Mláh chuẩn bị cho ngày cưới. Sẽ là một đám cưới bình thường như bao đám cưới khác, nhưng so với độ tuổi mà những cô gái khác “bắt chồng”, Bhu có vẻ “quá tuổi”, còn chồng cô là người Kinh. Vì thế, đám cưới của cô nhận được nhiều quan tâm hơn của dân làng. Bhu rạng ngời cười khoe hàm răng trắng đều như bắp, đôi mắt đen thăm thẳm hấp háy khi nói lý do muộn chồng: “Mình lo đi học quá nên đến tuổi này mới bắt được chồng, tưởng ế rồi!”.

 

Những chứng nhân chiến tranh như Kpă Thoa giờ còn lại hiếm người, nhưng họ luôn là chỗ dựa vững vàng cho thế hệ trẻ sinh ra từ làng. Ảnh: H.N
Những chứng nhân chiến tranh như Kpă Thoa giờ còn lại hiếm người, nhưng họ luôn là chỗ dựa vững vàng cho thế hệ trẻ sinh ra từ làng. Ảnh: H.N

Học trung cấp pháp lý rồi trở về xã làm công tác xã hội, Bhu đại diện cho lớp trí thức trẻ người dân tộc thiểu số trên vùng đất từng hứng chịu bao đau thương bởi chiến tranh này. “Ở xã có nhiều cán bộ trẻ trong độ tuổi 8X như Kpă H’Gút-phụ trách công tác tôn giáo, Nay H’Bí-Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, Ksor H’Blới-Thư ký Mặt trận Tổ quốc xã…”-Bhu nói. So với trước đây, đội ngũ cán bộ là trí thức trẻ người địa phương tăng lên đáng kể. Theo Bhu, ngày càng nhiều người có ý thức hơn trong việc cho con đến trường đến lớp thay vì ở nhà đi rẫy, rồi bắt chồng khi còn ít tuổi như trước đây.

Nói đến chuyện học hành, có lẽ gia đình Bhu là điển hình với các anh chị em đều là trí thức trẻ. Anh trai Ksor Tuấn hiện công tác ở Ban Chỉ huy Quân sự huyện Krông Pa; anh trai Ksor Ku trước làm cán bộ ở trại giam T20 (Công an tỉnh), hiện đang xin việc ở địa phương để được gần gia đình; em trai là Trung úy Ksor Lon hiện đang công tác ở Trung đoàn 991 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh); một em trai nữa là Ksor El hiện đang học Trung cấp An ninh năm thứ 3 và cô em út Ksor Doan đang học lớp 11 Trường THPT Chu Văn An (huyện Krông Pa). Bhu hóm hỉnh: “Nuôi được 6 đứa con ăn học tốn hơn một đàn bò của bố mẹ rồi đấy”. Bhu rất tự hào về gia đình. Cô nói rằng, trong nhiều cuộc họp ở xã, rồi ở huyện, gia đình cô luôn được nhắc đến như một tấm gương tiêu biểu về truyền thống cách mạng, xây dựng quê hương. Đó chính là động lực để Bhu cố gắng hơn trong công việc.

Cả nhà là một chi bộ

Trầm ngâm nghe con gái kể chuyện học hành, công tác xã hội, ông Kpă Thoa xen ngang: “Lớp trẻ bây giờ có trình độ, tư duy nhạy bén nên tin tưởng giao việc cho chúng nó. Sau giải phóng, vùng này gần như không còn gì, nhà cửa tan hoang, ruộng vườn bị bom đạn xé nát. Thế mà bây giờ đâu vào đó, nhiều nhà xây gần cả tỷ đồng”.

Kpă Thoa-nhân vật đang nói chuyện với chúng tôi, con người gần như một huyền thoại trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ tôi từng nghe dân vùng này kể đến rất nhiều, nay mới được gặp. Một cánh tay của ông có những khúc xương lồi lõm (nghe kể lại ông bị 5 vết đạn chí tử dọc từ tay xuống bắp đùi trong một lần lọt ổ phục kích của địch, nhưng may mắn thoát chết).

Chuyện về người chiến sĩ kiêu dũng Kpă Thoa sẽ kể vào dịp khác. Bởi trên vùng căn cứ cách mạng Ia Mláh trong kháng chiến chống Mỹ, có nhiều người như ông, nhưng bây giờ chỉ còn lại rất hiếm. Những đại gia đình theo cách mạng như gia đình ông cũng không phải ít. Anh trai ông là già làng Ama Jing (Kpă Lua), Kpă Xoa, em trai Kpă Huênh, Kpă Tlăm đều là những chiến sĩ cách mạng dũng cảm năm xưa.  

Riêng già Ama Jing tham gia cách mạng từ kháng chiến chống Pháp. Ngoài 80 tuổi, nhưng già Jing vẫn rất cường tráng, trí nhớ minh mẫn: “Cuộc đời làm cách mạng của tôi dài lắm, hết chống Pháp đến chống Mỹ. Tôi còn làm nhiều chức vụ khác nhau. Năm 1967, tôi bị địch bắt nhốt nhà tù Phú Bổn (Ayun Pa ngày nay) mất một năm. Chúng dùng đủ đòn tra tấn, tôi to khỏe thế này mà có lúc tưởng chết đi rồi. Không khai thác được gì, chúng buộc phải thả tôi. Hồi ấy, cha tôi làm Phó Chủ tịch xã Đất Bằng, huyện H2 (cũ).

Ra tù, tôi lại về xã tiếp tục cầm súng chiến đấu. Lý do nữa khiến tôi quay về là cả 4 thằng em tôi đều chiến đấu ở vùng này. Thằng Kpă Thoa có lần lọt ổ phục kích bị chúng bắn 5 phát đạn xuyên tay, xuyên đùi, may mà thoát. Nó vẫn là đứa gan lì, dũng cảm nhất”.

 


… Những chiến sĩ cách mạng ngày ấy giờ đều đã có thâm niên 30, 40, 50 tuổi Đảng.

Cùng với đảng viên trẻ nhất trong gia đình là cô gái Bhu, những người trong gia đình đã góp thành một chi bộ. Và, kể đến những gia đình khá giả thu nhập vài trăm triệu đồng/năm trên vùng đất Ia Mláh, không thể thiếu tên những đảng viên này. Cuộc sống là một dòng chảy và quá khứ hào hùng của thế hệ cha anh luôn là bệ phóng vững vàng để những người trẻ hôm nay đi tới.

Đi nhiều đến những vùng đất cách mạng nhưng hiếm nơi nào cho chúng tôi cảm giác no ấm, bình yên như vùng này. Trên con đường bê tông thẳng tít tắp, từng đàn bò thong dong về chuồng vào buổi hoàng hôn. Và phía xa dưới chân dãy Chư Mố sừng sững, những cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao như mì, bắp… trải rộng xanh ngời cắt ngang đường chân trời…

Hoàng Ngọc
 

Có thể bạn quan tâm