Trẻ đối diện nguy cơ thất học vì thiếu giáo viên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều giáo viên vừa bị chấm dứt hợp đồng đã chấp nhận ở lại trường dạy không lương vì thương học trò
Trường Mầm non Hoa Pơ Lang ở xã vùng sâu Quảng Sơn (huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) có gần 300 học sinh (HS) đang theo học. Ngoài ra, trường còn cơ sở 2 tại cụm dân cư Suối Phèn với khoảng 70 HS nhưng đã 2 tháng trôi qua vẫn chưa có giáo viên (GV) nên HS không được học.
3 giáo viên dạy... 11 lớp
Theo cô Nguyễn Thị Oanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Pơ Lang, ngày nào phụ huynh cũng gọi điện thoại đến trường hỏi khi nào con em họ mới được đi học lại. "Tôi chỉ biết động viên, hứa hẹn họ ráng chờ. Thiếu GV nên năm học này nhà trường chỉ nhận 3 lớp cho 3 GV biên chế. Tuy nhiên, vào đầu năm học, các cháu cứ tới đứng đầy sân trường. Thương các cháu, nhà trường đã vận động 8 GV mới bị chấm dứt hợp đồng hỗ trợ để mở thêm 8 lớp cho các cháu được đến trường" - cô Oanh thông tin.
 
Do thiếu giáo viên, phụ huynh học sinh vất vả khi đăng ký cho con em vào học ở Trường Mầm non Hoa Pơ Lang Ảnh: CAO NGUYÊN
Cũng theo cô Oanh, nhà trường đã nhiều lần kiến nghị cấp trên hỗ trợ kinh phí để 8 GV có tiền ăn nhưng đến nay vẫn chưa được. "Học trò ở đây đa số thuộc diện hộ nghèo nhưng rất khát khao được đi học. Các cô gia cảnh rất khó khăn cũng phải mang đồ ăn chia cho các cháu. Hai tháng nay dạy không có một đồng lương nên cuộc sống của các cô càng thêm chật vật" - cô Oanh nói như muốn khóc.
Cô Võ Thị Lan Anh là một trong số những GV vừa bị chấm dứt hợp đồng nhưng vẫn trở lại trường giảng dạy. "Nhìn những đứa trẻ nghèo, lấm lem bùn đất lơ ngơ trước cổng trường, thấy rất tội nghiệp. Nếu chúng tôi nghỉ dạy thì các em sẽ thất học nên động viên nhau cố gắng ở lại. Dù vậy, không biết cầm cự đến bao giờ vì dạy mà chẳng có lương" - cô Lan Anh nói trong nước mắt.
Tương tự, tại Trường Mầm non Hoa Đào (xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’Long) có 497 HS, dự kiến chia 16 lớp nhưng vì chỉ có 11 GV nên phải gom thành 11 lớp. Nhà trường cũng phải vận động 2 GV vừa bị chấm dứt hợp đồng về dạy không lương. Ông Đoàn Ngọc Phương, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Đắk G’Long, cho biết toàn huyện hiện thiếu 440 GV từ bậc mầm non đến THCS. Về đề nghị hỗ trợ cho các GV dạy không lương ở các trường hiện nay, ông Phương nói: "Dù huyện có khả năng bố trí kinh phí hỗ trợ nhưng quy định không cho phép".
Thành phố du lịch cũng thiếu
Không chỉ ở miền núi, 1 tỉnh đồng bằng như Khánh Hòa hiện cũng thiếu hơn 700 GV. Trong đó, bậc mầm non thiếu hơn 400 GV; tiểu học thiếu gần 180 GV và THCS thiếu hơn 90 GV. Ngay tại TP du lịch biển Nha Trang cũng thiếu hơn 200 GV.
Cô Huỳnh Ngọc Liễu, GV tại Trường Mầm non Phương Sơn, TP Nha Trang, cho biết: "Một mình tôi phải bao quát từ việc ăn, ngủ và khâu tổ chức hoạt động vui chơi của gần 30 cháu. Mỗi lớp như vậy thường phải có 2 GV, song do trường đang thiếu người nên tôi phải kiêm hết các công việc". Theo cô Nguyễn Thị Thúy Hồng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phương Sơn, trường đang thiếu 5 GV nhưng tuyển chưa được vì quy định GV không được ký hợp đồng dài hạn, mức thu nhập trung bình chỉ 3 triệu đồng/người/tháng, không bằng một nửa trường tư thục. Cô Phạm Thị Vân Anh, Hiệu phó Trường Mầm non Vĩnh Ngọc, cho hay trường cũng đang thiếu 3 GV. Đầu năm học, trường tuyển được 6 GV hợp đồng nhưng mức thu nhập thấp, cùng với việc cuối năm Phòng GD-ĐT sẽ tổ chức thi tuyển GV mới về nên nhiều người nản chí xin nghỉ.
Một cô giáo từng dạy tại trường công lập ở TP Nha Trang cho biết trường chỉ ký hợp đồng lao động 4 tháng nên cô đã xin nghỉ. "Dạy ở trường tư thục thì lương cao hơn, đồng thời nhà trường cũng tạo điều kiện ổn định công việc dài hạn giúp tôi an tâm hơn" - cô giáo này nói.
Theo Phòng GD-ĐT TP Nha Trang, trong bối cảnh nhiều trường đang thiếu người, GV phải "gánh thay việc", phòng đã đề nghị UBND TP cấp bổ sung kinh phí để hỗ trợ GV dạy tăng thêm.
Chờ được tăng biên chế

Bà Hoàng Thị Lý, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa, cho biết hiện sở này đã có báo cáo tình trạng ngành giáo dục thiếu trầm trọng GV lên UBND tỉnh Khánh Hòa. Nhằm bảo đảm công tác dạy học, giải pháp tạm thời là trả thêm thù lao cho GV dạy tăng tiết, tăng giờ và hợp đồng dạy theo tiết. "Mỗi năm số lượng trẻ đến trường đều tăng nhưng biên chế GV không được tăng thêm, khiến tình trạng thiếu GV càng trầm trọng hơn. Sở cũng đã đề nghị Sở Nội vụ tỉnh Khánh Hòa kiến nghị Bộ Nội vụ rà soát, điều chỉnh bổ sung các chỉ tiêu biên chế ngành giáo dục cho địa phương nhưng đang chờ phản hồi từ phía bộ" - bà Lý thông tin.

Cao Nguyên-Kỳ Nam (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm