Trâu ơi, trâu à

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cũng phải đến năm 12 tuổi tôi mới thực sự được “làm quen” với con trâu. Dịp đó vừa kỳ nghỉ hè, nắng hạ chói chang soi vang rộm trên cánh đồng nhưng vừa đặt chân vào nhà bác dâu, tôi đã nằng nặc đòi đi theo người anh họ cùng tuổi. Mẹ tôi rồi bác tôi nói góp thế nào tôi cũng không chịu.
Cuối cùng với trang bị khá kỹ càng bao gồm mũ nan rộng vành, quần áo dài, chân đi giày ba ta và kèm theo chai nước vối đun sôi để nguội tôi mới được cùng ông anh họ dong trâu ra đồng. Cuộc đi “chăn trâu” đầu đời đó dường như còn in đậm mãi trong tôi, nhất là hình ảnh ngoài đồng những “thằng bé chăn trâu” trong xóm tụ nhau lại. Chúng mở “cuộc thi” cưỡi trâu xem thằng nào cưỡi trâu giỏi nhất.
Cuộc thi cưỡi trâu hôm nay có tám thằng tham dự. Dĩ nhiên tôi là người khách xem duy nhất. “Luật” của cuộc thi đưa ra là: Người chiến thắng là người đứng trên lưng trâu lâu nhất.
 
Hiệu lệnh “Bắt đầu” của tôi vừa phát ra cả tám thằng đang chòm hom chực chờ trên lưng trâu đồng loạt đứng dậy. Tuy nhiên đã có sáu thằng chưa đứng vững được một giây đã vội nhảy xuống đất. Thằng Nhiếp cùng thằng Chử là không sao. Hai thằng với hai con trâu còn lại vẫn đủng đỉnh vừa đi vừa gặm cỏ trên bãi Ma Cả. Tiếng hò reo cổ vũ ầm ĩ. Quả tình là thằng Chử với thằng Nhiếp giữ thăng bằng quá giỏi. Trâu của hai thằng đi khủng khỉnh đi chật chà vậy mà chúng vẫn đứng vững. Tôi hơi phân vân: “Cứ đà này chắc cả hai thằng cùng thắng mất?”.
Chừng dăm phút thì thằng Chử lung liêng người rất mạnh. Nó chới với rồi cũng vội nhảy xuống, miệng nói tiếc. Thằng Nhiếp khoái chí hét to: “Tao thắng rồi” rồi cười sằng sặc nhưng rồi tiếng cười của nó đã làm hại nó. Thằng Nhiếp bỗng lao vọt qua đầu con trâu ngã như bắn vào bụi dứa dại. Không thằng nào dám hò hét, dám cười. Cả lũ chạy vội về phía bụi dứa xem xem thế nào. Vừa tới nơi đã thấy thằng Nhiếp đứng vụt dậy xua tay phân bua: “Đấy là tao làm xiếc thôi. Chúng mày xem xiếc trâu bao giờ chưa. Tao được xem hôm tao được thày tao cho lên Hà Nội đấy”. Tôi quay mặt đi: “Vẽ. Ngã thì nói luôn đi lại còn xiếc với xáo”.
Tầm chiều, nắng chếch về Tây, cái nắng nguội đi đôi chút. Cả bọn dong trâu xuống ao nước gần lối về làng. Những con trâu vừa thoáng thấy nước đã nhanh bốn chân hơn. Đàn trâu dầm mình vẻ khoái chí lắm. Bọn trẻ con cũng ào xuống ao. Đúng là người và trâu tắm cùng nhau.
Nắm trong tay túm cỏ khô, tôi cùng người anh họ lúc trèo lên lưng trâu, khi lội bên thân trâu. Tôi cọ mạnh tay đến nỗi ngỡ từng mảng da trâu bong ra vậy. Tắm trâu, tắm người xong, bọn trẻ dắt trâu lên bờ. Đàn trâu bây giờ nhìn khác hẳn. Bụng tròn căng, da đen bóng. Ngay cả bốn guốc trâu cũng chẳng lấm vết bùn nào.
Anh họ tôi dắt con trâu của “chúng mình” ra sân đình. Thời ấy sân đình được sử dụng làm sân hợp tác. Chiều nay hợp tác xã tiến hành thi “Trâu khỏe, trâu sạch”. Con trâu của anh họ tôi được chấm giải A cùng với năm con trâu khác. Phần thưởng là 20 điểm, số điểm ấy được ghi vào sổ chấm công điểm của bác dâu.
Tôi vui lắm nói tranh công: “Có công em kỳ cho nó anh nhề”. Nắng hè còn sáng mái nhà, bác dâu tôi đứng đón từ ngoài đầu ngõ. Bác cười rất vui. Bác xoa đầu tôi nói: “Cháu sắp thành trẻ chăn trâu rồi đấy”. Nghe mẹ chỉ khen tôi nên người anh họ vẻ dỗi quay mặt đi nhưng rồi lại quay mặt lại: “Nó mới được con dạy chăn trâu thôi mà”.
Bác dâu tôi là một người đàn bà quê kệch, những ngón chân tòe ra nên quanh năm bác chẳng đụng tới guốc dép, chỉ khi nào đi ngủ thì bác mới ra bể nước mưa múc hai ba gáo nước giội rửa chân rồi lại đi chân đất vào nhà. Bác ngồi mép giường, cà cà đôi bàn chân lên chiếc chổi rơm mấy lượt rồi lại chà chà hai bàn chân vào nhau. Bác lên giường đi ngủ. Có lẽ vì vẻ quê mùa ấy mà bác trai tôi làm trên Hà Nội “chê” bác nên dù làng tôi chỉ cách Hà Nội có chừng ba mươi cây số nhưng bác trai rất ít về.
Bác trai chỉ về nhà thoáng chốc những dịp giỗ Tết, ở nhà cũng thoáng chốc rồi quay lên Hà Nội. Chắc vì thế nên bác dâu tôi chẳng mấy khi cười, bù lại bác dâu tôi lại vô cùng tốt tính. Bác ngồi bậc hè ngước nhìn trời xem mai mưa hay nắng. Bác dâu tôi tuy quê mùa nhưng hay nói thơ, bác thuộc nhiều bài ca dao nghe hay đáo để. Mẹ tôi bảo: “Con ở gần bác sẽ còn nhiều cái hay nữa”. Nghe mẹ nói vậy, tôi níu tôi hỏi nhỏ: “Bác dâu có nhiều cái hay thế sao bác trai lại ít về hả mẹ?”. Mẹ gí tay vào trán tôi: “Chuyện người lớn con biết làm gì”.
Áp Tết Canh Tuất, tôi lại được mẹ tôi cho về quê ăn Tết vì tự dưng tôi thấy nhớ con trâu “của chúng mình”. Mới về tới nhà, tôi đã chạy tới chuồng trâu. Năm ấy rét kinh, quanh chuồng trâu bác dâu đã căng kín bằng những chiếc chiếu cũ. Tôi khoái chí khi thấy con trâu tỏ ra nhớ tôi, nó khua khua cặp sừng vào gióng cửa chuồng làm phát ra âm thanh lọc cọc.
Nhưng thích nữa là được xem bác dâu gói bánh chưng. Bác dâu khéo tay thật. Từng chiếc bánh chưng vuông vức được bác xếp gọn gàng vào chiếc nồi, thực ra đó là một chiếc thùng phuy 100 lít không rõ bác dâu mượn được của ai. Bác còn đặt ba chiếc bánh chưng nhỏ nhỏ xinh xinh. Bác dâu bảo: “Cho mỗi thằng một cái nhé”. Tôi vội hỏi lại: “Thế còn một cái bác để cho ai?”. Bác dâu cười: “Cho con trâu”.
Nồi bánh chưng đã chín. Bác dâu vớt từng chiếc bánh ra khỏi nồi. Bác thả vào xô nước lạnh để ngay đó một hồi rồi mới vớt ra xếp hàng đứng. Bác bảo: “Xếp thế bánh chưng mới róc hết nước. Rồi bác đưa cho tôi và người anh họ mỗi thằng một chiếc bánh nhỏ như đã hứa. Tôi thích mê tơi cứ xuýt xoa nhìn chiếc bánh còn nóng hổi.
Giao thừa vừa tới, bác dâu tôi đon đả bưng một thau nước ấm đã pha thêm nhúm muối. Bác bưng thau nước cùng chiếc bánh chưng nhỏ đi ra chuồng trâu. Tôi xăng xái xách chiếc đèn bão đi theo soi đường. Bác dâu vén chiếc chiếu cũ căng ngang cửa chuồng trâu. Bác gọi nhè nhẹ, giọng vỗ về: “Trâu ơi. Trâu à”. Hình như con trâu đã nhận ra tiếng bác. Nó lại khua sừng lọc cọc vẻ mừng rỡ. Bác dâu dúi chiếc bánh chưng đã bóc vào bó rơm khô được để sẵn ở cửa chuồng. Bác lại nói: “Trâu ơi. Trâu à. Trâu ăn Tết nhé”. Tôi ngạc nhiên: “Trâu cũng được ăn Tết hả bác?”.
Bác không quay nhìn tôi: “Chứ sao. Con trâu nó vất vả quanh năm có khi còn hơn cả người ấy. Mình được ăn Tết thì cũng phải cho nó ăn Tết chứ. Cho nó ăn Tết tức là mình phải biết ơn nó”. Rồi bác ngâm nga: “Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta/ Cấy cày vốn nghiệp nông gia/ Ta đây trâu đấy ai mà quản công/ Bao giờ cây lúa còn bông/ Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”.
Xong xuôi chuyện cho trâu ăn Tết thì bác dâu nhắc tôi vào nhà kẻo lạnh. Ấy là khi ba bác con ngồi  trong ổ rơm nóng sực. Bác dâu lại ngâm nga: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi/ Tháng Hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà/ Tháng Ba thì đậu đã già/ Ta đi ta hái về nhà phơi khô/ Tháng Tư đi tậu trâu bò/ Để ta sắm sửa làm mùa tháng Năm”. Từng câu ca dao được bác dâu đọc làm tôi vỡ ra nhiều điều xưa nay chưa biết.
Đêm đón năm mới tôi năm ấy vui vô kể. Lời đọc ca dao của bác dâu cứ âm thầm khắc vào tâm trí. Hơi ấm ổ rơm dìu tôi vào giấc ngủ, nghe còn vang vẳng bên tai: “Lao xao gà gáy rạng ngày/ Vai vác cái cày, tay dắt con trâu/ Bước chân xuống cánh đồng sâu/ Mắt nhắm mắt mở đuổi trâu đi cày/ Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Nhớ công hôm sớm cấy cày cho chăng”.
Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cày cấy vốn nghiệp nông gia
Ta đây trâu đấy ai mà quản công? 
Bao giờ cây lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”.
Nguyễn Trọng Văn (cand.vn)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.