(GLO)- Bên bình trà nóng ấm thơm nồng, một sớm tháng Chạp nắng vàng hanh hao, se se lạnh, tiếp chúng tôi lão nông Phan Mạnh Đoàn (tổ 3, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) tâm sự: “Điệp khúc được mùa mất giá, hay bị tư thương nắm tay nhau “làm giá” đã cực lòng nhưng hộ trồng rau còn sống được nhờ vụ đắt bù vụ ế, chứ tình trạng cây rau xà lách “dở chứng” ở ngay vùng đất này đã thật sự đẩy người nông dân chúng tôi vào ngõ hẹp.
Đã 2 năm nay, chẳng biết vì đâu, cứ qua 1/3 thời gian sinh trưởng, tức hơn 10 ngày là cây xà lách lại lụi tàn. Ban đầu chúng tôi đoán, có thể đất đã mất đi sự cân bằng dưỡng chất cần thiết cho quá trình sinh trưởng cây rau nên đã nạo hốt cả lớp đất cũ, thay vào lớp đất mới, rồi phân tro, vôi trấu, làm đất lại từ đầu theo đúng quy trình như kinh nghiệm và cả hướng dẫn kỹ thuật. Là chính vườn nhà tôi làm thế, chứ nếu nghe người ta bảo thế thì còn ngờ, nhưng tình hình không hề cải thiện. Lạ là thay vào đó rau cải, rau mùi, rau ăn quả các loại thì phát triển rất bình thường, thậm chí tốt là đằng khác. Rồi thay vì chuyên canh, chúng tôi trồng xen canh, sau vài lứa rau cải chẳng hạn, quay lại trồng xà lách, nó vẫn lụi tàn như trước”.
Thu hoạch cải muối dưa trên diện tích vốn dành cho xà lách. Ảnh: Đ.P |
“Thì chúng ta tạm “quên” cây xà lách thêm một thời gian nữa xem sao”-tôi đặt vấn đề. Nhấp ngụm trà đặc, ông Đoàn trầm ngâm: “Cây xà lách có nhiều lợi thế: không phải mua hạt giống, dễ trồng, mùa Đông-Xuân gần như chẳng phải phun bất kỳ loại thuốc nào; chu kỳ sinh trưởng lại ngắn, thị trường tiêu thụ xếp hạng mạnh nhất trong tất cả các loại rau ăn lá vì tính phổ biến trong thực đơn mọi người. Với lại, ở vùng khí hậu và thổ nhưỡng này nó hợp lắm, phát triển tốt và bắt mắt chẳng thua kém bất cứ vùng nào. Điều này được khẳng định qua thời gian gần 20 năm trải nghiệm. Thế mà…”.
Chị Phạm Thị Tranh-Chủ tịch Hội Nông dân phường Yên Thế (TP. Pleiku) đưa chúng tôi gặp anh Phạm Xuân Dinh-một nông dân trẻ, năng động điển hình để tìm hiểu thêm. Ngay trên những luống rau cải muối dưa đang thu hoạch, anh cười: “Chuyện dài kỳ lắm. Đã tìm đủ cách để “chữa bệnh” nhưng bó phép. Chúng tôi đã cắt cử người mang mẫu đất, mẫu cây gửi đến Viện Nghiên cứu Giống cây trồng Đà Lạt nhờ tìm ra nguyên nhân, cách chữa trị. Nhưng họ trả lời chỉ làm việc theo đề nghị của ngành chức năng chứ không giải quyết theo hướng cá nhân, đơn lẻ. Chúng tôi cũng đã gửi đề nghị lên Hội Nông dân phường nhờ các cơ quan chức năng xem xét nhưng chưa thấy “hồi âm”. Thật ra cũng có một ít diện tích vẫn trồng được cây rau xà lách từ bấy đến giờ nên chúng tôi nghĩ nguyên nhân gây tàn lụi theo hướng nguồn nước. Nếu đúng như vậy thì cách giải quyết vấn đề quả khó hơn bắc thang lên giời!”.
Khi chia tay, anh Dinh nhắn nhủ: “Thay mặt cho bà con trồng rau, nhờ giới truyền thông góp tiếng nói tác động đến các cơ quan chức năng sớm quan tâm, tìm hướng giải quyết để cây rau xà lách “phục sinh” cùng người và đất nơi này”.
Đình Phê