Trần Đình Hiệu: Tuổi trẻ sáng tạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tham gia tích cực trong nhiều đề tài nghiên cứu ứng dụng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm mủ Latex HA, anh Trần Đình Hiệu (SN 1987, thôn Hợp Thắng, xã Ia Drăng, huyện Chư Prông) đã vinh dự trở thành một trong 34 cá nhân được vinh danh trong Festival “Sáng tạo trẻ” toàn quốc vừa qua.

 Anh Trần Đình Hiệu (ở giữa) tại Festival “Sáng tạo trẻ” toàn quốc 2016. Ảnh: P.L
Anh Trần Đình Hiệu (ở giữa) tại Festival “Sáng tạo trẻ” toàn quốc 2016. Ảnh: P.L

Sau khi tốt nghiệp lớp chế biến mủ cao su tại Trường Kỹ thuật Nghiệp vụ Cao su Bình Phước, anh Hiệu về làm cán bộ kỹ thuật tại Xí nghiệp Chế biến-Vận tải (Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông). Tại đây, anh được giao nhiệm vụ phụ trách giám sát quy trình sản xuất mủ Latex cô đặc. Cũng từ đây, niềm đam mê tìm tòi, sáng tạo trong anh được khơi nguồn.

Tính từ năm 2011 đến nay, anh Hiệu đã cùng cộng sự nghiên cứu 3 đề tài, trong đó đề tài “Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ ủ urê nhằm tách Protein trong Latex cô đặc và nâng cao chất lượng sản phẩm” đem lại hiệu quả cao, phục vụ đắc lực cho kỹ thuật chế biến mủ, nâng cao chất lượng sản phẩm. “Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đã chứng minh sự có mặt của Protein trong cao su sản xuất các dụng cụ y tế và dụng cụ tiêu dùng khác đã gây ra một số hiệu ứng dị ứng khi người sử dụng tiếp xúc các loại sản phẩm cao su. Chính vì vậy, sản phẩm Latex cô đặc 60% nhất thiết phải được loại bỏ Protein, đó là điều kiện cần để có một sản phẩm chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu của thị trường, nhất là xuất khẩu cho thị trường Nhật (Công ty Partners Plus)”-anh Hiệu giải thích. Sau hơn 1 năm nghiên cứu, giải pháp kỹ thuật mà nhóm của anh Hiệu nghiên cứu đã đạt những kết quả ngoài mong đợi. Đáng chú ý là sản phẩm Latex HA sản xuất theo giải pháp mới có Protein thấp nên việc lưu trữ để ổn định sản phẩm chỉ mất 10 ngày chỉ số MST đạt đến 1.500 giây (thông thường phải mất 15 ngày mới đạt được chỉ số MST từ 650 giây đến 900 giây). Bên cạnh đó, khi áp dụng giải pháp này, chất lượng sản phẩm không bị thay đổi mà đạt một số chỉ tiêu tốt hơn, cụ thể như hàm lượng phi cao su thấp, chỉ số KOH thấp hơn, tính ổn định nhanh hơn.

Với tính ứng dụng cao, giải pháp kỹ thuật “Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ ủ urê nhằm tách Protein trong Latex cô đặc và nâng cao chất lượng sản phẩm” đã đạt giải ba tại Hội thi Sáng tạo khoa học-kỹ thuật tỉnh Gia Lai lần thứ VII-2015. Với sự tham gia đóng góp trong nhiều công trình nghiên cứu, trong đó có giải pháp kỹ thuật “Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ ủ urê nhằm tách Protein trong Latex cô đặc và nâng cao chất lượng sản phẩm”, anh Trần Đình Hiệu trở thành một trong 34 gương mặt sáng tạo trẻ toàn quốc được vinh danh tại Festival “Sáng tạo trẻ” được tổ chức tại tỉnh Vĩnh Phúc vừa qua. Về danh hiệu này, anh Hiệu bày tỏ: “Mình chỉ tham gia đóng góp khoảng 20% cho đề tài nghiên cứu. Việc được nhận danh hiệu “Sáng tạo trẻ” là khá bất ngờ với mình. Dù vậy mình cảm thấy rất vui, tự hào vì những đóng góp của bản thân được mọi người ghi nhận”.

Bằng niềm đam mê trong công việc, sự tận tụy, cống hiến hết mình cho công tác nghiên cứu, sáng tạo, nhiều năm liền anh Hiệu đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tặng bằng khen… Nói về những dự định sắp tới, anh Hiệu chia sẻ: “Những gì đạt được hôm nay sẽ là bước đệm để mình cố gắng hơn, nỗ lực hơn trong công việc. Sắp tới, cùng với nhóm nghiên cứu, mình sẽ tiếp tục tìm tòi, sáng tạo nhằm góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các khách hàng”.

 Phương Linh

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.