(GLO)- Khi Quảng trường Đại Đoàn Kết mở cửa, lập tức công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật này trở thành niềm tự hào của người dân Gia Lai. Hội tụ những giá trị vật chất, tinh thần, Quảng trường được ví như trái tim của thành phố Pleiku.
Đất lành chim đậu
Hàng ngàn con chim sáo tụ về khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết vào mỗi chiều muộn, tìm những cây cao làm nơi trú ngụ qua đêm suốt hơn một tháng nay khiến nhiều người dân vô cùng thích thú. Bầy chim sáo ngàn con tạo nên âm thanh rộn rã trong thời khắc cuối ngày, khuấy động cả một góc Quảng trường. Chúng khiến không ít người phải dừng lại nghiêng tai lắng nghe hợp âm đa dạng của tiếng chim gọi bầy, ríu ran, hạnh phúc.
Gắn bó lâu năm với công việc làm sạch đẹp cho đường Lý Tự Trọng-con đường sát bên hông Quảng trường, chị Phạm Thị Mỹ Duyên-công nhân Công ty Công trình Đô thị thích thú chia sẻ: “Tôi đã làm việc ở khu vực này 18 năm, chưa từng thấy bầy chim sáo nào đông như thế tìm về trú ngụ, có đến hàng ngàn, hàng vạn con. Cứ 6 giờ chiều, hàng ngày chim sáo bắt đầu bay về tìm chỗ ngủ. Chúng cũng bay đi rất sớm, 5 giờ sáng đã không còn bóng dáng của con nào”. Chị kể: “Nhiều khách phương xa khi đến thăm Quảng trường đều rất thích thú với việc có đàn chim cả ngàn con. Họ cũng không ngừng trầm trồ khen Quảng trường đẹp, nhiều cây xanh. Là một công dân của TP. Pleiku, chúng tôi thấy tự hào vô cùng”.
Những người dân sống quanh khu vực Quảng trường kể rằng, mỗi sớm mai khi đàn chim thức dậy bay đi kiếm mồi, chúng không ồn ào, huyên náo như lúc trở về. Chúng đón chào bình minh bằng hợp âm vui tai, khiến khoảnh khắc đầu ngày chìm ngập sự bình yên. Không hẹn mà nhiều người tin rằng, sự có mặt của bầy chim dự báo điềm lành. Bởi trước khi có Quảng trường, khu vực này không thiếu cây xanh, nhưng chưa từng có bầy chim nào đông đảo như thế tìm về trú ngụ.
Trái tim của thành phố
Có vị trí hài hòa trong quần thể các công trình kiến trúc văn hóa-lịch sử như Bảo tàng cổ vật, Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum… Quảng trường Đại Đoàn Kết được ví như trái tim của TP. Pleiku. Và, ngay tại Quảng trường mang tên gọi về sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc theo tư tưởng của Bác, công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên đặt tại trung tâm Quảng trường đã trở thành một điểm nhấn đặc biệt, ý nghĩa.
Quảng trường còn là nơi kể những câu chuyện văn hóa-lịch sử cho nhiều thế hệ. Từ tinh thần đại đoàn kết ngay trong tên gọi Quảng trường, đến giá trị văn hóa của các dân tộc qua hình ảnh dàn cồng chiêng, bóng dáng những cây kơ nia, pơ lang; hình ảnh đất nước qua những búp sen trắng, sen hồng…
Ảnh: Đức Thụy |
Mỗi ngày có hàng ngàn lượt người đến với Quảng trường. Đây là nơi để cảm nhận rõ nhất hơi thở, nhịp sống của thành phố. Người già, em bé, nam thanh nữ tú đều tìm thấy cho mình những góc riêng. Nhiều người khẳng định, từ khi có Quảng trường, họ thấy yêu thành phố hơn. Các thế hệ người dân vẫn thường đến đây không chỉ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc, mà còn để báo công với Bác những việc làm tốt. Bí thư Thành đoàn Võ Thị Bảo Ngân chia sẻ: “Vào những dịp đặc biệt, Thành đoàn tổ chức cho tuổi trẻ thành phố, các em thiếu niên, nhi đồng đến dâng hoa báo công với Bác. Chỉ thế thôi cũng đủ khích lệ tinh thần tuổi trẻ”.
Điều mong đợi của các tầng lớp nhân dân đã được đáp ứng khi mới đây, tỉnh ta khánh thành nơi thờ Bác Hồ trong khuôn viên Quảng trường. Nơi thờ Bác nằm dưới những tán thông cổ thụ-một hình ảnh đặc trưng của Phố núi. Bên trái, một hàng liễu dài buông rũ tóc xanh mềm với những cánh hoa đỏ ngời khiến bất kỳ ai đặt chân đến cũng cảm nhận ngay sự tĩnh lặng, ấm áp ở nơi chốn thờ vị cha già dân tộc.
Rồi đây, khi đến thăm Quảng trường, chiêm ngưỡng công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên, mọi người có thể rũ bỏ mọi ưu phiền ở bên ngoài để bước vào nơi thờ tự, dâng Bác nén hương thơm tưởng nhớ…
Hoàng Ngọc