Đắk Lắk là địa phương đầu tiên ở Tây Nguyên trải thảm đỏ mời nhân tài về giữ các chức vụ quan trọng trong cơ quan quản lý nhà nước.
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường (phải ảnh) tại triển lãm hàng nông sản của tỉnh. Đồng chí khẳng định sẽ tạo điều kiện cho người tài, doanh nghiệp điều kiện tốt nhất để cống hiến cho địa phương.Ảnh: H.L |
Chủ trương táo bạo
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk vừa ban hành Kế hoạch thí điểm tuyển chọn Bí thư Huyện ủy Lắk và Buôn Đôn. Việc tuyển chọn thí điểm Bí thư Huyện ủy 2 huyện dựa trên cơ sở Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về công tác cán bộ.
Chủ trương tìm người tài về giữ các chức vụ tại huyện Lắk và Buôn Đôn ngay lập tức nhận được sự ủng hộ cao từ phía người dân và cán bộ công chức trên địa bàn. Chị Nguyễn Thị Dung - cán bộ nhà nước tại TP.Buôn Ma Thuột - ủng hộ chủ trương của tỉnh. Tuy vậy, chị Dung cũng băn khoăn về nội dung tuyển chọn, các đối tượng được ứng tuyển. “Để người tài an tâm ứng tuyển làm việc, cống hiến cho địa phương, tôi cho rằng tỉnh cần tổ chức tuyển chọn làm sao cho minh bạch, công khai dân chủ” - chị Dung nói.
Bên cạnh băn khoăn của người dân về tính minh bạch trong tuyển chọn người tài, nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo lắng về môi trường làm việc của nhân tài sau khi trúng tuyển. Về việc này, một vị lãnh đạo huyện ở Đắk Lắk kiến nghị, Tỉnh ủy Đắk Lắk cần tạo điều kiện tối đa với những người trúng tuyển. Cụ thể, cần tạo điều kiện để người tài nhanh chóng bắt nhịp được công việc; cần quy định mức thời gian, tính hiệu quả trong công việc của những người trúng tuyển.
“Thu hút nhân tài là chủ trương mới mẻ của tỉnh Đắk Lắk. Chính vì vậy, chúng ta cần có thời gian để đánh giá hiệu quả, điều chỉnh các quy định, các chính sách mời gọi nhân tài sao cho phù hợp với thực tiễn” - vị lãnh đạo huyện nêu quan điểm.
Sau khi tổ chức tuyển chọn người tài giữ chức vụ, thời gian tới, Đắk Lắk sẽ tổ chức thi tuyển các chức danh Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Công Thương và Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. |
Công khai, dân chủ và minh bạch
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường cho biết, việc tuyển chọn vào chức danh Bí thư Huyện ủy ở 2 huyện Lắk, Buôn Đôn được thực hiện theo cơ chế cạnh tranh, bình đẳng, dân chủ, công khai và khách quan.
“Các cơ chế mở như vậy mới có thể lựa chọn những công chức lãnh đạo, quản lý thực sự có năng lực, trình độ và triển vọng. Cơ chế mở cũng tạo môi trường, điều kiện để ứng viên nghiên cứu học tập nâng cao trình độ bản thân, chắt lọc các đề án, giải pháp khả thi để xây dựng phát triển huyện...” - Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk chia sẻ.
Về nội dung tuyển chọn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk sẽ trực tiếp đặt câu hỏi, nêu các tình huống cho các ứng viên. Người nào đưa ra được những giải pháp tốt, chính sách tốt để giúp kinh tế - xã hội địa phương đi lên, người đó sẽ được chọn làm Bí thư Huyện ủy. “Sau hai huyện Lắk và Buôn Đôn, các huyện, thị và thành phố cũng sẽ áp dụng cách tuyển chọn này” - Bí thư Đắk Lắk Bùi Văn Cường khẳng định.
Dự kiến, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk sẽ chọn khoảng 3-5 ứng viên là những cán bộ, công chức đảm bảo đủ điều kiện, tiêu chuẩn chức danh theo quy định. Các ứng viên này phải có 3 năm liền kề hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ trở lên; không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4, Điều 82 Luật Cán bộ, công chức. Vị trí Bí thư Huyện ủy Buôn Đôn, ưu tiên ứng viên là người dân tộc thiểu số. Theo kế hoạch, ngày 25.2, hội đồng sẽ tổ chức việc tuyển chọn. Các ứng viên sẽ trình bày nội dung “Chương trình hành động và cam kết trách nhiệm thực hiện”.
http://https://laodong.vn/thoi-su/trai-tham-do-moi-nhan-tai-chung-suc-phat-trien-dak-lak-785357.ldo
Theo Hữu Long (Báo Lao Động)