Tốt nghiệp kỹ sư xây dựng, làm ở Viện Nghiên cứu và phát triển ngành nghề nông thôn, chàng thanh niên quê Quảng Trị từ bỏ công việc văn phòng để lao ra đồng, với giấc mơ biến nhiều loại cỏ cây quen thuộc của nhà nông thành tinh dầu.
Về quê cuốc đất
Xuất hiện tại vườn sả ở xã vùng cao Hải Phúc (huyện Đakrông, Quảng Trị), tinh tươm trong một chiếc áo sơ mi trắng, quần tây, tóc chải gọn gàng… chàng trai 26 tuổi Lê Huệ giống một “hot boy” hơn một anh nông dân. “À, do hôm nay mình đi cùng một số đối tác nước ngoài lên giới thiệu vườn sả của bà con Vân Kiều, nên cần… tươm tất tí. Chứ ngày thường, mình vẫn mặc quần áo bảo hộ, đi ủng cao su”, Huệ nói.
Lê Huệ |
Chào đời ở một xóm nghèo thuộc thôn An Xá (xã Trung Sơn, huyện Gio Linh), từ nhỏ Huệ nổi tiếng học giỏi nên việc thi đỗ vào ngành kỹ sư xây dựng (ĐH Đà Nẵng) rồi sớm kiếm được việc làm ở Viện Nghiên cứu và phát triển ngành nghề nông thôn (trụ sở ở Hà Nội) không khiến nhiều người bất ngờ. Bà con chòm xóm chỉ thực sự "sốc" khi thấy Huệ... quay về làng để làm nông sau nhiều năm rời quê đi học. Chuyện Huệ bỏ việc về quê làm dự án nông nghiệp như “sét đánh ngang tai" đối với cha mẹ anh.
Không hối tiếc về quyết định bỏ việc, nhưng Huệ luôn thấy biết ơn những năm tháng làm việc ở cơ quan cũ. Trong 3 năm liền làm ở viện nghiên cứu, Huệ đã tham gia những dự án của các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất nông nghiệp. Cũng trong thời gian này, Huệ tham quan nhiều mô hình trồng cây ở nhiều tỉnh thành, đặc biệt là cây dược liệu, thấy nông dân làm ăn rất hiệu quả và nhàn hạ hơn nhiều so với trồng lúa. “Những trải nghiệm đó giúp mình có kiến thức. Mình đặc biệt ấn tượng với cây sả, một loài cây khá thân thuộc ở quê”, Huệ nói.
Thế là Huệ bắt đầu bỏ công sức tỉ mẩn nghiên cứu, thu thập thông tin về cây sả. Càng đi sâu, Huệ càng “mê” loại cây này khi biết ngoài phục vụ ăn uống, sả còn dùng để chưng cất tinh dầu phục vụ ngành dược và là nguyên liệu cần thiết cho ngành công nghiệp mỹ phẩm, có thị trường lớn ở nhiều nước trên thế giới.
Nhưng Huệ sớm bị “dội một gáo nước lạnh” khi bố mẹ phản đối. Cuối năm 2015, khi Huệ chính thức bỏ việc, bố mẹ cuối cùng cũng “xuống nước”, đỡ đần cùng cậu vay mượn 200 triệu đồng để thuê 5 ha đất hoang ở KP.Nam Hùng (TT.Cam Lộ, huyện Cam Lộ) trồng sả. Từ đây, Huệ lao ra đồng đất, cuốc những nhát cuốc đầu tiên và ký hợp đồng với một hợp tác xã ở Ninh Bình để đảm bảo đầu ra.
Lầm lũi làm giữa bao hoài nghi, bao câu hỏi về tính khả thi của dự án, nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, sả của Huệ trồng rất tốt, có hàm lượng tinh dầu cao. Với việc đầu tư 2 máy ép tinh dầu sả, riêng năm 2016, sau 4 đợt thu hoạch, Huệ chưng cất 1.500 lít tinh dầu, doanh thu 900 triệu đồng. Bình quân, mỗi héc ta trồng sả cho doanh thu 180 triệu đồng, trừ chi phí lãi gần 80 triệu đồng. “Bây giờ chắc mọi người đã quên về khoản thu nhập 9 triệu đồng/tháng của tôi trước đây”, Huệ dí dỏm.
Giấc mơ về tinh dầu
Với tính khả thi của cây sả, Huệ đã sớm tính đến chuyện mang loài cây này lên vùng cao Đakrông để giúp đồng bào ở đây "kiếm cơm". Huệ cất công dẫn bà con về vườn sả ở Cam Lộ để mọi người tận mắt chứng kiến các khâu từ trồng đến chưng cất. Được chính quyền giúp đỡ, Huệ hỗ trợ phân bón, cây giống, hướng dẫn kỹ thuật kiểu “cầm tay chỉ việc”, lắp đặt máy chưng cất tại vườn và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm để bà con yên tâm trồng sả.
Cây sả dễ trồng, mỗi héc ta trồng được 40.000 cây, cho thu hoạch trung bình 100 tấn lá/năm, chưng cất được 300 lít tinh dầu, doanh thu 180 triệu đồng. Mỗi gốc sả trồng xuống có thể cho thu hoạch liên tục
3 năm, sau đó mới phải trồng lại. Hiện ở huyện Đakrông đã có tới 25 ha trồng sả tập trung và đang triển khai thành lập HTX Van Pa chuyên trồng sả. “Trước đây, đất hoang chẳng biết làm gì. Nay trồng sả, cậu Huệ hứa thu mua hết, nên không lo đói nữa”, bà Hồ Thị Cam (ngụ thôn 5, xã Hải Phúc, huyện Đakrông) phấn khởi nói.
Giấc mơ của Huệ không chỉ dừng lại ở cây sả. Chỉ tay về phía biển, Huệ bảo nơi đó đang có những cánh rừng tràm bạt ngàn và có thể hái ra tiền nhưng lại bị khai thác tận diệt. Huệ còn muốn ép tinh dầu cây bạch đàn, ấp ủ giấc mơ chưng cất thêm nhiều loại cây dược liệu khác như cao chè vằng, cà gai leo, lạc tiên rồi sản xuất dầu gội từ các loại thảo dược “cây nhà lá vườn” như vỏ bưởi, hương nhu, bồ kết, sả…
“Mình còn trẻ, thời gian còn dài, đủ để thử nghiệm hết mà”, Huệ vui vẻ nói.
Nguyễn Phúc - Thanh Lộc/thanhnien