Hoài Nhơn là huyện phía Bắc tỉnh Bình Định, diện tích tự nhiên 412,95km2, dân số: trên 208.900 người, mật độ trung bình 508,8 người/km² (niên giám thống kê năm 2013); gồm 15 xã: Hoài Sơn, Hoài Châu, Hoài Châu Bắc, Hoài Phú, Hoài Hảo, Hoài Tân, Hoài Đức, Hoài Mỹ, Hoài Xuân, Hoài Thanh, Hoài Thanh Tây, Hoài Hương, Hoài Hải, Tam Quan Nam, Tam Quan Bắc và 2 thị trấn: Bồng Sơn, Tam Quan.
![]() |
Hoài Nhơn có tuyến đường sắt Bắc Nam và quốc lộ 1A chạy qua, là điểm đầu các tuyến tỉnh lộ 629, 630 và 639 nối liền các huyện trong tỉnh; có 2 ga tàu lửa, 1 bến xe đường bộ và 2 cửa biển.
Tên gọi Hoài Nhơn chính thức có từ năm Hồng Đức thứ nhất, năm 1471, thời nhà Lê. Phủ Hoài Nhơn khi ấy gồm ba huyện Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn, địa giới kéo dài đến núi Thạch Bi (tỉnh Phú Yên). Năm 1602, mới đổi thành phủ Quy Nhơn.
Toàn huyện có 11.277 liệt sĩ; 8.764 thương, bệnh binh; 1.774 Mẹ Việt Nam anh hùng. 24 tập thể và 26 cá nhân được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, tất cả các xã, thị trấn trong huyện đều là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Sau ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân Hoài Nhơn đã nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục, phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Sau 40 năm tái thiết, nhất là trong thời kỳ đổi mới, diện mạo huyện Hoài Nhơn hoàn toàn thay đổi. Từ một huyện thuần nông, độc canh cây lúa, sản xuất tự cung tự cấp là chủ yếu nay đang trở thành một huyện sản xuất hàng hóa nhiều thành phần, tạo giá trị gia tăng, tích lũy để tái sản xuất mở rộng; các ngành kinh tế thủy sản, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ dần phát triển; cơ cấu kinh tế dịch chuyển đúng hướng.
![]() |
Tình hình phát triển KT-XH năm 2014: Tổng giá trị sản xuất (theo giá cố định 1994) tăng 18,1% so với năm 2013. Tỉ trọng nông - lâm - ngư nghiệp 32%; công nghiệp - xây dựng - dịch vụ 68%. Giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp tăng 8,5%; công nghiệp - xây dựng tăng 21%; thương mại - dịch vụ tăng 25% so với năm 2013.
Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm 20.077 ha; trong đó, cây lúa 13.928,6 ha, năng suất bình quân đạt 59,5 tạ/ha. Tổng sản lượng lương thực 92.762 tấn. Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản 44.100 tấn. Đàn bò có 22.500 con, tỉ lệ bò lai 78%/tổng đàn; đàn heo có 155.000 con, tỉ lệ heo hướng nạc 86%/tổng đàn; đàn gia cầm 850.000 con.
Chăm sóc, khoanh nuôi, khoán bảo vệ trên 5.130 ha rừng trồng các năm trước. Trồng mới 1.080 ha rừng, đạt 103,8% kế hoạch (trong đó, rừng phòng hộ 242 ha). Sản lượng gỗ rừng trồng khai thác 70.350 m3, tỉ lệ che phủ rừng 44,2%.
Tổng số tàu cá hiện có 2.367 chiếc, công suất trên 653.200 CV. Diện tích tôm thả nuôi trên 241 ha, năng suất bình quân đạt 6,75 tấn/ha. Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản ước đạt 44.100 tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ; trong đó, sản lượng khai thác 42.400 tấn, bằng 101% kế hoạch năm, riêng cá ngừ đại dương trên 7.500 tấn.
![]() |
Toàn huyện có 25 HTX, trong đó có 21 HTXNN; qua đánh giá kết quả sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có 20/21 HTXNN hoạt động có hiệu quả.
Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ước đạt 907,4 tỉ đồng, tăng 19% so với năm 2013. Toàn huyện có 8 cụm công nghiệp và 1 khu chế biến thủy sản tập trung thu hút 33 doanh nghiệp, hoạt động với vốn đầu tư 700 tỉ đồng, giải quyết việc làm trên 5.300 lao động.
Toàn huyện có 288 doanh nghiệp và 12.970 hộ cá thể kinh doanh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt 6.500 tỉ đồng, tăng 25% so với năm 2013.
Tổng thu ngân sách phát sinh trên địa bàn 225.190 tỉ đồng.
Số lao động được giải quyết việc làm mới 4.500 người. Tỉ lệ lao động qua đào tạo, bồi dưỡng nghề 60%. Tỉ lệ hộ nghèo giảm 2,09%. Tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng còn 14,21%.
![]() |
Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia: 4 trường (đang đề nghị tỉnh công nhận). Tỉ lệ số thôn, khối phố được công nhận đạt chuẩn văn hóa: 71%. Tỉ lệ số cơ quan, đơn vị, trường học được công nhận đạt chuẩn văn hóa: 88%.
Xây dựng nông thôn mới: Hai xã Tam Quan Bắc và Hoài Châu đạt 19/19 tiêu chí Nông thôn mới; hai xã Hoài Châu Bắc và Hoài Tân đạt 16/19 tiêu chí; xã Hoài Hương đạt 15/19 tiêu chí; xã Tam Quan Nam đạt 14 tiêu chí; 6 xã đạt 10 - 12 tiêu chí, 3 xã đạt 7 - 8 tiêu chí.
Một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2015: Tổng giá trị sản xuất (theo giá cố định 1994); giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp tăng 5%; công nghiệp - xây dựng tăng 21%; thương mại - dịch vụ tăng 25% so với năm 2014; tỉ trọng nông - lâm - ngư nghiệp 30%; công nghiệp - xây dựng - dịch vụ 70%. Sản lượng lương thực: 93.300 tấn; sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản: 44.200 tấn. Tổng thu ngân sách phát sinh trên địa bàn huyện: 217,561 tỉ đồng.
![]() |
Tạo việc làm mới cho 5.000 lao động. Tỉ lệ lao động qua đào tạo, bồi dưỡng nghề: 65%; tỉ lệ hộ nghèo giảm 2%; tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng còn: 13,71%.
Xây dựng 5 trường đạt chuẩn quốc gia; 75% số thôn, khối phố được công nhận đạt chuẩn văn hóa và 90% số cơ quan, đơn vị, trường học được công nhận đạt chuẩn văn hóa; xây dựng 4 xã đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới.