Tổng lực chặn "sốt đất"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cần công cụ thuế đủ mạnh để điều tiết thị trường bất động sản, tránh xảy ra "sốt đất", gây hệ lụy lớn đến kinh tế - xã hội
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định trong những tháng đầu năm 2021, giá bất động sản (BĐS) nhiều khu vực tăng mạnh. Trong đó, nguyên nhân một phần do công tác quản lý đất đai, quy hoạch và việc thổi giá của đối tượng môi giới.
Giám sát chặt tín dụng BĐS
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng trong thời gian tới, cần chú trọng theo dõi sát diễn biến các thị trường trên, không để xảy ra tình trạng "bong bóng" BĐS, tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến nền kinh tế. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước cần giám sát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực BĐS.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định tín dụng BĐS là một trong những lĩnh vực mà ngành ngân hàng quản lý rất sát, chặt chẽ. "Ngân hàng Nhà nước thường xuyên kịp thời cảnh báo các tổ chức tín dụng khi có những dấu hiệu bất ổn cũng như hụt dòng trong đầu tư quá lớn" - ông Đào Minh Tú nói.
Với các đối tượng đầu cơ BĐS hoặc đầu tư tại các dự án với khả năng thanh toán hoặc hiệu quả đầu tư không cao, Ngân hàng Nhà nước luôn kiểm soát chặt chẽ và có biện pháp hạn chế, đồng thời có chế tài trực tiếp hoặc gián tiếp với các tổ chức tín dụng.
 
Nhiều địa phương phía Bắc đang “sốt đất”. Trong ảnh: Đất đang được các “cò” rao bán sôi động ở tỉnh Hà Nam
Nhiều địa phương phía Bắc đang “sốt đất”. Trong ảnh: Đất đang được các “cò” rao bán sôi động ở tỉnh Hà Nam
Công khai quy hoạch, xử lý tin đồn
Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương về việc tăng cường công tác quản lý thị trường BĐS. Theo đó, đề nghị các địa phương phải tổ chức công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, BĐS; đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính... để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi.
Cùng với đó, các địa phương phải tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra và thanh tra; có giải pháp phù hợp nhằm ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu tư theo tâm lý đám đông; xử lý nghiêm các trường hợp môi giới, mua bán BĐS, dự án BĐS, quyền sử dụng đất, buông lỏng quản lý... vi phạm pháp luật về đất đai, về kinh doanh BĐS và pháp luật có liên quan.
Trong khi đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các tỉnh, thành chỉ đạo các sở, ngành có liên quan tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án BĐS, nhất là BĐS hình thành trong tương lai. Trên cơ sở này, bảo đảm việc đưa BĐS vào kinh doanh, chuyển nhượng dự án BĐS phải đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động môi giới BĐS để bảo đảm hoạt động này tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.
"Việc công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch phải được thực hiện để người dân tiếp cận các thông tin chính thống, không bị nhiễu thông tin; tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá, đẩy giá BĐS lên cao nhằm thu lợi bất chính và có biện pháp quản lý sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt" - Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ và đề nghị các cơ quan thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất… để thu nghĩa vụ thuế, kiểm soát các giao dịch ảo, thổi giá BĐS. 
Đánh thuế thật mạnh
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, GS-TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (ĐBQH đoàn Hà Nội), đưa ra 2 giải pháp kiểm soát thị trường BĐS, tránh xảy ra "sốt đất".
Thứ nhất, ông đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần minh bạch thông tin đất đai về quy hoạch, xây dựng các dự án, quỹ đất. Bởi khi thông tin công khai, đầy đủ và kịp thời sẽ giúp tránh được tình trạng người dân bị thông tin không chính thức dẫn dắt.
"Người đầu cơ, người tạo ra tin đồn rất nhanh tay mua và bán cho người khác với giá cao. Người mua sau do thông tin thiếu minh bạch đã mua đất giá cao và khó thoát ra được. Do đó, lợi ích chỉ chuyển từ một số nhóm người này sang một số nhóm người khác. Nếu chúng ta không thông tin một cách đầy đủ thì nhiều người dân sẽ bị cuốn theo và làm lợi cho một số người" - GS-TS Hoàng Văn Cường nói.
Thứ hai, ông Cường cũng mong muốn cần sớm có chính sách hiệu quả để xử lý dứt điểm tình trạng đầu cơ, thổi giá đất. Ông phân tích tại nhiều khu vực, các mảnh đất gia tăng lợi thế địa tô do được nhà nước đầu tư về hạ tầng, thay đổi quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất... Do đó, bản chất của việc gia tăng giá trị của đất khu vực đó là do nhà nước, nên nhà nước phải thu hồi chênh lệch lợi thế địa tô.
Ông dẫn ví dụ ở một số nước định ra mức thuế cao để điều tiết giá trị gia tăng thêm của các khu đất. Do đó, Việt Nam nên nghiên cứu ban hành một loại thuế đánh vào việc thay đổi giá trị của đất do lợi thế địa tô.
"Cần đánh thuế thật mạnh để kiểm soát "sốt đất". Chúng ta tạo ra một chính sách thuế tốt để làm sao người mua hay đầu cơ sẽ không hưởng lợi từ việc đó, thay vì thả nổi như hiện nay, mới xử lý được vấn đề" - GS-TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Bài và ảnh: VĂN DUẨN (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.