Tôi mãi tự hào là bộ đội cụ Hồ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một người đàn ông đứng tuổi có thân hình thấp, làn da nâu giòn đặc trưng ra đón chúng tôi. Vẻ mặt ông thoạt đầu hiện lên những thắc mắc cho sự ghé thăm đường đột của vị khách lạ, nhưng sau khi nghe tôi giới thiệu, ông cười hiền: “Lớn lên đi lính đánh giặc rồi gắn bó với lực lượng quân đội cho đến ngày về hưu, tính ra hơn 47 năm, tôi trọn vẹn trong vai một người bộ đội cụ Hồ. Đó là cả một niềm vinh dự và tự hào khôn tả mỗi khi nghĩ lại”…
 

Chị Chiêm (đang công tác tại Bộ chỉ huy quân sự tỉnh) dẫn tôi đến nhà Thiếu tướng Rơ Ô Cheo-nguyên Phó tư lệnh Quân khu 5 (số 49/6 Trần Nguyên Hãn, phường Đống Đa, TP. Pleiku) khi trời gần đứng bóng. Phố núi ngày đông lạnh lẽo với từng đợt gió thổi thốc như muốn kéo bay mọi thứ xung quanh. Tựa lưng vào chiếc ghế gỗ, Thiếu tướng Rơ Ô Cheo bắt đầu bộc bạch về đời lính của mình, cứ như thể lâu lắm rồi ông không có cơ hội lục lọi miền ký ức.

Những trận chiến khó quên

 

Ảnh: Hồng Thi
Thiếu tướng Rơ Ô Cheo. Ảnh: Hồng Thi


Sinh năm 1952 tại mảnh đất nghèo thuộc địa phận H2, tỉnh Đak Lak (nay là xã Ia Rsai, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai), cậu bé Rơ Ô Cheo sớm đã nung nấu quyết tâm đuổi giặc giữ làng. 14 tuổi, ông tham gia vào lực lượng du kích xã và một năm sau đó (1967) chính thức đi bộ đội như bao chàng trai Jrai khác. Ông đâu ngờ rằng, môi trường quân đội lại là nơi mình sẽ gắn bó gần cả đời người.

Trực tiếp tham gia chiến đấu cho đến ngày giải phóng không dưới 100 trận, ông bảo rằng ông may mắn hơn đồng đội khi chỉ bị thương duy nhất một lần trong trận chống giặc càn quét năm 1971. “Nhớ nhất là trận đánh tại buôn Pông (xã Phú Cần ngày nay-N.V) vào tháng 3-1970. Khi ấy, tôi cùng anh em tổ chức đánh ập vào ban đêm lúc giặc đang ngủ say, thiếu cảnh giác, diệt gọn 30 tên và tịch thu toàn bộ vũ khí, thiết bị quân sự của chúng. Riêng tôi, một mình giết được 10 tên”- Thiếu tướng Cheo tự hào kể lại.

Tháng 3-1975, ông thuộc Đại đội 303 của Đak Lak phối hợp cùng Huyện đội H2 tập trung phục kích, chặn đánh đoàn quân địch chạy rút từ Pleiku về Phú Yên tại địa phận Phú Túc khiến chúng hoảng loạn. Trận ấy, địch chết và bị bắt sống rất nhiều, một xe tăng duy nhất bị tiêu diệt bởi tay ông.

Hòa bình lập lại, giang sơn thu về một mối, song Tây Nguyên của ông lại đối mặt với hiểm họa mới: bọn phản động Fulro. Trong suốt những năm từ 1976-1979, ông cùng đơn vị mình (bấy giờ là Tiểu đoàn 303-Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đak Lak) lại lao vào cuộc chiến chống lại quân phản động từ Ayun Pa đến tận Buôn Hồ, Ea Súp.

Cả đời cống hiến cho quân đội

Nhiệm vụ hoàn thành, tháng 5-1980, ông mới bắt đầu đi học văn hóa tại Trường Văn hóa Quân khu 5 (Quy Nhơn) và tiếp đó là lớp tiểu đoàn tại Trường Quân sự Quân khu 5 (Đà Nẵng). Đến năm 1983, ông về công tác ở Tiểu đoàn 6-Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai-Kon Tum với chức vụ Tiểu đoàn trưởng, cấp bậc Đại úy. Tháng 10-1986, ông mừng vui khi được trở về nhận nhiệm vụ trên chính quê hương mình. Từ Phó chỉ huy-Tham mưu trưởng Huyện đội Krông Pa đến khi trở thành Chỉ huy trưởng (5-1989), ông luôn nỗ lực hết mình lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị tập trung xây dựng cơ quan và hoàn thành tốt trọng trách được giao; thường xuyên bám sát cơ sở để tuyên truyền, vận động bà con nhân dân không nghe theo lời xúi giục của bọn phản động. Trong đợt truy quét Fulro cuối cùng ở Tây Nguyên vào năm 1992, ông cũng trực tiếp tham gia một trận, bắt gọn được 2 tên.

Tiếp tục xa quê hương sau gần 11 năm gắn bó, tháng 7-1997, ông Rơ Ô Cheo được điều về giữ chức Phó Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai. Tháng 4-2006, ông được bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng và đến tháng 2-2007 là Phó Tư lệnh Quân khu 5, cấp bậc Thiếu tướng, về trực tại Sở chỉ huy tiền phương Quân khu 5 khu vực Tây Nguyên đóng ở Gia Lai. Tại những nơi này, ông không ngừng rèn luyện bản thân cả về đức, tài, dũng để xứng đáng là một người thủ lĩnh trong lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam cho đến ngày chính thức về hưu (8-2013).

Bà Kpă H’Vih-vợ Thiếu tướng Rơ Ô Cheo-tâm sự: “Cả đời ông ấy chỉ một lòng theo Đảng, noi Bác Hồ và cống hiến cho quân đội. Hơn 40 năm làm vợ làm chồng, có với nhau 6 mặt con, hầu như đều do một tay tôi lo liệu. Vất vả bao nhiêu tôi cố gắng vượt qua, hết mực ủng hộ và động viên chồng an tâm công tác. Giờ ông về hưu rồi, vợ chồng mới có thời gian ở gần nhau nhiều”.

Đi qua hơn nửa đời người, giờ là thời điểm ông cho phép mình được ngơi nghỉ bên gia đình. Cuộc sống của ông cũng bình dị như bao người khác, sáng sáng chiều chiều hòa mình với thú vui hoa kiểng; phụ vợ chăm sóc đàn vịt, đàn gà hay cười đùa bên con cháu. Thế nhưng mỗi khi nghĩ lại khoảng thời gian trong quá khứ, Thiếu tướng Rơ Ô Cheo đều xúc động: “Tôi mãi tự hào là người con của quân đội, là lính cụ Hồ”. Bày tỏ cùng tôi, ông bảo, bao nhiêu đó với ông là đáng để sống lắm rồi…

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm