'Tổ quốc nhìn từ biển…': Niềm tin và khát vọng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trở lại quê hương với khát khao có thêm hiểu biết về tình hình chủ quyền biển đảo trên Biển Đông, những người con đất Việt xa xứ đã chia sẻ nhiều câu chuyện trong việc góp phần gìn giữ bản sắc của người Việt ở nơi định cư, lập nghiệp mới, với niềm tin và khát vọng hướng về đóng góp cho nơi mình được sinh ra.

Lan tỏa tình yêu biển đảo quê hương

Theo mẹ sang Hungary từ năm 13 tuổi, anh Nguyễn Anh Tú (SN 1987, người gốc Hà Nội) đã có 23 năm sinh sống ở đất nước Trung Âu này. Anh Tú chia sẻ hiện đang là lập trình viên cho tập đoàn Nokia của Phần Lan và đã đảm nhiệm hai nhiệm kỳ Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Hungary. Với mong muốn gắn kết cộng đồng khoảng 7 nghìn người Việt ở Hungary, anh luôn tích cực tham gia tổ chức các hoạt động mà điển hình là Trại hè thanh niên và sinh viên Việt Nam tại châu Âu lần thứ 4 vào năm 2018, nhằm gắn kết kiều bào và du học sinh Việt Nam. Ngoài những hoạt động trên, cộng đồng người Việt ở Hungary còn tổ chức các đợt triển lãm, hội thảo liên quan đến biển đảo quê hương hay triển lãm ảnh về Việt Nam và mời sinh viên nước sở tại, chuyên gia, nhà quản lý có mối quan hệ với Việt Nam tham gia.

Cán bộ, chiến sĩ Hải quân duyệt đội ngũ trên đảo Trường Sa lớn, tại lễ chào cờ trong chuyến thăm của đoàn công tác số 4. Ảnh: Nguyễn Minh

Cán bộ, chiến sĩ Hải quân duyệt đội ngũ trên đảo Trường Sa lớn, tại lễ chào cờ trong chuyến thăm của đoàn công tác số 4. Ảnh: Nguyễn Minh

Luôn hướng về nơi chôn nhau cắt rốn, khi biết tin Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức chuyến đi thăm Trường Sa lần thứ 10 của kiều bào, anh Tú lập tức đăng ký rồi nhanh chóng sắp xếp công việc và thời gian để tới Biển Đông, với mục đích tận mục sở thị về Trường Sa cũng như biển đảo của đất nước nói chung.

Trong chuyến đi này, anh Tú đã có suy nghĩ khá táo bạo là đề xuất tổ chức một sự kiện thể thao mang tên “Chạy bộ vì Trường Sa” ngay trên đảo Trường Sa lớn. Dù không thể thực hiện được ý tưởng đẹp này với cả đoàn công tác bởi lịch trình các hoạt động khá dày đặc trên đảo, song anh và một kiều bào khác đã cùng chạy trên đảo với quãng đường 5.710 mét (tượng trưng cho con tàu mang số hiệu 571 đưa anh đến với Trường Sa) dưới bóng hoàng hôn, trước khi diễn ra buổi giao lưu văn nghệ giữa quân dân trên đảo và các đại biểu vào tối hôm đó.

Chị Nguyễn Thị Lan Hương (kiều bào Hà Lan) và chiến sĩ nhà giàn DK1/16 Phúc Tần bên vườn rau tăng gia trên nhà giàn. Ảnh: Nguyễn Minh

Chị Nguyễn Thị Lan Hương (kiều bào Hà Lan) và chiến sĩ nhà giàn DK1/16 Phúc Tần bên vườn rau tăng gia trên nhà giàn. Ảnh: Nguyễn Minh

“Trước khi tham gia hành trình này, tôi và một kiều bào ở Hungary có chung ý tưởng về việc thành lập Câu lạc bộ Trường Sa sau chuyến đi để thu thập thông tin và lan tỏa tới kiều bào về tình hình biển đảo của chúng ta, cũng như để quyên góp ủng hộ cán bộ, chiến sỹ trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Mô hình câu lạc bộ này đã được kiều bào ở một số nước châu Âu thực hiện rồi, chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện sớm điều này tại Hungary vì những người trẻ hiện nay rất năng động và am hiểu công nghệ thông tin”, anh Tú chia sẻ.

Cũng trong hành trình này, rất nhiều kiều bào đã lên kế hoạch chung tay bảo vệ chủ quyền đất nước và biển đảo quê hương, chị Nguyễn Thu Quỳnh (SN 1986) - kiều bào ở Malaysia chia sẻ, để góp phần động viên cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm làm nhiệm vụ ở Trường Sa, khi trở về Malaysia, chị sẽ kêu gọi thành lập quỹ ủng hộ bộ đội Trường Sa trong cộng đồng người Việt Nam ở đây.

Gìn giữ bản sắc Việt

Kiều bào Nhật Bản Higuchi Hoa và một bé trai trên đảo Trường Sa lớn. Ảnh: Nguyễn Minh

Kiều bào Nhật Bản Higuchi Hoa và một bé trai trên đảo Trường Sa lớn. Ảnh: Nguyễn Minh

Là một trong hai kiều bào Hà Lan có may mắn tới Trường Sa năm nay, chị Nguyễn Thị Lan Hương - Chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam tại Hà Lan, cho biết, cộng đồng người Việt Nam tại xứ sở hoa tulip hiện có 25 nghìn người, trong số đó có 10 nghìn người thuộc thế hệ thứ hai gồm những người sang đoàn tụ cùng gia đình và du học sinh ở lại lập nghiệp. Năm 2022, Hội người Việt Nam tại Hà Lan được thành lập với gần 100 hội viên và thực hiện nhiều hoạt động góp phần gắn kết người Việt tại Hà Lan cũng như với đồng bào trong nước. Ngay sau đó, Hội phụ nữ Việt Nam tại Hà Lan được thành lập với 80 thành viên và là một trong những tổ chức có nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về quê hương.

Xa quê hương đã 24 năm nhưng tại đất nước đang sinh sống, chị Hương vẫn miệt mài gìn giữ, bồi đắp giá trị Việt trong cộng đồng chung dòng máu đỏ da vàng. Chị kể: Trước đây ở Việt Nam chị là cô giáo dạy Toán, khởi nguồn cho công việc làm giáo viên dạy tiếng Việt hiện nay của chị là con trai chị khi học cấp 3 ở Hà Lan có môn thi bằng tiếng Việt. Chị nhận ra, việc dạy tiếng Việt cho các bạn trẻ là vừa trang bị kiến thức cần thiết, vừa giữ gìn tiếng mẹ đẻ và nguồn cội quê hương. Vào năm 2017, khi Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan khởi động chương trình dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng người Việt, chị Hương bắt đầu dạy tiếng Việt hoàn toàn miễn phí tại lớp học do Đại sứ quán mở. Lớp học có rất nhiều thành phần, độ tuổi, trình độ khác nhau, từ cậu bé 7 tuổi cho đến cả những người Hà Lan gần 80 tuổi có vợ là người Việt Nam nên muốn học tiếng Việt.

Kiều bào Nguyễn Thị Diệu Linh - Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc chia sẻ, năm 2019, cộng đồng người Việt ở đây đã tổ chức hội thảo đưa ra kiến nghị lên Hội đồng châu Âu về vấn đề Trường Sa tại Paris. Tháng 6 tới đây, Ban liên lạc Câu lạc bộ Trường Sa ở châu Âu dự kiến tổ chức hội thảo về Biển Đông và mời các chuyên gia từ Pháp, Ý, Ba Lan chia sẻ ý kiến. Chị nói: “Thông qua chuyến đi này, mỗi chúng tôi sẽ là một sứ giả để người Việt ở nước ngoài nói chung, người Việt ở Cộng hòa Séc nói riêng hiểu thêm về Trường Sa”.

“Năm trước, một kiều bào Hà Lan tham gia chuyến công tác ra thăm Trường Sa khi trở về chia sẻ lại những cảm xúc ấn tượng về Trường Sa khiến chúng tôi rất xúc động và muốn thế hệ trẻ người Việt ở Hà Lan hiểu thêm về biển đảo quê hương. Dự kiến tháng 6 năm nay, Câu lạc bộ Trường Sa tại Hà Lan sẽ được thành lập, góp phần mở rộng kiến thức về biển đảo cho các thế hệ tương lai và góp thêm tiếng nói ủng hộ trong đấu tranh giữ chủ quyền cũng như chung tay với nhân dân trong nước xây dựng biển đảo Tổ quốc ngày càng đẹp giàu”, chị Hương nói.

Người đồng hành với chị Hương là chị Lều Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hà Lan chia sẻ thêm, ngoài 7 bộ quà tặng cho bộ đội Trường Sa (mỗi bộ gồm máy điện tử tự động đo huyết áp, máy đo nhiệt độ hồng ngoại và máy đo nồng độ oxy), đoàn kiều bào Hà Lan còn chuẩn bị 25 chiếc quạt tích điện gửi tặng quân và dân Trường Sa và quyên góp được 30 triệu đồng cho chương trình “Xanh hóa Trường Sa” chỉ sau một tuần vận động.(còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.