(GLO)- Đại hội Mặt trận Tổ quốc tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2014-2019 sẽ diễn ra vào ngày 1-7-2014. Trước thềm Đại hội, Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn đồng chí Phạm Đình Thu-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh. Xin giới thiệu cùng bạn đọc nội dung cuộc phỏng vấn.
* Xin đồng chí cho biết thời gian qua Tỉnh ủy đã quan tâm, tạo điều kiện như thế nào để Mặt trận phát huy vai trò của mình nhằm không ngừng củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo được sự đồng thuận trên địa bàn tỉnh?
Đồng chí Phạm Đình Thu |
- Đồng chí Phạm Đình Thu: Lịch sử đấu tranh cách mạng gần 75 năm qua đã chứng minh Mặt trận là nhân tố vô cùng quan trọng của cách mạng Việt Nam; là nơi tập hợp và phát huy sức mạnh vĩ đại của nhân dân ta trong 2 cuộc kháng chiến cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vai trò của Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội tiếp tục được khẳng định là to lớn và đặc biệt quan trọng khi cuối năm 2013 Bộ Chính trị ban hành Quyết định 217 “Về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị- xã hội” và Quyết định 218 “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”.
Là một thành viên của Mặt trận, Tỉnh ủy thường xuyên tạo điều kiện để Mặt trận chăm lo thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước; thực hiện quy chế phối hợp giữa Mặt trận với Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân cùng cấp; thực hiện hoạt động giám sát và phản biện xã hội để tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền từ tỉnh đến cơ sở ngày càng vững mạnh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Luôn tích cực ủng hộ, thực hiện chương trình hành động chung; tạo những điều kiện thuận lợi nhất để Mặt trận Tổ quốc tỉnh vươn lên làm tròn nhiệm vụ của mình trong giai đoạn mới. Quan tâm đẩy mạnh công tác củng cố tổ chức Mặt trận các cấp sau Đại hội Mặt trận Tổ quốc tỉnh lần thứ VIII; làm tốt công tác quy hoạch cán bộ, xây dựng tiêu chuẩn cán bộ Mặt trận chuyên trách của từng cấp và tiêu chuẩn của từng chức danh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Trao đổi kinh nghiệm công tác MTTQ vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Thanh Nhật |
Bên cạnh đó, Tỉnh ủy cũng luôn đề cao vai trò nòng cốt của Mặt trận và các tổ chức thành viên trong việc phát động và tích cực tham gia phong trào cách mạng ở địa phương, nổi bật là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào “Xây dựng nông thôn mới” hay thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” gắn với các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, ngày vì người nghèo... Từ đó góp phần nâng cao vai trò của Mặt trận trong việc xây dựng, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân ngày càng trong sạch, vững mạnh.
* Vậy Tỉnh ủy có định hướng gì để Mặt trận phát huy tốt hoạt động giám sát và phản biện xã hội trong thời gian tới, thưa đồng chí?
- Đồng chí Phạm Đình Thu: Muốn làm tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội, Mặt trận các cấp cần phát huy vai trò của các tổ chức thành viên, các cá nhân tiêu biểu, các hội đồng tư vấn của Mặt trận, lực lượng cộng tác viên là những chuyên gia trên các lĩnh vực. Mặt khác, Mặt trận và các tổ chức thành viên phải có kế hoạch và biện pháp để sớm nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo. Tăng cường củng cố, kiện toàn và không ngừng mở rộng theo hướng nâng cao chất lượng toàn diện của đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận. Đẩy mạnh hơn nữa công tác giám sát, phản biện xã hội đối với những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong chương trình phối hợp hành động của Mặt trận, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; phải tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận và tổ chức thành viên thực hiện tốt quy chế giám sát, phản biện xã hội và các đoàn thể chính trị xã hội theo Quyết định 217 và Quyết định 218 của Bộ Chính trị (khóa XI).
Ra mắt Ủy ban MTTQ huyện Mang Yang Nhiệm kỳ 2009-2014. Ảnh: Thanh Nhật |
Bản chất của giám sát và phản biện xã hội là mang tính xây dựng, làm cho các quyết định của cơ quan Đảng, chính quyền được hoàn thiện hơn, đúng đắn hơn, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân và có tính khả thi cao. Do đó, phải căn cứ vào những yêu cầu chung nhất, bức xúc nhất của người dân để đi vào từng lĩnh vực cụ thể. Hơn nữa, do không đủ sức để làm cùng lúc nhiều việc nên phải chọn lựa vấn đề, nội dung, tầm ảnh hưởng để làm trước. Làm đến đâu phải có hiệu quả đến đấy, nhằm đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của người dân. Các chủ trương, chính sách có ảnh hưởng lớn đến người dân, vừa sức của Mặt trận thì mới phản biện xã hội.
Đặc biệt, muốn hoạt động giám sát và phản biện xã hội đạt hiệu quả, Mặt trận phải tập hợp được tất cả những tiếng nói tâm huyết trong dân và bản thân tổ chức Mặt trận phải đi vào những vấn đề mà nhân dân đang quan tâm. Điều quan trọng, theo tôi là khi triển khai quy chế giám sát và phản biện xã hội, Mặt trận các cấp phải nắm được tâm tư, nguyện vọng và yêu cầu của người dân, cả những chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mặt trận phải đi sâu nghiên cứu vấn đề một cách cụ thể, tránh hô hào hình thức. Mặt trận không chỉ nghe dân nói, nói cho dân nghe một cách thuyết phục, phải làm cho dân tin bằng những việc làm, hành động cụ thể, thiết thực. Có như vậy mới tập hợp được ý kiến của dân và phát huy tốt nhất trí tuệ xã hội trong các hoạt động giám sát và phản biện các chủ trương, chính sách.
* Xin cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Dung (thực hiện)