Tín hiệu vui từ hợp tác xã thanh niên Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nghị quyết Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Gia Lai lần thứ XIV đề ra chỉ tiêu: Nhiệm kỳ 2017-2022, toàn tỉnh xây dựng ít nhất 5 mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới trong thanh niên. Cụ thể hóa chỉ tiêu này, ngay từ năm 2018, Tỉnh Đoàn đã kịp thời triển khai Kế hoạch số 55-KH/TĐTN-CNĐ về tham gia xây dựng HTX thanh niên giai đoạn 2018-2022.
Theo đó, Tỉnh Đoàn đã tập trung chỉ đạo Đoàn Thanh niên các huyện, thị xã, thành phố tiến hành khảo sát các mô hình kinh tế hiệu quả trong lực lượng đoàn viên, thanh niên, đồng thời nắm bắt nhu cầu liên kết phát triển kinh tế giữa các thanh niên hướng tới việc thành lập mô hình HTX do thanh niên làm chủ. Bên cạnh đó là triển khai Đề án số 02-ĐA/TĐTN-CNĐ, trong đó nhấn mạnh vai trò của tổ chức Đoàn trong việc hỗ trợ thành lập 5 HTX thanh niên giai đoạn 2018-2022 thông qua việc tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, diễn đàn trao đổi kinh nghiệm nhằm hướng dẫn cách thức, quy trình thành lập HTX theo đúng quy định của Luật HTX năm 2012. Đồng thời, kết nối với các doanh nghiệp để định hướng gây dựng thương hiệu, giới thiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm của các HTX thanh niên.
 Các thành viên của Hợp tác xã FAOS tại Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung-Tây Nguyên tháng 8-2019. Ảnh: K.H
Các thành viên của Hợp tác xã FAOS tại Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung-Tây Nguyên tháng 8-2019. Ảnh: K.H
Với sự vào cuộc quyết liệt của Đoàn Thanh niên các cấp và tinh thần năng động, trách nhiệm, nhu cầu tự nguyện hợp tác của những thanh niên có mô hình kinh tế đang hoạt động hiệu quả tại các địa phương, đến nay, toàn tỉnh đã có 5 mô hình HTX do thanh niên đứng ra thành lập, làm chủ với tổng số vốn điều lệ gần 3 tỷ đồng, quy tụ 48 thành viên, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, gồm: HTX Nông nghiệp 81 tại thị trấn Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh) chuyên trồng nấm và các loại trái cây an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; HTX FAOS của anh Trần Văn Công-Bí thư chi đoàn làng Sâm (xã Ia Rong, huyện Chư Pưh) chuyên cung ứng vật tư thiết bị nông nghiệp, thu mua nông sản, sơ chế, chế biến nông sản sau thu hoạch; HTX Nuôi trồng thủy sản tại xã Ia Grăng (huyện Ia Grai); HTX Dịch vụ-Nông nghiệp tại xã Ia Mơr (huyện Chư Prông) và HTX Nông nghiệp và Dịch vụ môi trường tại xã Al Bá (huyện Chư Sê).
Đề cập quá trình thành lập HTX, anh Đoàn Công Tiến-Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp 81-cho biết: HTX ra mắt vào tháng 7-2018, được hình thành từ cơ sở sản xuất riêng của anh Tiến. Sau khi được Huyện Đoàn Chư Pưh hỗ trợ 25 triệu đồng và tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ, anh Tiến tiếp tục huy động nguồn lực, kêu gọi một số thanh niên tại địa bàn cùng chung chí hướng mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp và thực hiện dự án trồng nấm, cây ăn quả đảm bảo an toàn. Đến nay, HTX cơ bản hoạt động đảm bảo theo đúng điều lệ, quy định pháp luật, doanh thu đạt trên 100 triệu đồng/tháng sau khi trừ các khoản chi phí, giải quyết việc làm cho 8 lao động nhàn rỗi tại địa phương. Sản phẩm trái cây, nấm của HTX Nông nghiệp 81 không chỉ tiêu thụ tại các chợ đầu mối trên địa bàn các huyện: Chư Pưh, Chư Sê mà còn phân phối tới các đại lý trái cây tại TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Lâm Đồng… Cũng đứng chân trên địa bàn huyện Chư Pưh, HTX FAOS do anh Trần Văn Công làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị cũng đang duy trì hoạt động hiệu quả, doanh thu đạt trên 100 triệu đồng/tháng, giải quyết việc làm cho 5 lao động thường xuyên, 15 lao động theo vụ mùa.
Trong quá trình điều hành các HTX, mỗi thành viên đều được phân công, giao việc rõ ràng, có mối quan hệ tốt với các đối tác, chủ cơ sở tiêu thụ sản phẩm nên thuận lợi trong giới thiệu, chào bán sản phẩm của HTX. Bên cạnh đó, 5 HTX còn có sự hỗ trợ đắc lực về tư vấn pháp lý, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, giới thiệu đầu ra từ các tổ chức Đoàn, ngành Khoa học và Công nghệ, Trạm Khuyến nông. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của các HTX thanh niên vẫn là tiếp cận vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Đa số HTX đều mong muốn mở rộng phạm vi hoạt động, cải tiến trang-thiết bị, cơ sở sản xuất song đều vướng kinh phí đầu tư.
Từ kết quả ban đầu và nguyện vọng của các thành viên quản trị HTX thanh niên, Tỉnh Đoàn xác định nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là sẽ tiếp tục kêu gọi, huy động các nguồn lực, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh quan tâm hỗ trợ về vốn, tiêu thụ, quảng bá, giới thiệu, kết nối đầu ra cho sản phẩm của các HTX thanh niên. Ngoài ra, phối hợp với các ngành có liên quan tạo điều kiện hỗ trợ HTX xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, xúc tiến thương mại để có thị trường tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài tỉnh.
 KSOR H'YUÊN

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.