Tin giả, phạt thật

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam đến nay, trên mạng internet, nhất là các mạng xã hội, những thông tin liên quan đã xuất hiện với tần số, mật độ, dung lượng rất lớn.


Trong khi các cơ quan có trách nhiệm cố gắng thông tin về dịch bệnh một cách đầy đủ, toàn diện thì rất nhiều cá nhân thông tin trên các trang mạng với nhiều nội dung sai lệch, bịa đặt với nhiều mục tiêu khác nhau, khiến xã hội thêm hoang mang, bất an, như: giả mạo chỉ đạo của Thủ tướng về dịch Covid-19; bịa đặt về những đời tư, hoạt động của bệnh nhân số 17, số 21; giả mạo người có nhiệm vụ để thông tin về những người bệnh không có thật; bịa đặt con số người bị bệnh, người bị xét nghiệm, cách ly… Đã có hàng chục người tung tin giả, bịa đặt lên mạng xã hội được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ và xử lý theo pháp luật, trong đó có cả những người nổi tiếng, có lượng tương tác lớn trên các mạng xã hội.

Tin giả, bịa đặt, sai sự thật được cố ý lan truyền, thường xuất phát từ các sự kiện lớn, được dư luận quan tâm trong đời sống thực. Mục đích đầu tiên kẻ xấu tung tin giả thường nhắm tới là dụ người dùng bấm vào xem để câu like, câu view, từ đó phục vụ việc quảng cáo, bán hàng, kiếm tiền bất chính. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu về người dùng là món lợi nhuận khổng lồ khiến kẻ xấu liên tục tìm cách tạo ra các thông tin giả, lừa người dùng tự nguyện cung cấp thông tin cá nhân. Tin giả được hacker tạo ra còn nhằm phát tán mã độc để kiểm soát thiết bị của nạn nhân, phục vụ các mục đích bất chính khác.

Những người đăng tin giả, tin không chính xác có thể do cố tình với nhiều động cơ khác nhau (như muốn tạo ra sự hoảng loạn). Trên mạng xã hội, thông tin lan truyền gần như ngay lập tức khi nhiều người không có năng lực thẩm định nguồn tin, đọc lướt và tiếp tục chia sẻ. Chính vì thế, “cái giả” đó càng lan nhanh, tạo ra tâm lý lo lắng, hoang mang trong xã hội. Do đó, người dùng, bạn đọc cần nên chủ động tiếp cận những thông tin của các kênh chính thống, không nên chia sẻ, lan truyền những thông tin chưa được kiểm chứng; thận trọng để trang cá nhân, tài khoản mạng xã hội của mình không bị lợi dụng, bị kẻ xấu dẫn dắt vào những nội dung sai trái. Nhiều nước như: Thái Lan, Singapore, Đức, Pháp, Nga… đã ban hành các quy định liên quan đến nội dung xử lý đăng và lan truyền tin giả có chủ đích trên mạng xã hội. Mỗi nước đưa ra chế tài xử lý khác nhau, nhưng có một điểm chung là hầu hết có mức phạt rất nặng, thậm chí xử lý hình sự nếu việc đưa tin giả có chủ đích tác động lớn đến xã hội và cộng đồng.

Theo đánh giá của Viện Chiến lược thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), các hành vi nói xấu, bôi nhọ tổ chức, cá nhân, đưa tin sai sự thật đã được điều chỉnh ở một số văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó phải kể đến Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng và các nghị định của Chính phủ. Tuy nhiên, với mức độ tác động và tầm ảnh hưởng của các thông tin sai sự thật trên mạng trong thời gian gần đây, mặc dù hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã cập nhật, nhưng vẫn bộc lộ bất cập, hạn chế. Các quy định hiện hành chưa cụ thể hóa, bao quát hết các đối tượng và hoạt động cần quản lý, đặc biệt chưa làm rõ các nội dung liên quan đến tin giả trên mạng xã hội. Cùng với việc thông tin minh bạch về sự kiện, vấn đề người dân quan tâm, cần phải đồng thời xử phạt công khai hình phạt, mức phạt và nhất là việc khắc phục vì cộng đồng như một số nước đã áp dụng để vừa giáo dục cho chính đối tượng kỹ năng lọc tin giả, đồng thời phục vụ cộng đồng.

Từ ngày 15-4 tới, khi Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc xử lý các vi phạm hành chính trong môi trường bưu chính, viễn thông có hiệu lực, các hành vi tung thông tin giả, sai lệch gây hoang mang trên mạng xã hội có thể bị xử phạt lên đến 20 triệu đồng, thậm chí có thể bị xử lý hình sự.

Tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội là vấn đề mang tính toàn cầu. Bên cạnh hành lang pháp lý hiện hành, cần có chế tài mạnh hơn nữa để xử lý thích đáng những kẻ tung tin giả, phù hợp với xu thế phát triển trên không gian mạng của thế giới hiện nay.

Theo TRẦN LƯU (SGGPO)
 

Có thể bạn quan tâm

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách nghĩ, cách làm như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý.

Dứt khoát khi làm luật

Dứt khoát khi làm luật

Trong chuyến đi mới đây, trước khi máy bay hạ cánh để quá cảnh Đài Loan, người viết được nghe phi hành đoàn chuyến bay nhắc nhở hành khách không được mang thuốc lá điện tử vào vùng lãnh thổ này, vì chính quyền sở tại cấm thuốc lá điện tử.

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Buổi sinh hoạt ngoại khóa của khối lớp 4 Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Thủ Đức, TPHCM) mới đây trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng theo mô hình không gian mở tại khu phố 8 (phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức) diễn ra sôi nổi.

Hiệu quả thực hành nghề nghiệp

Hiệu quả thực hành nghề nghiệp

Nếu có dịp nào đó chuyện trò với những sinh viên từng trải nghiệm thực tế ở doanh nghiệp trong một kỳ thực tập hoặc một trong những buổi học theo mô hình "học phần doanh nghiệp", chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề đáng để suy nghĩ cả về phía nhà trường lẫn về phía doanh nghiệp.