Tìm lại nơi đã lưu giữ bài văn Tế Thập loại chúng sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trở về thăm chùa Diệc ở Nghệ An trong dịp tháng Bảy mưa ngâu, thấy ngôi chùa vẫn hoàng tàn như xưa, chỗ cỏ dại mọc xanh um, nơi thì nhà cửa đổ nát. Chợt nhớ đến những câu trong bài văn tế bất hủ của cụ Nguyễn Du: Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt/Toát hơi may lạnh buốt xương khô/Não người thay buổi chiều thu/ Ngàn lau nhuốm bạc lá ngô rụng vàng…

Khắc khoải 20 năm

Những năm 1990, tôi là phóng viên báo Nghệ An và được cơ quan cấp cho nhà tập thể ở khu Quang Trung, ngay đối diện với chùa Diệc. Với chúng tôi, ngôi chùa thiêng lắm. Số là người ta nói Nghệ Tĩnh vốn là “xứ năm trăm chùa”, tính ra còn nhiều gấp đôi số chùa ở kinh thành Huế. Ấy vậy mà theo thời gian, bom đạn và sự xuống cấp về văn hóa mà chùa chiền bị tháo dỡ, hư hại hầu hết. Ở thành phố Vinh lúc ấy chỉ còn vài ngôi chùa như chùa Sư Nữ và chùa Diệc.

 

Tam quan sót lại của chùa Diệc.
Tam quan sót lại của chùa Diệc.

Tiến sĩ Phan Huy Dũng, một người bạn tâm giao và cũng là người thầy của tôi ở trường đại học Vinh thường than thở: “Tại sao người ta lại có thể để chùa Diệc hư hại như thế! Chính ngôi chùa ấy, người ta đã tìm thấy Văn tế thập loại chúng sinh”.

Những ngày cuối tuần, những dịp rảnh rỗi, chúng tôi thường băng qua đường Quang Trung để sang chơi chùa Diệc, cũng mong tìm lại một chút gì đó từ quá khứ. Nhưng tất cả còn lại chỉ là một cái cổng tam quan sứt mẻ nằm sau một khách sạn bình dân, xiêu xó vài lư hương ai đó đặt tạm dưới cổng tam quan. Những nhà thơ như bác Thạch Quỳ, nhà báo nhà thơ Văn Hiền hay thi sĩ Tuyết Nga, Bùi Sĩ Hoa… cũng đều bày tỏ nỗi lòng cám cảnh cho một địa chỉ văn hóa của thành phố Vinh.

Số là chùa Diệc vốn là nơi trí thức miền Trung quần tụ với nhau mỗi khi ghé qua Nghệ An. Chùa nằm ở trung tâm tỉnh lỵ, bên ngoài thành cổ. Các cụ nhân sĩ kể rằng chùa Diệc đã từng là điểm gặp gỡ hàn huyên, bàn bạc đại sự của những trí thức lớn một thời như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Đội Cung…  bởi vậy lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh của học sinh trường Quốc học Vinh đã được tổ chức tại chùa Diệc.

Chùa Diệc cũng cách quê hương Nguyễn Du là làng Tiên Điền không xa, bởi vậy người ta nói rằng chính Nguyễn Du vẫn thường qua lại ngôi chùa. Cụ Lê Thước, người nghiên cứu rất nhiều về Nguyễn Du đã lần theo dấu vết tài liệu và huyền tích mà tìm được bản văn Chiêu Hồn (văn Tế Thập loại chúng sinh) của Nguyễn Du tại chùa Diệc vào năm 1926.

Trở lại Vinh năm 2017, tôi lại nghe mọi người nói về chùa Diệc, vẫn một câu hỏi ấy: Bao giờ xây dựng lại chùa Diệc?

Một tấc lòng chung

Ngày nay, theo truyền thống, tháng Bảy âm lịch người ta thường làm lễ cầu siêu cúng các cô hồn lưu lạc vô thừa nhận nơi đầu đường xó chợ, rất nhiều làng, nhiều chùa đền miếu đã dùng bài “văn Tế Thập loại chúng sinh” của cụ Nguyễn Du để làm văn tế, cầu siêu. Lời lẽ văn chương của Nguyễn Du được khen là rung động tới những nơi sâu nhất của cuộc đời khi ông viết về những cô hồn những câu như: “Nghe gà gáy tìm đường lánh ẩn/ Tắt mặt trời lẩn thẩn tìm ra/ Lôi thôi bồng trẻ dắt già/ Có khôn thiêng nhẽ lại mà nghe kinh”.

 

Tấm bia cổ miêu tả ngôi chùa đẹp như ngôi chùa trong Hoàng thành Huế.
Tấm bia cổ miêu tả ngôi chùa đẹp như ngôi chùa trong Hoàng thành Huế.

Ngôi chùa Diệc, nơi đã tìm ra bài văn tế ấy vốn có sự tích gì? Người Vinh kể lại rằng Nghệ An vốn là xứ gió Lào rất nắng nóng. Vào một năm trời nắng nóng quá, đến mức có đàn chim diệc bay qua đây đã kiệt sức mà rụng rời chết hết cả. Người dân thương xót, nhặt xác đàn chim gom vào một chỗ trên gò. Không ngờ, buổi tối đàn chim sống lại, cảm kích trước tấm lòng dân, đàn chim bay lên trời, xin ông trời cho mưa, thế là một trận mưa lớn kịp đổ xuống cứu muôn loài. Chỗ đất ấy được xây lên ngôi chùa, tên nôm gọi là chùa Diệc, có từ đời nhà Trần. Vào những năm hạn hán lớn, thường có lễ cầu mưa tại chùa này và nhiều năm linh ứng.

Mùa hè này, trở lại thăm chùa, khung cảnh vẫn hoang tàn như những năm 1990, chẳng khác gì nhiều! Chỉ khác trước là ngay chỗ tam quan có dựng tạm một cái điện để thờ đức Phật và là nơi cho các Phật tử tới tụng kinh.

Trong cái điện tạm bợ được dựng bằng các thanh thép, mái lớp tôn, có một tấm bia đá cổ của chùa còn sót lại. Nhà nghiên cứu lịch sử kỳ cựu Trần Đình Sơn đã dịch tấm bia này trong một tài liệu, bia có viết: “Chùa đứng riêng biệt về phía đông Bắc thành tỉnh (Nghệ An), thuộc đất Trường Ấp, Châu Hoan xưa, từ lâu đời ấp này có một am tranh. Sau khi Triều Nguyễn đóng đô ở Phú Xuân (Huế), thiết lập tỉnh Nghệ An làm trấn lớn bên phải Kinh kỳ, am thuộc về trại binh ở ngoài thành giữ gìn thờ phụng. Trước đây các vị quan lớn cai quản địa phương mỗi khi gặp hạn hán lâu ngày, đến am cầu nguyện tức thì ứng nghiệm. Đầu tiên tướng công Nguyễn Đức Cửu thay mái tranh và làm rộng ra. Tiếp theo tướng công Nguyễn Đăng Giai  lại sửa chữa rồi treo bảng ghi Diệc Cổ Tự”. Rõ là từ đời Nguyễn đã gọi chùa là chùa cổ (cổ tự) rồi.

Theo tấm bia thì trải qua sự góp công sức của rất nhiều trí thức và nhà hảo tâm mà chùa Diệc  nhiều lần được xây dựng mở rộng, tô điểm hoàn thiện đến mức “trở thành một cảnh quan to lớn của non sông. Người lễ bái, ngước mắt thấy trang nghiêm ca ngợi: thực sự rực rỡ như rừng cây quý bên nước Phật. Khách tham quan, cảm thấy thích thú, đầu óc thư thái cho rằng: huy hoàng như ngôi chùa vàng trong cung vua vậy”.

So với những gì mô tả trong tấm bia thì chỉ còn lại một cái tam quan cũ nát và một tấm bia. Tấm bia như một “nhân chứng sống” về sự tồn tại của một trung tâm văn hóa lớn bậc nhất xứ Nghệ trong quá khứ, tấm bia nay nằm giữa nền điện dựng tạm để che bức tượng đức Phật khỏi nắng mưa.

Bao giờ chim diệc lại về?

Ngày nay trong chùa chỉ còn lại mấy tòa nhà kho cấp bốn, mọi người đều sinh hoạt ở trong đó, chùa đã có một nhà sư được cử về trông nom, là một bước tiến so với vài chục năm trước.

 

Các công trình xây dựng trên đất của chùa vẫn chưa giải tỏa được.
Các công trình xây dựng trên đất của chùa vẫn chưa giải tỏa được.

Cái khách sạn xanh lè sát cổng tam quan đã được dẹp đi mà thay vào đó là những người đàn bà thành Vinh áo nâu sòng tới cổng tam quan đọc kinh. Có sự lạ ấy, theo sư Trí Không nói với phóng viên: “Trước kia vì chùa hư hại hoang vắng và nhận thức văn hóa còn chưa đầy đủ nên chính quyền đã đem đất chùa cho người ta thuê làm đủ thứ. Bây giờ thời đại khác rồi, cách nghĩ khác rồi, chính quyền đã lấy lại đất về trả cho nhà chùa”.

Nói là chùa, sự thực trung tâm chùa là một công trình xây dựng dở dang, không rõ hình thù, có lẽ là một khách sạn hoặc một nhà hàng bỏ dở. Người dân nói với phóng viên: “Nhiều người thấy đất chùa trống trải nên thuê mướn chính quyền, tính làm giàu, nhưng đa số thất bại”.

Sư Trí Không bảo: “Chùa chúng tôi chẳng có chỗ ở, chẳng có điện thờ, mọi thứ đều chỉ là tạm bợ. Vì người ta thuê đất, xây dựng một số công trình, bây giờ họ đòi chùa phải bồi thường số tài sản mà họ xây trên đất nhà chùa! Mong chính quyền sớm giải quyết vấn đề đền bù theo đơn giá nhà nước, để chùa có thể tiến hành tôn tạo, xây dựng và hoạt động văn hóa”.

Các cô các bác giúp sư những việc vặt trong chùa hoặc thường tới tụng kinh là người dân sống xung quanh chùa Diệc. Một vài người tôi cũng biết trước đây, kẻ bán hàng ở ga Vinh người chạy chợ. Nom dáng vẻ tóc da phôi pha theo thời gian nhưng nụ cười tươi và tinh thần thật nhẽ nhõm.  Các cô các bác nói: “Hồi trẻ bon chen làm ăn buôn bán, đầu óc chỉ nghĩ đến đồng tiền! bây giờ theo Phật pháp sống cùng đạo tràng, không muốn ganh đua, bỏ xa chữ lợi, các cô các bác đã về đây mấy năm sớm tối đèn nhang, để người dân có thêm chốn đi về”.

Mọi người dẫn tôi ra công cổng tam quan vỡ, chỉ cho tôi thấy một gò đất cao, cỏ dại mọc um tùm chỉ một lối nhỏ in dấu chân người. Phải chăng đó chính là gò đất mà những con chim diệc chết khát đã sống lại rồi bay đi tìm mưa giúp người thành Vinh trong huyền tích cũ? Các cô bác trong chùa cũng đều than rằng: Đàn chim diệc đã bay đi từ lâu và chưa biết bao giờ chúng sẽ trở về chốn cũ.

Trần Nguyễn Anh/tienphong

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.