(GLO)- Không riêng gì những người nông dân, dưa hấu cũng đã và đang khiến nhiều tiểu thương trót gắn bó với nó phải rơi vào tình trạng thua lỗ, âm vốn.
Đống dưa của bà Hoa nằm phơi nắng ế ẩm. Ảnh: Hồng Thi |
TP. Pleiku từ lâu được giới kinh doanh lớn, nhỏ xem là thị trường tiêu thụ hấp dẫn. Do đó, số lượng người buôn bán và hàng hóa từ các địa phương khác trong cũng như ngoài tỉnh đổ xô về đây khá đông đúc. Thời điểm này, dưa hấu đang trong mùa thu hoạch, cũng chính vì thế mà loại quả này xuất hiện ngày càng nhiều trên khắp các tuyến đường Phố núi. Tuy nhiên, thực tế, bày bán thì nhiều mà người mua chẳng được bao nhiêu, cộng với giá dưa liên tục rớt khiến các tiểu thương phải “bấm bụng” bán ra với giá bằng hoặc thấp hơn vốn ban đầu. Đó là chưa kể dưa nhập lâu ngày không bán được dẫn đến bị thối, hỏng.
Bà Hồ Thị Hoa (212 Phạm Văn Đồng, phường Thống Nhất) buồn bã nói: Số dưa hấu này cháu gái tôi đặt mua tại vườn dưới An Khê rồi vận chuyển lên đây bán. Dưa rẻ mà cũng chẳng bán được bao nhiêu, hơn nữa vì mua cào bằng nguyên đám nên lẫn nhiều dưa non, nhạt, khách chê. 10 ngày rồi mà giờ còn quá trời, trước bán được 3.000 đồng/kg chứ hiện tại chỉ còn 1.000-2.000 đồng/kg thôi. Để lâu quá dưa cũng héo mà hỏng hết, vứt nhiều lắm. Con bé cũng vì đống dưa này mà đổ bệnh rồi. Dù tôi không biết tiền nó bỏ ra mua bao nhiêu nhưng bán buôn thế này thì chắc chắn là âm vốn.
Dưa bị hỏng vứt ngổn ngang. Ảnh: Hồng Thi |
Tương tự, chị Đoàn Thị Thanh Hạnh (61A Nguyễn Thiếp, phường Diên Hồng)-chủ quầy dưa hấu trên đường Hoàng Văn Thụ-cũng đang “khóc ròng” trước cảnh hàng ngày phải loại ra 5-6 giỏ cần-xé nhỏ dưa bị thối. “Cũng không biết vì trời nắng quá hay do giống dưa mà mới để 4, 5 ngày đã mềm vỏ, chảy nước. Bình thường tôi hay mua khoảng từ 5 tạ đến 1 tấn để bán nhưng đợt này thấy dưa ngon nên lấy hẳn của thương lái 5 tấn với giá 3.000 đồng/kg. Mới bán được tầm 2 tấn mà hư đã hơn 1 tấn rồi. Cách đây 2 năm, tôi phải chịu lỗ 20 triệu đồng cũng vì thực trạng này, bây giờ lại rầu thúi ruột”-chị Hạnh bộc bạch.
Chị Hạnh xót xa nhìn vốn liếng của mình ra đi theo những quả dưa thối. Ảnh: Hồng Thi |
Theo những người bán, số dưa hỏng, phần họ vứt, phần bán lại với giá vài ba ngàn đồng hoặc cho không các hộ dân có nhu cầu mang về cho cá, bò, nhím, gà… ăn. Ông Hùng (ngụ đường Vạn Kiếp, phường Thống Nhất) cho biết, ông vừa mua hơn 2 tạ dưa có tình trạng như trên với giá 30.000 đồng để cho cá ăn. “Cá cũng ăn dưa hấu dữ lắm nên sẵn người ta vừa bán vừa cho mấy quả dưa hỏng, tôi mua về để thêm nguồn thức ăn cho chúng. Nhìn cái cảnh bán buôn dưa hấu bữa nay mà tôi cũng chạnh lòng, người mua ăn thì mát ruột mà người bán thì lòng dạ như lửa đốt”-ông Hùng đồng cảm.
Cách chỗ bà Hoa bán không xa, quầy bán dưa hấu của anh Phan Văn Đảm (166 Phạm Văn Đồng) cũng vắng vẻ tương tự, lâu lâu mới có vài người khách ghé vào mua 1 quả. Lý giải cho tình trạng ế ẩm này, anh Đảm cho hay: “Phần dưa rẻ, phần người bán đông dẫn đến sức cạnh tranh lớn. Nếu ngày trước cứ tới mùa dưa, từ đây đến ngã tư Biển Hồ chỉ 2-3 người bán thì giờ đã gần chục người”. Tuy nhiên, có phần đỡ hơn bà Hoa hay chị Hạnh, chủ nhân của quầy dưa này tâm sự rằng, thiệt hại vì dưa hư thối của anh không đáng kể, chỉ cỡ 2%, dù anh nhập mỗi lần tới 20 tấn dưa hấu. “Do nhà có xe riêng nên nếu thấy thị trường tiêu thụ chậm là tôi bốc đi bỏ sĩ cho những sạp trái cây ở các huyện, xã trong tỉnh hoặc bán lẻ để gỡ vốn. Vì thế, số dưa tồn đọng chẳng bao nhiêu”-anh nói.
Sức cạnh tranh là một trong những nguyên nhân khiến dưa hấu ít tiêu thụ được. Ảnh: Hồng Thi |
Dù thế, anh Đảm nói riêng và các tiểu thương đang kinh doanh loại quả này nói chung cũng tỏ ra khá lo lắng không thể thu hồi vốn bởi dưa ngày càng tụt giá nhanh. “Giá dưa mua tại đám đã 1.500 đồng/kg, dưa tuyển mỗi kg cũng 2.000 đồng. Đó là chưa kể tiền cước xe vận chuyển từ 500.000 đồng đến 550.000 đồng/tấn nữa. Số lượng hư hao, thất thoát cũng không hề nhỏ. Trong khi đó, giá bán ra lại bèo thế này thử hỏi lời lãi ở đâu?”-anh Đảm phân trần.
Hồng Thi