Tiếng kẻng làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những tưởng cùng với thời gian, tiếng kẻng làng dần lui vào dĩ vãng và chỉ còn tồn tại trong hoài niệm của lớp người già. Thế nhưng trên mảnh đất Gia Lai, tiếng kẻng vẫn đang vang vọng ở các buôn làng, chứa đựng nhiều thông điệp của cộng đồng. Âm thanh quen thuộc ấy qua bao đời đã trở thành một phần gắn bó với cộng đồng làng.
Thanh âm gắn kết cộng đồng
“Keng, keng, keng... keng, keng, keng...”. Âm thanh liên hồi quen thuộc ấy phát ra vào một buổi chiều tà, báo hiệu sắp có buổi họp dân của làng Ia Nueng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku. Vừa dứt hồi kẻng dài, già làng Hmrik đưa tay chỉ vào chiếc kẻng đã xỉn màu và khoe: “Nhìn nó vậy thôi chớ âm thanh vẫn rắn rỏi, mạnh mẽ và vang xa tới tận cuối làng. Mấy chục năm nay nó vẫn làm rất tốt nhiệm vụ của mình”. Nói rồi, già Hmrik kể cho chúng tôi nghe về lịch sử và ý nghĩa tiếng kẻng của làng.
Sau ngày giải phóng, để già làng không phải đi từng nhà thông báo khi có việc cần, người dân Ia Nueng đã bàn nhau lấy vỏ quả bom mà giặc Mỹ thả xuống treo lên gốc cây đa cổ thụ làm kẻng báo hiệu. Kể từ đó, tiếng kẻng vang lên báo giờ lên rẫy hàng ngày, tập trung mọi người mỗi khi có việc làng, việc nước hay báo động lúc làng có tin vui hoặc việc chẳng lành xảy ra… Già làng là người được quyền đánh kẻng và với mỗi việc khác nhau, kẻng làng lại phát ra những thanh âm, tiết tấu riêng.
“Tiếng kẻng đã trở thành quy ước ăn sâu vào nếp sống của dân làng. Tùy vào mỗi công việc cần thông báo cho cả làng, từ việc nhà đến việc nước mà cách đánh kẻng sẽ khác nhau. Kẻng vang lên 3 hồi và ngắt quãng là thông báo họp làng; ngân lên hồi dài, khẩn cấp là có hỏa hoạn, trộm cắp; vang lên từng hồi chậm rãi là báo hiệu có người qua đời như để chia buồn...”-già Hmrik cho biết.
Già Hmrik (làng Ia Nueng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) bên chiếc kẻng làng. Ảnh Trần Dung
Già Hmrik (làng Ia Nueng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) bên chiếc kẻng làng. Ảnh: Trần Dung
Cũng theo già Hmrik chia sẻ: Trước đây, làng Ia Nueng từng là “điểm nóng” về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Năm 2001-2002, bất chấp lời khuyên của người già và của chính quyền, một số đối tượng bỏ gia đình, bỏ ruộng rẫy trốn ra rừng theo FULRO để rồi kẻ bị bắt, kẻ tha phương cầu thực nơi đất khách quê người.
Thời điểm ấy, tiếng kẻng làng liên tục vang lên để phát tín hiệu khi có người bỏ làng theo kẻ xấu. Khi nghe tiếng kẻng của già làng vang lên hồi dài và khẩn cấp, dù đang trên nương rẫy hay ở trong nhà, mọi người đều tập trung về nhà rông để khuyên bảo, can ngăn những người có ý định rời làng theo bọn phản động FULRO.
Cũng như ở Ia Nueng, bao thế hệ người dân làng Grang (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) đều quen với tiếng kẻng đến mức dù làm gì, ở đâu, họ đều nghe và hiểu khi tiếng kẻng vang lên từ phía nhà rông. Lâu dần thành lệ, từ trẻ nhỏ đến người lớn đều thuộc lòng ý nghĩa âm thanh của từng tiếng kẻng.
Già Siu Lý (80 tuổi) cho rằng, tiếng kẻng của mỗi làng có những quy ước riêng. Đối với làng Grang, khi tập hợp dân, tiếng kẻng sẽ vang lên mạnh mẽ như thúc giục; khi trong làng có việc gấp, kẻng được đánh nhanh, gấp gáp như bước chân người chạy; khi có người qua đời, kẻng làng sẽ chậm rãi nối dài để bà con cùng đưa tiễn người đã khuất về với thế giới Atâu… Cứ như thế, tiếng kẻng đã bao đời gắn kết dân làng lại với nhau.
Chiếc kẻng của làng Klăh ở xã biên giới Ia Mơr (huyện Chư Prông) đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Ảnh: Trần Dung
Chiếc kẻng của làng Klăh ở xã biên giới Ia Mơr (huyện Chư Prông) đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Ảnh: Trần Dung
Già Lý chậm rãi kể: Sau ngày giải phóng, hầu như buôn làng nào cũng có những chiếc kẻng làm từ vỏ bom Mỹ. Thời đó, chưa có loa đài hay các phương tiện truyền thông hiện đại như bây giờ nên người trong làng dùng chiếc kẻng để phát tín hiệu liên lạc với nhau. Sau này, khi cuộc sống dần hiện đại, ở một số nơi, vai trò của chiếc kẻng dần bị thay thế. Tuy nhiên, đối với làng Grang, mấy chục năm nay, chiếc kẻng vẫn được giữ nguyên vẹn như một phương tiện quen thuộc để kết nối cộng đồng.
Phó Trưởng thôn Nay Kpă Phin bày tỏ: “Dù nay có nhiều cách để thông tin nhưng bà con vẫn muốn lưu giữ tiếng kẻng làng. Tiếng kẻng đã ăn sâu vào tiềm thức cũng như đời sống của người dân nơi đây. Hơn nữa, chiếc kẻng còn mang nhiều ý nghĩa, là một vật chứng của lịch sử, là âm thanh gắn kết dân làng”.
Hôm nay, trong mỗi câu chuyện kể về ngôi làng của mình, những người như già Hmrik, già Siu Lý… sẽ không quên nhắc đến chiếc kẻng. Cuộc sống đã đổi thay nhiều, các phương tiện như loa phóng thanh, điện thoại di động… xuất hiện ở khắp nơi nhưng chiếc kẻng làng vẫn còn đó dưới những gốc cây già xù xì cạnh nhà rông để đảm nhiệm “sứ mệnh” của mình, giúp sinh hoạt của dân làng đi vào nền nếp và đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương.
Gìn giữ tiếng kẻng làng
Dù các buôn làng ở Gia Lai giờ đã thay da đổi thịt nhưng chiếc kẻng vẫn được người dân gìn giữ, trân trọng. Ngày nối ngày, tiếng kẻng vẫn vang lên như một thanh âm quen thuộc trong đời sống cộng đồng. Hiểu rõ những giá trị của tiếng kẻng trong văn hóa làng, những năm gần đây, các cấp Hội Cựu chiến binh (CCB) trong tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình ý nghĩa.
Chiếc kẻng của làng Klăh ở xã biên giới Ia Mơr (huyện Chư Prông) được làm từ mâm xe ô tô và dùi gõ là 1 chiếc búa. Nhìn có vẻ rất đơn giản nhưng lợi ích mà nó mang lại cho dân làng là rất lớn. Trưởng thôn Rơ Mah Him không khỏi tự hào khi nói về mô hình “Tiếng kẻng an ninh” được Hội CCB triển khai thực hiện từ năm 2019.
Ông Him cho hay: “Mô hình này hoạt động dựa theo từng hiệu lệnh với những mục đích khác nhau. Đó là âm thanh nhắc nhở người dân nêu cao tinh thần cảnh giác đối với các loại tội phạm; là hiệu lệnh để các thành viên đi tuần tra ban đêm bảo đảm an ninh trật tự. Ngoài ra, tiếng kẻng cũng là tín hiệu thông báo để người dân tập trung nghe tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như cập nhật, nắm bắt thông tin tình hình an ninh trật tự của làng”.
Theo ông Him, trước đây, làng cũng xảy ra các vụ trộm cắp, tai nạn giao thông gây ảnh hưởng nhiều mặt đến đời sống của người dân; hoặc khi có việc cần báo động hay huy động người dân thì rất khó, đặc biệt là vào ban đêm. Từ khi triển khai mô hình “Tiếng kẻng an ninh”, tình hình an ninh trật tự cũng đã ổn định hơn; người dân yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế gia đình.
Tiếng kẻng đã trở thành âm thanh quen thuộc và là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân. Hiện mô hình này đã được triển khai ở 4 làng Jrai, góp phần cùng chính quyền địa phương và lực lượng Biên phòng bảo vệ an ninh biên giới.
Mô hình “Tiếng kẻng an ninh” do Hội CCB huyện Chư Pưh triển khai tại các thôn, làng đã mang lại hiệu quả thiết thực. Ảnh: Trần Dung
Mô hình “Tiếng kẻng an ninh” do Hội CCB huyện Chư Pưh triển khai tại các thôn, làng đã mang lại hiệu quả thiết thực. Ảnh: Trần Dung
Về thôn Hòa Sơn (xã Ia Phang, huyện Chư Pưh), chúng tôi dễ dàng bắt gặp hình ảnh chiếc kẻng được đặt tại hội trường thôn. Tiếng kẻng không chỉ dùng để thông báo họp thôn mà còn giúp phòng-chống trộm cắp, bảo vệ tài sản của bà con. Khi phát hiện trộm cắp hay có trường hợp gây rối trên địa bàn, người dân đánh kẻng để thông báo và cùng nhau ngăn chặn kịp thời.
Thôn Hòa Sơn nằm gần quốc lộ 14, tình hình an ninh trật tự tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, khi Hội CCB huyện triển khai mô hình “Tiếng kẻng an ninh” do cán bộ, hội viên Chi hội CCB thôn làm nòng cốt phối hợp với hệ thống chính trị thôn và lực lượng Công an quản lý thì tình hình hoạt động của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội trên địa bàn đã được kéo giảm đáng kể.
Ông Nguyễn Văn Quang-Trưởng thôn Hòa Sơn-thông tin: Nếu không có kẻ xấu xuất hiện, chúng tôi vẫn đánh kẻng báo yên để bà con biết. Theo quy định, mùa hè, đánh kẻng báo hiệu vào 5 giờ và 21 giờ 30 phút; mùa đông vào 5 giờ 30 phút và 21 giờ hàng ngày. Sau tiếng kẻng, tổ tự quản an ninh trật tự của Chi hội CCB thôn bắt đầu đi tuần tra 1 vòng để kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường về an ninh trật tự. Nếu phát hiện có đối tượng trộm cắp, phá hoại thì tổ tự quản đánh kẻng để báo động, huy động người dân vây bắt và báo với Công an kịp thời xử lý.
Ông Chu Xuân Toàn-Chủ tịch Hội CCB huyện Chư Pưh-khẳng định: “Việc sử dụng tiếng kẻng đã góp phần đưa sinh hoạt của người dân đi vào nền nếp, xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư. Vì vậy, chúng tôi đã và đang phối hợp với các thôn, làng nhân rộng một số mô hình hay dựa vào tiếng kẻng nhằm phát huy vai trò của người dân cùng với lực lượng tự quản trong việc giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương”.
TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm

'Người cha' của rừng gỗ quý

'Người cha' của rừng gỗ quý

Gần 30 năm miệt mài ươm trồng, cánh rừng với hàng vạn cây Pơmu, Samu của gia đình ông Vừ Rả Tênh (trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài huyện vui chơi, tận hưởng không khí trong lành.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...