Từ dấu tích của các ngôi miếu, ngôi chùa do ngư dân miền Trung dựng lên từ xa xưa, những người thợ nề, người lính công binh vượt sóng gió, chắt chiu từng lít nước viên gạch để phục dựng lại 9 ngôi chùa ở Trường Sa.
Phục dựng lại dấu tích của cha ông
Từng tham gia đoàn khảo sát, chọn địa thế phục dựng chùa trên các đảo ở Trường Sa cách đây hơn 20 năm, hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tận thấy những dấu tích của các ngôi miếu, ngôi chùa cổ.
Từ xa xưa, Việt Nam đã xác lập, thực hiện chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Trong nhiều thế kỷ liên tục, qua những chuyến hải trình khai thác sản vật, ngư dân các tỉnh miền Trung đã ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, xác lập chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Họ đã dựng lên các ngôi miếu thờ Thần, ngôi chùa thờ Phật để cầu mong mưa thuận gió hòa, sóng yên bể lặng. Trải qua những năm tháng tàn phá của mưa dông bão tố, các ngôi miếu, ngôi chùa trên các đảo đã bị hư hỏng nặng nề.
|
Chùa Nam Huyên trên đảo Nam Yết, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa được tôn tạo từ hơn 20 năm trước. Ảnh: Bình Nguyên |
Ngoài việc tôn tạo 3 ngôi chùa Trường Sa Đông, Sinh Tồn Đông và Đá Tây A, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, đơn vị xây dựng chùa, còn được giao nhiệm vụ lên phương án tu sửa 6 ngôi chùa cũ.
Đảm nhận trách nhiệm phó đoàn công tác, ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường trao quà cho quân dân trên đảo rồi nhanh chóng dẫn theo đội thợ nề, thợ mộc trèo mái, đo đạc, khảo sát từng hạng mục ở chùa. Sáu ngôi chùa xây dựng từ lâu, nhiều kết cấu gỗ đã bị mối mọt, mái ngói bị bão gió xô lệch.
Xuất hiện chớp nhoáng với khuôn mặt mướt mải mồ hôi, vận bộ đồ vướng bụi xi măng, đôi giày bảo hộ lấm lem, ông Trường nhận mình "kém khâu nói" nên ngại phát biểu trước đám đông. Đây cũng là lần hiếm hoi, ông chia sẻ với báo chí.
|
Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, đơn vị tôn tạo, phục dựng 9 ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa. Ảnh: Bình Nguyên |
"Tôi là Phật tử và tôi luôn tâm niệm lời dạy Phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật. Được đóng góp công sức phục dựng, tôn tạo 9 ngôi chùa ở Trường Sa là nhân duyên, vinh dự lớn với tôi", bằng giọng run run, thỉnh thoảng lắp đôi quãng, ông Trường bắt đầu câu chuyện.
Ông giám đốc 60 tuổi nhớ lại, cách đây hơn 20 năm ông bắt đầu bén duyên với Phật giáo, ăn chay niệm Phật tại gia. Trong chuyến đi Trường Sa cùng các vị cao tăng Giáo hội Phật giáo, thấy những ngôi miếu, chùa nhỏ trên đảo đổ nát, ông đã bày tỏ tâm nguyện công đức phục dựng lại. Doanh nghiệp gửi công văn đề xuất tới các cấp, ngành và được chấp thuận.
Liên tục nhiều năm sau đó, ông Trường dẫn đội thợ ra đảo để khảo sát, phục dựng. "Chúng tôi đi trên các chuyến tàu hàng, sà lan chở đá cát, xi măng, ăn lương khô, ngày thay mấy bộ quần áo mà người lúc nào cũng ướt nhẹp vì sóng biển tạt", ông Trường chia sẻ.
Mùa khô trên đảo từ tháng 2 đến tháng 4, tốc độ tôn tạo, phục dựng phải đảm bảo nhanh nhất trong quãng thời gian này.
Tàu ra đảo rất ít, vật liệu xây dựng vận chuyển khó khăn, nên mỗi chuyến đi đều phải tính toán kỹ lưỡng, chỉ thiếu một dui gỗ, túi đinh công trình công trình cũng không thể hoàn thiện đúng tiến độ. Ở Ninh Bình, doanh nghiệp Xuân Trường huy động hàng trăm thợ mộc được huy động làm liên tục ngày đêm.
Hàng trăm khối nhập khẩu được lựa chọn cẩn thận. Kích thước cột kéo, kết cấu gỗ làm từ đất liền phải đảm bảo chính xác khớp nối, từng centimet. Tượng Phật bằng thạch anh, đá sapphire do thợ tuyển từ Đà Nẵng ra tạc.
Lần thứ ba ra Trường Sa, ông Nguyễn Văn Lĩnh, 52 tuổi, phụ trách xưởng mộc Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, kể lại ngày đầu ra đảo, cả đội thợ say sóng. Làm việc giữa thời tiết nắng gắt, thợ ốm nằm liền mấy ngày. Mùa khô thuận lợi cho xây dựng nhưng đồng nghĩa với thiếu nước. Nước ngọt trên đảo chủ yếu là nước mưa tích trữ, tàu cấp nước hạn mức. Người dân, lính đảo ở đây ví "nước như máu".
|
Chùa Sinh Tồn Đông trên đảo Sinh Tồn Đông, huyện đảo Trường Sa, tình Khánh Hòa, vừa được tôn tạo. Ảnh: Bình Nguyên |
Dành nước ngọt phục dựng chùa
Tham gia hỗ trợ doanh nghiệp phục dựng chùa, Thượng tá Hoàng Đình Phương, Phó Chủ nhiệm chính trị lữ đoàn công binh 131, khi đó đang là trung đoàn trưởng trên đảo Song Tử Tây kể, thời điểm khan hiếm, mỗi người chỉ được cấp 3 lít nước một ngày dùng cho tất cả sinh hoạt cá nhân.
Nước ngọt để dành trộn vữa, đổ bê tông. Bộ đội công binh, thợ xây cháy nắng da bỏng rộp, trầy xước chân tay vẫn phải tắm bằng nước biển rồi lấy khăn thấm nước ngọt lau.
"Do tiến độ, chất lượng công trình đặt lên hàng đầu, chúng tôi đưa ra quy định không sử dụng quá lượng nước ngọt được cấp. Có người buổi đêm lén đi lấy thêm mấy lít nước để tắm vì muối bám trên da xót quá. Chỉ huy bắt gặp cũng không nỡ xử phạt, nhắc nhở động viên anh em cùng cố gắng", anh Phương nhớ lại.
Trầm ngầm ngắm từng ngôi chùa hiền hòa dưới tán cây bàng vuông cổ thụ, ông Nguyễn Văn Trường, chia sẻ hơn 30 năm làm nghề, đầu tư xây dựng hàng chục ngôi chùa, khu du lịch tâm linh trên khắp cả nước. Trong đó có hai ngôi chùa Bái Đình và Tam Chúc quy mô lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, việc tôn tạo, phục dựng 9 ngôi chùa ở Trường Sa với ông mang một ý nghĩa đặc biệt, đó là tâm nguyện cả đời ông và người vợ quá cố.
"Chúng tôi mong những ngôi chùa này sẽ là điểm tựa tâm linh, tinh thần giúp cho chiến sĩ vững vàng bảo vệ tấc đất thiêng liêng của tổ quốc, những ngư dân ngày đêm bám biển" - ông Trường nói.
Cách đây gần 20 năm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường bắt đầu tu bổ, khôi phục 6 ngôi chùa: Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Nam Yết, Sơn Ca, Phan Vinh tại Huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà. Năm 2020, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường tiếp tục khôi phục 3 ngôi chùa trên đảo: Trường Sa Đông, Sinh Tồn Đông và Đá Tây A. |
Theo Bình Nguyên (Dân Việt)