Tiền mất, tật mang…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo quy định của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ bắt buộc phải bán bảo hiểm xe máy đúng giá 66.000 đồng/năm: 60.000 đồng là phí bảo hiểm, 6.000 đồng là tiền VAT, không được khuyến mãi dưới mọi hình thức. Thế nhưng những ngày gần Tết Nguyên đán này, trên nhiều đường phố của TP. Pleiku, chúng ta không khó để bắt gặp các tấm biển quảng cáo khuyến mãi đối với loại hình bảo hiểm này, thậm chí còn “khuyến mãi khủng” với giá chỉ từ 20.000 đồng…
 

  Một điểm bán bảo hiểm xe cơ giới ở vỉa hè (gần trụ sở Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh).     Ảnh: Đinh Yến
Một điểm bán bảo hiểm xe cơ giới ở vỉa hè (gần trụ sở Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh). Ảnh: Đinh Yến

Không bàn ghế, không địa điểm, những “đại lý bán rong” bảo hiểm thường xuyên di chuyển trên các con phố ở Pleiku, có thể bán ở dưới chân cột điện, ngã ba ven đường, vỉa hè… Trong vai người mua bảo hiểm, tôi tìm đến một điểm bán bảo hiểm ở ngã ba Hoa Lư (dưới chân cột điện gần trụ sở Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh). Khi tôi hỏi mua bảo hiểm xe máy, người bán đon đả cho biết: Tấm biển ghi bảo hiểm xe máy chỉ với giá 20.000 đồng/năm là bảo hiểm tự nguyện với người ngồi trên xe, còn giá trị thực của bảo hiểm chúng em vẫn phải bán giá theo quy định là 66.000 đồng.

Thấy tôi ngạc nhiên, chị này giải thích thêm: “Biển quảng cáo ghi như vậy chủ yếu là để thu hút sự chú ý của khách hàng. Còn khi có khách hỏi mua, chúng em mới giải thích thêm. Song riêng bảo hiểm xe ô tô, mức phí bảo hiểm theo quy định là 290 ngàn đồng/xe, chúng em sẽ giảm 15%/tổng giá trị bảo hiểm chị ạ”. Khi tôi hỏi về trụ sở, địa chỉ của đơn vị bán bảo hiểm, người bán đưa cho tôi xem tờ thẻ bảo hiểm xe cơ giới, thấy trên thẻ ghi tên, đóng dấu, số điện thoại đường dây nóng của Công ty Bảo hiểm BIDV Sài Gòn (Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam-BIC). Về trụ sở của công ty, chị khoát tay chỉ ở đằng sau siêu thị Co.op Mart. Song qua tìm hiểu, thực tế văn phòng đại diện của BIC thuê ở chung cư Đức Long Gia Lai (đường Trần Phú).

Tiếp cận một điểm bán bảo hiểm có trưng biển “giảm giá sốc” trên đường Trần Phú, tôi được một bạn trẻ mời chào rất nhiệt tình: “Tụi em đang trong đợt khuyến mãi lớn, nếu chị mua bảo hiểm bắt buộc, giá 40.000 đồng/năm, mua 2 năm giá chỉ còn 60.000 đồng. Bảo hiểm tự nguyện người ngồi trên xe là 20.000 đồng/năm. Nếu chị mua số lượng lớn, bọn em sẽ khuyến mãi cho chị bảo hiểm tự nguyện chỉ còn 10.000 đồng”.

 

Lấy lý do công ty bảo hiểm này không đáng tin, tôi không muốn mua. Các em lại tiếp tục năn nỉ: “Mua giúp em đi chị, đang đợt khuyến mãi này em đảm bảo với chị chẳng đâu bán rẻ như tụi em đâu, chị mua chỗ khác chắc chắn phải mua với giá 66.000 đồng/năm và 83.000 đồng/2 năm. Ở đây, tụi em giảm giá bảo hiểm tự nguyện chỉ còn 10.000 đồng. Thậm chí, giấy chứng nhận em có thể để trống để chị tự điền thông tin vào”. Tôi hỏi: “Bán giá rẻ thế thì bọn em được bao nhiêu tiền cho một xe?”, em này thật thà nói: “Chúng em được 5.000 đồng/xe. Ngày bán cũng được 20-30 xe, gọi là kiếm thêm thu nhập thôi chị ạ. Nói chung là ngày được, ngày không”.

Khi tôi nói là bảo hiểm bắt buộc cấm khuyến mãi sao các em vẫn bán khuyến mãi, bạn trẻ này cho biết, các bạn chủ yếu là sinh viên đi làm để kiếm thêm thu nhập cho dịp Tết này. Khi nhận việc ở các đại lý, họ đưa luôn cả biển quảng cáo, còn các em tự tìm địa điểm để bán chứ không biết là Nhà nước cấm khuyến mãi.

 


Theo Nghị định 103/2008/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, Thông tư 126/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và Thông tư 151/2012/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 126 và Thông tư số 103/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định việc quản lý, sử dụng, thanh toán và quyết toán quỹ bảo hiểm xe cơ giới thì khi bán sản phẩm bảo hiểm này cho chủ xe cơ giới, trong đó bao gồm cả xe máy, doanh nghiệp bảo hiểm phải bán đúng mức phí bảo hiểm (66.000 đồng/năm) và không được khuyến mãi dưới mọi hình thức. Nghị định 103/2008/NĐ-CP cũng quy định phạt tiền 50 triệu đồng đối với doanh nghiệp bảo hiểm, tổng giám đốc/giám đốc, kế toán trưởng và người liên quan của doanh nghiệp bảo hiểm có hành vi vi phạm quy định.

Trao đổi với ông Nguyễn Xuân Long-Giám đốc Công ty Bảo hiểm PJICO Gia Lai, ông Long cho rằng, việc một số doanh nghiệp bán bảo hiểm xe cơ giới trên vỉa hè vô hình trung làm cho người dân hiểu nhầm, làm mất lòng tin về việc kinh doanh bảo hiểm. Bảo hiểm quan trọng nhất là uy tín, phải có địa chỉ cụ thể của công ty, vì khi không may khách hàng mua bảo hiểm gặp sự cố thì có công ty đứng ra lo bồi thường. Hơn nữa, việc kinh doanh bảo hiểm phải minh bạch, phải có thương hiệu rõ ràng, còn hình thức bán bảo hiểm xe cơ giới trên vỉa hè không nhãn mác, không có tên công ty là hoàn toàn sai quy định. Hơn nữa, cũng không ngoại lệ là một số cá nhân in giả thẻ bảo hiểm để bán cho người tiêu dùng.

Trao đổi qua điện thoại, ông Phùng Khắc Lộc-Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, hình thức bán bảo hiểm xe cơ giới trên vỉa hè là không đúng quy định. Một đại lý bảo hiểm xe máy phải được đào tạo bài bản, chỉ được bán cho một đơn vị bảo hiểm. Hoa hồng được hưởng/một thẻ bảo hiểm là do công ty đó quyết định. Đối với kiểu bán bảo hiểm vỉa hè, Hiệp hội cũng đã đi kiểm tra nhưng rất khó lấy chứng cứ để kiến nghị với Bộ Tài chính xử phạt. Vì thực tế là người tiêu dùng mua bảo hiểm với giá thấp hơn so với giá quy định của Bộ Tài chính nhưng trên giấy bảo hiểm các công ty vẫn đóng dấu là 66.000 đồng/năm. Trước mắt vẫn là ý thức của người dân, đừng ham rẻ mà mua bảo hiểm giá rẻ, không rõ nguồn gốc, nếu không may xảy ra sự cố thì không biết kêu ai, tiền mất tật mang.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.
Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

(GLO)- Những ngày nắng nóng tháng 4, dọc ven hồ Ayun Hạ thuộc địa phận xã Ayun, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), đông đảo người dân lại kéo nhau ra cào hến, bắt cá, tép, vừa cải thiện bữa ăn, vừa bán để kiếm thêm thu nhập.
Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

(GLO)- “Cứ việc gì đem lại lợi ích cho bà con thì làm thôi”-một câu nói nhẹ tênh nhưng thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng của ông Trần Đình Bông (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai).
Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

(GLO)- Trong cuộc sống có rất nhiều người sinh ra và lớn lên khi không may bị khiếm khuyết một phần của cơ thể, dù vậy, họ không chấp nhận phó mặc cho số phận mà nỗ lực vươn lên và tỏa sáng giữa đời thường.